Sài Gòn vang mãi “Mùa thu rồi ngày hăm ba..."
Nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn tác giả bài Nam Bộ kháng chiến.
Theo ông Dương Đình Thảo, nguyên phát ngôn viên chính thức của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Pa-ri, người trực tiếp tham gia từ ngày đầu trong Nam Bộ kháng chiến 1945, thì ngay trong đêm 22 rạng sáng 23-9-1945 tại trung tâm Sài Gòn, những nơi quân thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm, đều bị quân và dân Sài Gòn chống trả quyết liệt. Nhân dân và lực lượng vũ trang  thành phố chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu và tổ chức vây hãm quân Pháp ở trong nội thành. Sáng sớm 23-9-1945, Xứ ủy Nam bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường.Nguyễn Trãi, Quận 5). Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng. Ông Hoàng Quốc Việt thay mặt Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh vừa đến Sài Gòn ngày 27-8-1945 dự và chỉ đạo. Hội nghị đã phân tích, đánh giá tình hình, so sánh lực lượng giữa địch - ta và diễn ra tranh luận gay gắt giữa hai ý kiến, đã khẳng định: Pháp đã nổ súng đánh chiếm các cơ quan quan trọng của ta tại ngay Sài Gòn, bộc lộ rõ âm mưu xâm lược trắng trợn của chúng; gây nên sự căm phẫn trong các tầng lớp nhân dân, cho nên không còn con đường nào khác ngoài con đường phát động và lãnh đạo nhân dân kiên quyết đứng lên chiến đấu bảo vệ chính quyền cách mạng bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. Ta ra lệnh kiên quyết đánh cho dù bọn Anh có hỗ trợ, che chở bọn Pháp! Hội nghị thành lập Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ do ông Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Chiều 23-9-1945,  Chủ tịch Ủy ban  Hành chánh kháng chiến Nam Bộ, Trần Văn Giàu đã ký tuyên cáo gửi cho toàn thể đồng bào Nam Bộ. Như vậy ngay từ đêm 22 rạng sáng 23-9-1945, nhân dân Nam Bộ đã đi vào kháng chiến đầy trung kiên, bất khuất với tất cả các loại vũ khí có trong tay.

Bài ca "Nam Bộ kháng chiến" của nhạc sỹ Tạ Thanh Sơn ra đời chỉ sau thời khắc lịch sử đó 2 ngày, khi nhân dân Nam Bộ đi vào kháng chiến, mà đi vào lòng hàng triệu người Nam bộ, trở thành dấu ấn cách mạng không thể quên. Nhạc sỹ Tạ Thanh Sơn sinh năm 1921 ở thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, con ông Tạ Thanh Sung và bà Nguyễn Thị Chắc -  chủ hãng rượu Quảng Đức An tại thị trấn Trà Ôn. Sớm hiểu biết và đi theo cách mạng, nên từ vùng quê nông thôn Trà Ôn, năm 1940, Tạ Thanh Sơn đã đứng vào hàng ngũ của những sinh viên và học sinh yêu nước hoạt động không biết mệt mỏi tại Cần Thơ. Trước năm 1945, ông đã tham gia vào phong trào Thanh niên Tiền phong, hoạt động ở vùng đô thị Cần Thơ, nhờ vậy mà ông có điều kiện giao lưu với các bậc đàn anh, trong đó có các nhạc sỹ nổi tiếng: Lưu Hữu Phước, Nguyễn Mỹ Ca… Cũng từ ấy, ông có thêm hào hứng với cây đàn măng-đô-lin và học viết nhạc kháng chiến ngay từ trong nhà trường. Sau khi học xong, ông là một nhà giáo yêu nước, tham gia kháng chiến từ năm 1945 và công tác tại Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Sa Đéc rồi lên Sài Gòn dạy học. Theo ông Trần Cửu Kiếm, một cán bộ lão thành ở TP. Cần Thơ,  khi ông được cử vào thành nội ở Cần Thơ để hoạt động hợp pháp, thì Tạ Thanh Sơn năm sau ra trường và lên Sài Gòn dạy học. Những năm này phong trào học sinh, sinh viên chống thực dân Pháp tại Sài Gòn đã lên mạnh, Tạ Thanh Sơn cùng hòa nhập vào phong trào học sinh, sinh viên chống Pháp tại đây. Những năm này, cùng dạy học với thầy giáo lão thành Phan Văn Phổ tại trường Trung học Huỳnh Khương Ninh và tham gia trong nghiệp đoàn Giáo dục tư thục Sài Gòn - một tổ chức yêu nước trong giáo chức Sài Gòn trước năm 1975. Do là hoạt động bí mật, nên các anh ít gặp nhau giữa những buổi đông người. Sau năm 1954, Tạ Thanh Sơn vẫn tiếp tục dạy học ở Sài Gòn. Những ngày đó hoạt động phong trào gặp nhiều khó khăn nên nhiều lực lượng yêu nước đã không liên lạc được với cách mạng, Tạ Thanh Sơn cũng trong trường hợp đó. Dạy học một thời gian, Tạ Thanh Sơn đưa cả gia đình qua bên Cam-pu-chia rồi lại quay về Cần Thơ sinh sống. Sau ngày giải phóng miền Nam, Tạ Thanh Sơn đã được gặp lại nhiều đồng nghiệp trong nghiệp đoàn Giáo học tư thục ngày xưa tại Sài Gòn. Theo tài liệu tại trụ sở Hội Cựu giáo chức Sài Gòn, Tạ Thanh Sơn tham gia tại Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cần Thơ. Vì ông rất khiêm tốn nên những người làm việc cùng ông không mấy ai biết đây chính là tác giả bài hát “Nam Bộ kháng chiến” vang dội một thời như truyền thêm sức mạnh cho quân và dân Nam Bộ.

