Thông điệp của Liên hợp quốc về Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 năm 2014 là: “Bình đẳng cho phụ nữ là tiến bộ của tất cả chúng ta”. Thông điệp này hướng sự quan tâm đến vấn đề bình đẳng cho phụ nữ, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện của các cá nhân và toàn xã hội.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về cán bộ nữ, về bình đẳng giới nhằm phát huy giá trị và vai trò của phụ nữ. Một số chính sách mới ban hành gần đây đã góp phần hoàn thiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới như: tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ từ 4 tháng lên 6 tháng; có văn bản chỉ đạo tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào vị trí lãnh đạo cấp cao ở các bộ, ngành; bảo vệ quyền lợi của người giúp việc gia đình… Đặc biệt, năm 2013 đánh dấu sự kiện quan trọng của đất nước khi Hiến pháp được thông qua, trong đó tiếp tục khẳng định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt” và nêu rõ “Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới… nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục đổi mới công tác phụ nữ, để phụ nữ tham gia đóng góp ngày càng nhiều và có hiệu quả hơn cho sự phát triển của đất nước, gia đình và xã hội. Nghị quyết khẳng định, trong suốt quá trình cách mạng, Ðảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Trong thời kỳ đổi mới, chủ trương của Ðảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng, các nghị quyết và chỉ thị của Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, trong những năm qua, phong trào phụ nữ và bình đẳng giới của nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Các tầng lớp phụ nữ đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, góp phần quan trọng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Nhận thức xã hội về bình đẳng giới được nâng lên. Phụ nữ được tôn trọng và bình đẳng hơn, địa vị của người phụ nữ trong xã hội và gia đình ngày càng được cải thiện. Bình đẳng giới của Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Hội liên hiệp phụ nữ các cấp đã có nhiều sáng tạo trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về công tác phụ nữ.
Quan điểm của Đảng ta là: Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.
Công tác phụ nữ phải sát hợp với từng đối tượng, vùng, miền, phát huy được tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của các tần lớp phụ nữ, góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để phát triển đất nước; đồng thời phải chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người.
Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Ðảng.
Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Trong đó, hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước các cấp, vai trò chủ thể là phụ nữ mà nòng cốt là các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Thực tế, ở nước ta, phụ nữ chiếm khoảng 51% dân số và 48% lực lượng lao động, phụ nữ Việt Nam hiện đang có mặt trên hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, tham gia tích cực vào các hoạt động phát triển kinh tế, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Hiện Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội cao nhất thế giới, 25% nữ đại biểu Quốc hội, 2 nữ Phó Chủ tịch Quốc hội, 1 nữ Phó Chủ tịch nước, 2 nữ bộ trưởng và nhiều nữ thứ trưởng.
Trong các thời kỳ, nhất là trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Hội LHPN Việt Nam đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ. Các cấp hội phụ nữ đã có nhiều phương thức hoạt động, vận động phụ nữ cả nước phát huy tính năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, vươn lên thực hiện tốt cả hai chức năng “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, nhất là trong lao động sản xuất, giúp nhau xóa đói giảm nghèo với các phong trào “ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, “phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”... Đã có hàng triệu lượt phụ nữ nghèo được hướng dẫn kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, vay vốn hàng chục nghìn tỷ đồng để xóa đói, giảm nghèo, nhiều chị em vươn lên làm kinh tế giỏi, khẳng định vai trò của mình trong gia đình, xã hội. Hơn bao giờ hết, phụ nữ Việt Nam tiếp tục tỏ rõ năng lực và khẳng định vai trò vị trí của mình.
Thực hiện thông điệp “Bình đẳng cho phụ nữ là tiến bộ của tất cả chúng ta”, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; có việc làm, được cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần; tham gia ngày càng nhiều hơn công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực; đóng góp ngày càng lớn hơn cho xã hội và gia đình. Phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất của khu vực.
Phúc Sơn