Là học trò xuất sắc của Bác Hồ kính yêu, được rèn luyện và trưởng thành trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ của nhân dân ta, đồng chí Trường Chinh đã trở thành nhà lãnh đạo có uy tín được nhân dân và bạn bè thế giới tin yêu, kính trọng. Khi còn là một học sinh thành chung, đồng chí đã sớm đến với cách mạng như một lẽ tự nhiên. Sau một thời gian họat động trong phong trào yêu nước, đồng chí trở thành một trong những hạt nhân cộng sản đầu tiên tham gia vận động thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, đưa phong trào cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn mới. Tích cực hoạt động cách mạng, đồng chí bị kẻ thù bắt giam và tra tấn dã man. Nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, chính nhà tù với những thủ đoạn tàn bạo của kẻ thù là nơi tôi luyện thêm chất thép, bản lĩnh của người cộng sản trẻ tuổi. Ngay trong nhà giam Hỏa Lò, đồng chí đã có những lời thơ tự nhủ: “Quản chi nếm mật với nằm gai/ Trời biển mênh mông vẫn đợi người/ Chí lớn nấu nung trong ngục tối/ Sẽ đem thi thố một ngày mai...” (Tin tưởng - 1931). Và chính những ngày tháng đó đã giúp đồng chí trưởng thành: “Gang kia đã luyện nên thành thép/ Thép có tôi rồi mới rắn thêm …”.
Ra tù, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng. Từ năm 1941, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, cùng với và Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, đồng chí đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, đặc biệt là việc tổ chức Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (tháng 5-1941), đánh dấu sự chuyển hướng của cách mạng Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một chiến sĩ cách mạng lỗi lạc, người đã cùng có mặt trong những ngày cách mạng nước ta trong cơn phong ba bão táp kể lại: “Từ tháng 8-1942 đến tháng 9-1944, Bác Hồ đi vắng, có thời gian khá dài không có tin tức; trên cương vị Tổng Bí thư, trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, anh Trường Chinh đã đảm nhận trọng trách lãnh đạo phong trào và đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Nổi bật nhất là anh đã dự báo được việc Nhật - Pháp bắn nhau và sớm thay mặt Thường vụ Trung ương thảo ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Cùng với “Lời kêu gọi” của Nguyễn Ái Quốc, Chỉ thị ấy đã chỉ rõ thời cơ đang đến, khả năng thời cơ xuất hiện và thái độ của ta nên như thế nào …”.
Cũng chính đồng chí khi thấy thời cơ đến đã triệu tập hội nghị thống nhất các lực lượng vũ trang cách mạng để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa thành công. Thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với cuốn sách “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, đồng chí đã xác định một cách cụ thể và đúng đắn đường lối và cơ sở lý luận cho cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Ngay tại Chiến khu Việt Bắc, trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, đồng chí đã hết sức chú trọng việc kiến quốc. Những vấn đề mang tính chiến lược có tính chất “đi trước thời đại” như vấn đề kinh tế nhiều thành phần, vấn đề chống ngăn sông cấm chợ, việc đẩy mạnh công thương… đã được đồng chí đề cập tới.
Trong chiến tranh chống Mỹ, đồng chí Trường Chinh cũng đã có những đóng góp to lớn góp phần chèo lái con thuyền cách mạng nước nhà. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, trong điếu văn đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Trường Chinh đã đánh giá: “… Vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng”, “đồng chí đã có nhiều đóng góp lớn vào sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Những năm sau giải phóng, khi Đảng chưa tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, đồng chí Trường Chinh là một trong những đồng chí lãnh đạo cao cấp đứng ra rung hồi chuông báo động về những sai lầm của Đảng trong lãnh đạo kinh tế. Thời kỳ đó đồng chí Trường Chinh đưa ra nhận định: “Nếu không đổi mới sẽ đi vào ngõ cụt! Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”. Một năm trước Đại hội VI của Đảng, đồng chí đã nêu: “Trước đây tôi đã nghe nhiều báo cáo sai lầm”, vì thế đã đầu tư công sức và trí tuệ để thiết kế bản Dự thảo Báo cáo chính trị và Dự thảo Nghị quyết đổi mới của Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) với tư tưởng chủ đạo: “… Không né tránh kiêng kỵ cơ chế thị trường, vì đó là sự vận động của qui luật khách quan ngoài ý muốn của chúng ta”. Nhận định về những đóng góp to lớn đó của đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khẳng định: “… ở cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân, đồng chí đã có nhiều đóng góp rất quan trọng vào việc đề ra chủ trương đổi mới”. Những năm trên cương vị và trách nhiệm là Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã tích cực góp sức mình trong việc xây dựng Cương lĩnh và Chiến lược kinh tế-xã hội, chuẩn bị Văn kiện Đại hội VII của Đảng.
Trong xu thế phát triển của nước ta hiện nay, đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn mãi “là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”. Và chính vì thế mà ta luôn luôn nhớ tới, tin yêu và kính phục người “Tổng Bí thư đổi mới” - “một con người rất mực đạo đức, cẩn trọng và tỉ mỉ đúng với bí danh mà anh đã lấy: “Toàn”, “Nhân” và “Thận” (Văn Tiến Dũng).
Nguyễn Thị Thọ
Trường Cao đẳng Sư phạm Huế