Bài hát “Nam Bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn bước đầu cổ vũ tinh thần trong giáo viên, học sinh, sinh viên cùng đi vào kháng chiến. Bài hát được anh sáng tác vào ngày 25-9-1945, lúc ông mới 24 tuổi, tại làng Mỹ Xương - chiến khu Đồng Tháp, sau khi ông dự lớp huấn luyện chính trị và được giao nhiệm vụ làm công tác thông tin tuyên truyền. Bài hát được đăng lần đầu tiên trên báo Độc lập - tại Sài Gòn và theo con đường phổ biến trong bộ đội từ chiến khu rất nhanh, bằng cách chép tay và truyền miệng lẫn nhau trong chiến khu.

Bài “Nam bộ kháng chiến” ra đời giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã bắt đầu và lan rộng. Bài hát với những lời lẽ bình dị, mà rất đổi hào hùng:

                                                                   Mùa thu rồi ngày hăm ba
                                                         Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến.
                                                                   Rền khắp trời lời hoan hô
                                                         Dân phương Nam nhịp chân tiến lên trận tiền.
                                                                  Thuốc súng kém, chân đi không
                                                                  Mà lòng người giàu lòng vì nước…

Và cứ theo mạch nguồn ý chí bất khuất của quân và dân cả Nam Bộ đang hừng hực đi vào kháng chiến, nhạc sỹ Tạ Thanh Sơn đã đưa chúng ta đi theo mạnh nguồn hào hùng ấy của nhân dân Nam bộ: “Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo… Thuốc súng kém, chân đi không; Mà lòng người giàu lòng vì nước. Nóp với giáo mang ngang vai; Nhưng thân trai nào kém oai hùng. Cờ thắm tung bay ngang trời; Sao vàng xao xuyến khắp nơi bưng biền
Một lòng nguyện với tổ tiên….

Cả bài hát “Nam Bộ kháng chiến” là sự vùng lên đầy hào hùng của những người con Nam Bộ, của một dân tộc Anh hùng. Bài ca “Nam Bộ kháng chiến” ra đời đã như sự tiếp sức, tạo nên của sức mạnh nhân dân, giúp nhân dân Nam Bộ cùng vượt qua bao gian nguy, cùng sự hy sinh vô bờ bến, để bước tới với niềm chiến thắng của cả dân tộc ta.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất