Đã khởi tố 1 đối tượng liên quan đến các vụ giả danh giáo viên, nhân viên bệnh viện lừa đảo phụ huynh
Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: H.Hào).

Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: H.Hào).

Tại buổi họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, liên quan đến các vụ giả danh giáo viên, nhân viên bệnh viện lừa đảo phụ huynh: Công an Quận 5 đã tiếp nhận và làm việc với 4 phụ huynh đến trình báo về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền là 340.000.000 đồng. Công an thành phố cũng ghi nhận 3 trường hợp khác cũng bị lừa mất tiền nhưng khi công an mời thì không đến trình báo. Trong 3 trường hợp không trình báo, có 2 trường hợp đã chuyển cho các đối tượng lừa đảo số tiền 90.000.000 đồng và 1 trường hợp chưa chuyển tiền.

Kết quả xác minh ban đầu cho thấy, các số điện thoại đều tắt, không còn hoạt động, tại thời điểm gọi cũng không thể hiện vị trí GPS.

Khi xác minh 5 số thuê bao gọi đến thì có 1 thuê bao không đăng ký, 4 thuê bao không xác minh được chủ thuê bao. Về tài khoản nhận tiền chiếm đoạt thì có 2 số tài khoản được mở tại 2 ngân hàng và bán lại cho 2 đối tượng khác với số tiền là 1.500.000 - 2.000.000 đồng/tài khoản.

Trong 2 đối tượng mua số tài khoản, có 1 đối tượng đã bị Công an tỉnh Trà Vinh khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”; 1 đối tượng đang bỏ trốn, đối tượng này đang bị Công an quận Bình Thạnh truy tìm liên quan đến tội danh "bắt giữ người trái pháp luật".

Cũng theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, các vụ việc liên quan đến thủ đoạn lừa đảo qua mạng khá phức tạp vì liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa phương, khả năng đối tượng cầm đầu nằm ngoài khu vực lãnh thổ Việt Nam. Do đó, Công an thành phố cùng các phòng nghiệp vụ sẽ tiếp tục điều tra, phối hợp xác minh, xử lý vụ việc.

Các vụ việc lừa đảo qua mạng rất tinh vi, Công an thành phố khuyến cáo người dân phải cảnh giác, không chuyển tiền cho bất kỳ ai khi chưa rõ về họ; Công an, bệnh viện, trường học không làm việc qua điện thoại; Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai; Khi có nghi ngờ thì người dân cần điện thoại ngay đến cơ quan công an gần nhất hoặc đường dây nóng của Công an thành phố để trình báo.

Công an TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân không để các đối tượng cò mồi, lừa đảo làm dịch vụ cấp đổi hộ chiếu ngoài trụ sở

Cũng tại buổi họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: theo thống kê Phòng Quản lý xuất nhập cảnh PA08 Công an thành phố, hiện nay Công an thành phố đang triển khai các dịch vụ cấp đổi hộ chiếu, từ đầu năm 2023 đến nay, Công an thành phố đã tiếp nhận 121.266 hồ sơ, trong đó thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 94.739 hồ sơ, chiếm 78, 12%; tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 26.526 hồ sơ, chiếm 21,88% (có 1 trường hợp tiếp nhận trực tiếp).

Để phòng ngừa các đối tượng cò mồi, lừa đảo làm dịch vụ cấp đổi hộ chiếu ngoài trụ sở Công an, Công an thành phố đề ra một số giải pháp:

Tập trung tuyên truyền cho người dân cách thức đăng ký cấp hộ chiếu dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 cho nhanh chóng thuận lợi, cụ thể: thiết kế bảng hướng dẫn bằng hình ảnh, xây dựng các video hướng dẫn thực hiện dịch vụ; in phát các tờ rơi hướng dẫn chi tiết cách đăng ký tài khoản; cách đăng nhập tài khoản để nộp hồ sơ trực tuyến, cách thanh toán, nộp phí trực truyến;… để người dân dễ dàng đăng nhập, tải các tài liệu cũng như đăng nhập vào cổng dịch vụ công; niêm yết các bảng hướng dẫn tại cổng của cơ quan và khu vực đăng ký nhận hồ sơ, bố trí buồng trực điện thoại để giới thiệu hướng dẫn người dân đăng ký cấp đổi hộ chiếu bằng hình thức trực tuyến; bố trí cán bộ trả lời trực tiếp mọi thắc mắc của người dân trong quá trình thực hiện.

Tăng cường lực lượng đoàn viên Công an thành phố làm nhiệm vụ hướng dẫn sử dụng thiết bị công nghệ trên điện thoại, phát tờ rơi, hướng dẫn cho công an quận, huyện, TP. Thủ Đức để tuyên truyền đến cho doanh nghiệp, trường học, các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thành phố.

Đăng nhiều tin, bài cảnh báo tuyên truyền đến người dân các thủ đoạn lừa đảo thông qua dịch vụ quảng cáo làm hộ chiếu.

Đồng chí Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an Thành phố phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: H.Hào).

Đồng chí Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an thành phố phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: H.Hào).

Ngoài ra, Ban Giám đốc Công an thành phố và các đơn vị nghiệp vụ thường xuyên nhắc nhở cán bộ, chiến sỹ thực hiện đúng tác phong; các trường hợp cán bộ, chiến sỹ bị người dân phản ánh sẽ được xác minh rõ, nếu sai phạm sẽ bị xử lý.

Cũng theo đồng chí Lê Mạnh Hà, trong quá trình cấp đổi hộ chiếu, người dân gặp một số khó khăn trong việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, khó khăn trong việc truy cập tài khoản dich vụ công do chưa cập nhật thuê bao điện thoại chính chủ, căn cước công dân 12 số.

Ngoài ra, việc in ấn hộ chiếu hiện nay do Cục Xuất nhập cảnh - Bộ Công an thực hiện rồi chuyển cho Phòng Xuất nhập cảnh Công an thành phố chuyển trả cho người dân, do đó Công an thành phố muốn giải quyết nhanh cho người dân cũng không thể được.

Công an thành phố chủ động liên hệ với 3 nhà mạng Vinaphone, Mobiphone, Viettel đặt quầy cập nhật thông tin căn cước công dân ngay tại trụ sở để tạo điều kiện cho người dân khi thực hiện hồ sơ trực tuyến.

Tại trụ sở Phòng PA08 có bố trí khu vực dành riêng cho công dân đăng ký cấp đổi hộ chiếu trực tuyến, có wifi, chụp ảnh đúng chuẩn quy định, có lực lượng đoàn viên, sinh viên tình nguyện hướng dẫn thao tác thực hiện, giải đáp các thắc mắc của người dân.

Công an TP. Hồ Chí Minh đề nghị người dân nên tự thực hiện đăng ký hồ sơ cấp đổi hộ chiếu trên Cổng dịch vụ công để chủ động theo dõi kết quả giải quyết hồ sơ. Khi cần thì người dân hãy liên hệ trực tiếp với PA08 qua điện thoại hoặc với bộ phận giải quyết hồ sơ trực tuyến để được hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc – đồng Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất