Từ năm 2011 đến 2013, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 343 của tỉnh Nghệ An đã lựa chọn phường Hà Huy Tập (TP. Vinh) làm điểm. Đây cũng là nơi đầu tiên trong tỉnh thành lập câu lạc bộ “Phụ nữ 4 chuẩn mực” (tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang). Qua 3 năm triển khai, câu lạc bộ đã hoạt động hiệu quả, tạo được nét riêng, tập hợp, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia.
Từ thành công bước đầu ở phường Hà Huy Tập, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo mỗi huyện, thành, thị xây dựng ít nhất 1 câu lạc bộ “Phụ nữ 4 chuẩn mực”, sau đó nhân rộng ra toàn tỉnh. Đến nay, cả tỉnh đã có 26 câu lạc bộ “Phụ nữ 4 chuẩn mực”, trong đó có những câu lạc bộ được thành lập tại những địa bàn có nhiều đồng bào đạo Công giáo, đồng bào dân tộc thiểu số, thu hút hơn 28.800 lượt hội viên, phụ nữ tham gia.
Hoạt động của câu lạc bộ “Phụ nữ 4 chuẩn mực” rất phong phú, đa dạng, trong đó có sự vận dụng linh hoạt các hình thức, chủ đề. Bên cạnh sinh hoạt theo hình thức tọa đàm, ban chủ nhiệm các câu lạc bộ còn chú trọng hình thức sân khấu hóa, các thành viên câu lạc bộ cũng đồng thời là những diễn viên quần chúng, thay phiên nhau đóng các tiểu phẩm hoặc kể những câu chuyện có thật ở địa phương liên quan đến 4 chuẩn mực đạo đức. Qua các hoạt động này, các chị em phụ nữ vừa được học tập, tìm hiểu sâu hơn về những phẩm chất tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang, vừa được giao lưu, sẻ chia, trao đổi. Thông qua các câu lạc bộ, chị em được trang bị kiến thức, kỹ năng sống của người phụ nữ hiện đại, có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh, biết tự phấn đấu vươn lên, mạnh dạn bày tỏ chính kiến, từ đó giải tỏa những băn khoăn, lo lắng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình.
Hiệu quả rõ nét nhất thông qua sinh hoạt tại các câu lạc bộ “Phụ nữ 4 chuẩn mực” là những chuyển biến, thay đổi nhận thức, hành vi của các tầng lớp phụ nữ trong cộng đồng. Với lực lượng hội viên, phụ nữ nông dân, các chị em được bồi đắp thêm niềm tin yêu cuộc sống, hăng say lao động sản xuất, biết yêu thương con người. Nếu như trước đây, một số hộ gia đình chị em sản xuất rau dịch vụ, để có lợi nhuận cao đã tăng lượng thuốc kích thích, thuốc trừ sâu cho rau sinh trưởng nhanh và sẵn sàng bán cho người tiêu dùng. Từ khi tham gia câu lạc bộ, được tuyên truyền, vận động và hiểu được vai trò của bản thân trong việc xây dựng, phát huy phẩm chất “tự trọng”, “trung hậu”, các chị em đã thi đua thực hiện phong trào sản xuất sạch với các mô hình cụ thể như “Vườn rau dinh dưỡng”, “Vườn rau an toàn” theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đã có gần 500 mô hình trồng rau an toàn, cung cấp một lượng rau sạch khá lớn cho người dân trên địa bàn. Các chị cũng phát huy tinh thần hợp tác, tương trợ, giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất với các mô hình “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Ngày tiết kiệm vị phụ nữ nghèo”, “Thực hành tiết kiệm”, “Tiết kiệm tín dụng”… Chỉ tính trong năm 2014, toàn tỉnh huy động tiết kiệm được trên 50 tỷ đồng giúp đỡ các hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất.
Tại các nhà máy, khu công nghiệp, lực lượng nữ công nhân đã tích cực rèn luyện, nâng cao phẩm chất người phụ nữ hiện đại, nêu cao trách nhiệm trong công việc, xây dựng tác phong công nghiệp, tuân thủ kỷ luật lao động của doanh nghiệp đề ra. Đặc biệt, nhiều chị em đã phát huy sự “tự tin”, bước đầu làm chủ các khâu khác nhau trong công ty, xí nghiệp như vận hành máy móc, đóng gói sản phẩm…
Với các nữ trí thức, thông qua sinh hoạt tại câu lạc bộ “Phụ nữ 4 chuẩn mực”, các chị đã tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, từng bước khẳng định năng lực, uy tín với tổ chức, đồng nghiệp. Một số chị em đã phát huy sự gương mẫu, sáng tạo, tận tụy, yêu nghề, tích cực nghiên cứu khoa học và áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn.
Các nữ doanh nhân ngày càng thể hiện trách nhiệm với xã hội. Những năm qua, các doanh nhân nữ ở Nghệ An đã tổ chức 14 cuộc trao tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trị giá gần 10 tỷ đồng. Nhiều chị đã đồng hành cùng các tổ chức hội phụ nữ trong cuộc vận động xây dựng “Mái ấm tình thương”, duy trì hoạt động bát cháo tình thương tại bệnh viện đa khoa các huyện Quỳnh Lưu, Tân Kỳ…
Qua 4 năm triển khai mô hình câu lạc bộ “Phụ nữ 4 chuẩn mực”, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An rút ra một số kinh nghiệm:
Một là, cần chọn điểm phù hợp để xây dựng mô hình đạt hiệu quả thiết thực, trong đó, công tác chỉ đạo, định hướng, lựa chọn loại hình hoạt động là khâu quyết định. Tùy theo đặc điểm, điều kiện của từng địa phương, từng đối tượng để áp dụng loại hình hoạt động thích hợp. Tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể.
Hai là, công tác tổ chức, thành lập các câu lạc bộ cẩn bảo đảm quy trình và tính nghiêm túc, đồng thời phát huy sự chủ động, sáng tạo của các thành viên câu lạc bộ. Lựa chọn ban chủ nhiệm là những người tâm huyết, nhiệt tình, có khả năng tổ chức, điều hành, tuyên truyền, vận động.
Ba là, thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động của câu lạc bộ, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của các thành viên câu lạc bộ và những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp điều chỉnh phù hợp. Tổ chức họp rút kinh nghiệm sau mỗi kỳ sinh hoạt, phân công cụ thể việc chuẩn bị nội dung cho kỳ sinh hoạt tới.
Bốn là, chú trọng phát hiện những nhân tố điển hình, những tấm gương phụ nữ tiêu biểu về phẩm chất đạo đức để tuyên truyền sâu rộng đến các hội viên, phụ nữ. Mời những tấm gương điển hình đó đến dự sinh hoạt với câu lạc bộ để chia sẻ, giao lưu với các thành viên.
Phạm Mai Anh
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam