Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi TP. Hồ Chí Minh năm 2022


Đồng chí Phạm Đức Hải - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó ban Thường trực Ban Tổ chức Hội thi tặng hoa cho Ban giám khảo và đại biểu (Ảnh: H.Hào).

Phát biểu khai mạc tại Hội thi, đồng chí Phạm Đức Hải - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó ban Thường trực Ban Tổ chức Hội thi cho biết: Công tác giảng dạy, học tập lý luận chính trị có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp phát triển của đất nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng lý luận, tăng cường sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận của Nhân dân.

Nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị tại Trung tâm Chính trị TP. Thủ Đức và các quận, huyện là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ rất quan trọng, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội hiểu và nắm vững chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó vận động các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng, làm theo, góp phần đưa các nghị quyết của Đảng đi vào đời sống xã hội đạt hiệu quả cao. Với yêu cầu đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi TP. Hồ Chí Minh năm 2022.


Đồng chí Phạm Đức Hải - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó ban Thường trực Ban Tổ chức Hội thi phát biểu khai mạc tại Hội thi (Ảnh: H.Hào).

Năm nay, tổng số thí sinh tham dự là 22, trong đó có 9 nữ; 13 nam. Thí sinh lớn tuổi nhất là giảng viên Trần Văn Tư, sinh năm 1962, đơn vị Trung tâm Chính trị huyện Bình Chánh; thí sinh nhỏ tuổi nhất là đồng chí Nguyễn Đình Dự, sinh năm 1991, đơn vị Trung tâm Chính trị quận Phú Nhuận; Thí sinh có thời gian giảng dạy lâu nhất là giảng viên Bùi Quốc Tuấn (19 năm) đơn vị Trung tâm Chính trị Quận 11.

Cũng theo đồng chí Phạm Đức Hải, về trình độ chuyên môn: Tiến sĩ 1 thí sinh (tỷ lệ 4,54%); Thạc sĩ 12 thí sinh (54,54%); Cử nhân 9 thí sinh (40,90%); Về trình độ lý luận chính trị: Cao cấp 9 thí sinh (40,90%); Cử nhân 1 thí sinh (4,54%); Trung cấp 12 thí sinh (54,54%).

Khác với những năm trước, Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi năm nay, thí sinh dự thi đều là những giảng viên chuyên trách, đang giảng dạy các chương trình lý luận chính trị tại các trung tâm chính trị TP. Thủ Đức và các quận, huyện. Vì vậy, Hội thi thực sự là cuộc thi tài hào hứng, quyết liệt giữa các thí sinh, đòi hỏi các thí sinh phải nỗ lực nhiều hơn để giành thắng lợi.

Nhắn nhủ với các thí sinh tham gia Hội thi, đồng chí Phạm Đức Hải chia sẻ, để Hội thi đạt kết quả tốt, Ban Tổ chức trân trọng đề nghị:

Một là, các thí sinh dự thi, bằng những kiến thức tích lũy, với những kỹ năng đã có và lòng yêu nghề, hãy bình tình, tự tin, thể hiện tốt kiến thức và kinh nghiệm của bản thân, góp phần đạt kết quả tốt tại Hội thi.

Hai là, Ban Giám khảo với tinh thần trách nhiệm cao nhất, chắc chắn sẽ đánh giá khách quan, chính xác về năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm, đúng với nỗ lực chung của các thí sinh để chọn ra được những thí sinh xuất sắc đạt giải cao tại Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi TP. Hồ Chí Minh, góp phần rút ra nhiều phương pháp giảng dạy hay, giáo án tốt.

Ba là, từ kết quả Hội thi, các trung tâm chính trị rút ra kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ giảng viên tại đơn vị.

Mở đầu Hội thi, thí sinh Bùi Thị Thùy Linh – giảng viên Trung tâm Chính trị Quận 5 trình bày bài thuyết trình với chủ đề “Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo Nhân dân đấu tranh giành chính quyền, gồm 3 phần chính: (1) Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam; (2) Đảng lãnh đạo các phong trào cách mạng (1930-1939); (3) Đảng lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc và khởi nghĩa giành chính quyền (1939-1945).

