Cuộc sống mới của đồng bào Xa Phó
Thu hoạch sắn của đồng bào Xa Phó.
Người Xa Phó hiện có trên 190 hộ với gần 850 nhân khẩu, sinh sống tập trung ở 3/10 thôn tại xã Châu Quế Thượng. Những năm 1960 trở về trước, đồng bào Xa Phó cư trú ở tít trên núi Ngọn Ngòi (thượng nguồn Suối Nhầy giáp với thượng nguồn suối Nậm Tha, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) quanh năm mây phủ và giá rét, giao thông đi lại khó khăn, chợ thì xa. Cuộc sống của người Xa Phó chủ yếu dựa vào việc khai thác nương rẫy, gieo trồng các loại cây lương thực kém hiệu quả như lúa nương, ngô đồi, sắn thuần, khoai lang, khoai sọ và săn bắn thú, chim muôn, hái lượm rau rừng, măng tre, nứa. Vì thế, hầu hết các gia đình Xa Phó đều thiếu gạo, đói ăn vào mùa giáp hạt, cuộc sống thiếu thốn đủ thứ, con em không được học hành, bệnh tật diễn ra triền miên không có thuốc chữa trị.  

Với thực trạng trên, Đảng, Nhà nước đã tuyên truyền, vận động bà con xuống núi định cư để phát triển kinh tế thuận lợi hơn. Được Đảng, Nhà nước quan tâm giúp đỡ, tại nơi ở mới, đồng bào đã tích cực lao động, sản xuất, khai thác đất ruộng cấy lúa nước, trồng rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn. Đồng thời, bà con đã thay đổi tập quán sinh hoạt, luôn ăn chín, uống sôi, từ đó tránh được các loại bệnh dịch như sốt rét, tiêu chảy, đậu mùa, sốt phát ban…  

Trong những năm gần đây, bà con đã được hưởng thụ các chương trình xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước như Chương trình 135, 134, 167…, và ngoài ra bà con còn được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón nên cuộc sống của đồng bào đã khá hơn.  

Ở thôn 7, 94/148 hộ dân là người Xa Phó với 376 nhân khẩu, ngoài việc sản xuất lúa ngô, sắn, mía, bà con còn tích cực trồng rừng kinh tế, bảo vệ rừng đầu nguồn. Trong đó, bà con tích cực trồng các loại cây rừng kinh tế cao như bồ đề, chẩu, quế, tre măng bát độ… Nhờ đó, nhiều hộ dân đã có nguồn thu nhập ổn định với hàng chục triệu đồng/năm. Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Văn Phóng, Trưởng thôn 7, cho biết: “Cuộc sống của đồng bào Xa Phó ở nơi đây đã có nhiều thay đổi so với trước kia. 30% nhà ở của bà con được bán kiên cố; không còn số hộ nghèo đói giáp hạt như trước nữa. Cuộc sống được ổn định, trẻ em đã được đi học đúng độ tuổi. Riêng xã Châu Quế Thượng đã có 5 cán bộ người Xa Phó công tác ở ngành giáo dục, 2 công tác trong ngành công an,  1 ở ngành y tế và 4 công tác tại xã. Ngoài ra, còn có nhiều học sinh, sinh viên hiện đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp ở Trung ương và ở tỉnh Yên Bái.  

Để hòa nhập với cuộc sống mới của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh trong xu thế phát triển không ngừng, đồng bào Xa Phó đã tích cực đẩy lùi những hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi và thờ cúng tổ tiên. Đặc biệt là đã có sự đổi mới trong việc tổ chức ăn hỏi, cưới xin và giữ gìn các nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Bà Đặng Thị Thanh, thôn 7, cho biết: “Trước đây, một đám cưới, bên nhà gái thường thách cưới từ 80 kg đến 100 kg thịt lợn, 5 đồng bạc trắng, 80 lít rượu… Nhưng hiện nay, bà con chúng tôi đã có những thay đổi về việc thách cưới. Nếu gia đình nhà trai khó khăn thì một đám cưới chỉ cần  một đôi gà, một lít rượu là có thể hoàn thành được thủ tục hỏi cưới cho đôi trai gái thành vợ chồng, sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi”.  

Chúng tôi chia tay bà con Xa Phó giữa cảnh trời xuân đang trỗi dậy, cỏ cây hoa lá đâm chồi, nẩy lộc cùng tiếng sáo kúc kẹ véo von đâu đây. Chúc cho đồng bào Xa Phó ngày càng phát triển, tiến bộ, đi lên cùng đất nước.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất