Sáng ngày 11-9-2015, Bộ Y tế tổ chức Họp báo về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Phát biểu tại họp báo, PGS, TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nêu: Ở Việt Nam, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành tại hầu hết các tỉnh, thành phố, có nguy cơ tăng cao vào các tháng mùa mưa, bệnh ghi nhận chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam. Bệnh sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, bùng phát 4 - 5 năm/lần.
Để ứng phó với bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã chủ động kiểm soát, chuẩn bị và sẵn sàng đáp ứng với các tình huống của bệnh. Bộ Y tế kêu gọi người dân chủ động và tích cực thực hiện triệt để các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống sốt xuất huyết.
Trong 8 tháng đầu năm 2015, cả nước đã ghi nhận hơn 29.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 50/53 tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung chủ yếu ở các tỉnh khu vực miền Nam, là nơi có tập quán trữ nước, khu đô thị, công trường xây dựng và khu dân cư đông đúc như: Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Số mắc năm 2015 mặc dù có xu hướng tăng hơn cùng kỳ năm 2014 (là năm có số mắc thấp nhất trong vòng 10 năm qua) nhưng so với giai đoạn 2009-2013 vẫn thấp hơn. Các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết (18 trường hợp) ghi nhận tại 10 tỉnh, chủ yếu tập trung tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Từ đầu năm 2015, Bộ Y tế đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết như sau:
Chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh sốt xuất huyết từ Trung ương đến địa phương; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh;
Đã có các công điện và các văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết ngay từ đầu năm, khi bắt đầu vào các thời điểm có nguy cơ mắc bệnh tăng cao; giám sát diễn biến tình hình bệnh và có văn bản chỉ đạo kịp thời về tăng cường phòng chống sốt xuất huyết đối với các tỉnh, thành phố.
Chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc và dịch truyền tại các cơ sở điều trị để sẵn sàng thu dung, cách ly điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết; chuẩn bị hóa chất, máy phun hóa chất, dụng cụ điều tra bọ gậy phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp mắc sốt xuất huyết để xử lý kịp thời. Tổ chức các chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi triệt để tại các khu vực có nhiều nguy cơ.
Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị và mạng lưới cộng tác viên về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch, hướng dẫn chẩn đoán điều trị, hướng dẫn quản lý mô hình cộng tác viên, về nội dung quản lý chương trình phòng chống sốt xuất huyết.
Tăng cường đăng tải các khuyến cáo, các hoạt động truyền thông phòng chống sốt xuất huyết tại các địa phương, triển khai áp dụng các biện pháp kiểm tra, hướng dẫn diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy tại các hộ gia đình thông qua mạng lưới cộng tác viên. Huy động chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể tham gia chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết;
Thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch năm 2015, tập trung vào các tỉnh có nhiều nguy cơ sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên. Bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Bệnh lưu hành trên 100 quốc gia thuộc các khu vực có khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới như vùng Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, Châu Mỹ, Châu Phi với khoảng 3,5 tỷ người sống trong vùng nguy cơ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 100 triệu trường hợp mắc, phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ tử vong trung bình do sốt xuất huyết khoảng 2,5-5%. Đến nay, sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
Thu Huyền