Cho biết về cảm nghĩ khi là thí sinh đầu tiên trình bày bài dự thi, thí sinh Bùi Thị Thùy Linh cho biết: Được tham gia cuộc thi này tôi rất vui bởi vì đây là cơ hội để chúng tôi có thể trau dồi thêm kiến thức và bổ sung thêm kinh nghiệm, là thí sinh đầu tiên trình bày bài thi, tôi không tránh khỏi những áp lực, những căng thẳng. Điều quan trọng là sau khi trình bày xong phần thi của mình, tôi có điều kiện để theo dõi phần thi của các thí sinh khác, để qua đó mình có thể học tập nhiều hơn. Sau khi nhận được lời nhận xét, góp ý của các giám khảo tôi có thể định hướng được mình cần phải bổ sung theo hướng nào để giúp kiến thức của mình ngày càng vững chắc hơn cũng như rèn luyện thêm kỹ năng để mình có thể đứng lớp dạy cho các lớp lý luận chính trị đạt được hiệu quả cao hơn”.


Thí sinh Bùi Thị Thùy Linh – giảng viên Trung tâm Chính trị Quận 5 trình bày bài thuyết trình dự thi (Ảnh: H.Hào).



Cổ động viên cổ vũ cho thí sinh tham dự Hội thi (Ảnh: H.Hào).

“Thể lệ và cơ cấu giải thưởng

Thí sinh tham dự Hội thi là giảng viên chuyên trách thuộc trung tâm chính trị các quận, huyện, TP. Thủ Đức.

Thời gian: Hội thi diễn ra trong 2 ngày, ngày 21 và 22 tháng 4 năm 2022.

Nội dung:

Giảng viên dự thi lựa chọn một bài trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và chương trình bồi dưỡng chuyên đề dùng cho trung tâm do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành, tập trung các chương trình:

Chương trình Sơ cấp lý luận chính trị; Chương trình Lý luận chính trị dành cho học viên lớp đối tượng kết nạp Đảng; Chương trình học tập lý luận chính trị dành cho đảng viên mới; Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy viên cơ sở và bí thư chi bộ; Chương trình chuyên đề bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ dành cho cán bộ mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở; Chương trình bồi dưỡng chuyên đề Chủ nghĩa yêu nước; Chương trình bồi dưỡng chuyên đề Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hình thức:

Phần thi giáo án:

Mỗi thí sinh dự thi soạn 1 giáo án của nội dung thi giảng. Thang điểm phần thi này là 10 điểm, nhân hệ số 2; điểm của mỗi thí sinh là điểm trung bình của Ban Giám khảo. Giám khảo chấm giáo án trước khi bắt đầu diễn ra Hội thi.

Về nội dung: Giáo án phải chính xác về lý luận (có phân tích, cung cấp các luận cứ khoa học trên cơ sở nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng), sử dụng các luận cứ thực tiễn để dẫn chứng; văn phong súc tích, rõ nghĩa, chính xác, thuyết phục; bố cục cân đối giữa các phần: đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết luận vấn đề.

Phần thi giảng: Thí sinh chọn phần trọng tâm của bài giảng đã đăng ký dự thi để trình bày trong thời gian từ 25 đến 30 phút; trong quá trình thi giảng, nếu đã đáp ứng yêu cầu bài giảng thì Ban Giám khảo được quyền kết thúc phần thi trước thời gian quy định; nội dung thi giảng phải đăng ký trước và không được thay đổi sau khi chấm giáo án. Thang điếm phần thi này là 10 điểm, nhân hệ số 3; điểm của mỗi thí sinh là điểm trung bình của Ban Giám khảo.

Phần thi trả lời câu hỏi:

Thí sinh bốc thăm và trả lời câu hỏi do thành viên Ban Giám khảo đặt ra (chọn 1 trong 5 bì thư). Thang điểm phần thi này là 10 điểm, nhân hệ số 1; điểm của mỗi thí sinh là điểm trung bình của Ban Giám khảo.

Nội dung câu hỏi liên quan trực tiếp đến bài giảng của người dự thi và có mở rộng liên hệ đế kiểm tra kiến thức, kỹ năng của giảng viên. Thời gian trả lời câu hỏi không quá 5 phút.

Đánh giá kết quả thi:

Ban Giám khảo đánh giá kết quả thí sinh thi theo thang điểm 10, trong đó:

Điểm thi giáo án: hệ số 2; Điểm thi giảng: hệ số 3; Điểm trả lời câu hỏi: hệ số 1.

Kết quả chung là điểm trung bình cộng của 3 phần thi: phần thi giáo án, phần thi giảng, phần thi trả lời câu hỏi (tống số điểm chia 6). Điểm thi không làm tròn số và được phép lấy đến chữ số thứ hai trong phần thập phân.

Giải thưởng:

Ban Tuyên giáo Thành ủy cấp Giấy chứng nhận và trao giải thưởng cho các thí sinh, gồm có: 1 giải Nhất: 10.000.000 đồng; 2 giải Nhì: 7.000.000 đồng.


Hoàng Hào

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất