Từ năm 2004, Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã nêu nhiệm vụ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông, trong đó nhấn mạnh phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để xây dựng đường giao thông nông thôn. Đến nay, Hậu Giang đã có trên 90% đường giao thông nông thôn láng nhựa, đổ bê tông, xe ô tô về đến trung tâm các xã. Kinh nghiệm của Hậu Giang là: Để xây dựng nông thôn mới cần một tổng lực và sự đồng bộ của các ngành, các cấp, phải từ thực trạng, điều kiện mỗi làng quê, mỗi xóm, mỗi ấp, có khi tùy theo cộng đồng dân cư mà triển khai cho sát thực tế, bàn bạc, trao đổi với nhân dân để làm.
Làng quê, hai từ ấy biết bao thân thương, nhất là với những người đi xa có gốc từ một làng quê đầm ấm. Mới đây, tôi cùng anh Trần Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, chở xe máy đi thăm các ấp thuộc xã Hòa An. Sau khi qua cái “trẹt” sang bờ bên kia kênh Cây Dương, xe máy bon bon trên con đường làng rợp bóng mát. Anh Thắng nói: “Tuần trước tôi đã xuống ấp này. Bí thư Chi bộ Chín Lâm nói bà con rất phấn khởi khi có đường làng đi lại thuận tiện. Tiền và công sức của dân đóng góp hơn hai phần, còn lại nhà nước đầu tư. Mấy đồng chí đảng viên nghỉ hưu hăng hái đóng góp trước, bà con ai cũng đóng góp. Vì vậy, chỉ làm hơn một tháng là có con đường bê tông này. Đây một đổi mới của làng, điều mong ước từ lâu đời của bà con nông dân nay đã thành hiện thực.
Đường làng phẳng, chiếc xe máy chạy bon. Tôi cứ miên man suy nghĩ về đất và người nơi đây. Một vùng quê nghèo, nhưng có truyền thống cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Tôi suy nghĩ về đời sống của cư dân, những đổi mới cung cách làm ăn; những dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm làm biến đổi theo hướng hiện đại hóa ở vùng quê nghèo đã nhiều đời nay. Đây cũng là công trình nằm trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Bước đột phá “tam nông” ở Hòa An là chuyển đất lúa sang trồng mía chuyên canh, làm đường giao thông liên ấp và giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Đồng chí Thắng nói: “Đường làng văn minh, sạch đẹp là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.
Cái từ “mới” trong câu nói của anh Thắng làm tôi trăn trở, nghĩ suy nhiều. Thế nào thì gọi là mới? Như con đường làng được “bê tông hóa” này, còn vương vôi vữa cũng rất mới. Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước đến nay đã gần 37 năm, những vùng quê như Hòa An, Phụng Hiệp đổi mới rất nhiều. Đổi mới trong sinh hoạt, nếp sống, môi trường sống là điều đương nhiên. Không có sự vật nào lại đứng yên. Vậy, làng quê nơi đây, cũng như bao làng quê khác đã đổi mới được những gì? Đường giao thông nông thôn, cung cách làm ăn, văn hóa - xã hội, cách nghĩ cách nhìn, nhà cửa, vườn tược, kênh rạch, ruộng rẫy… tất cả đều có đổi mới. Tất nhiên thành quả, hiệu năng đổi mới ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng rõ ràng không ai có thể phủ nhận được sự đổi mới. Vậy, theo xu thế thời đại, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã “mới” nhiều rồi, cần phải “mới” nhanh hơn, nhiều hơn, bền vững hơn. Những nội dung và cũng là yêu cầu thiết yếu đó cho làng quê đã có đủ trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đọc cả 19 tiêu chí ấy, hiểu được, nhưng làm thì không dễ.
Có lần mới đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Minh Chắc và đồng chí Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đã cùng chúng tôi đàm đạo như một góc hội thảo mini về vấn đề này. Đồng chí Bảy Chắc nói: “Làm được như 19 tiêu chí này nêu ra thì ngon đấy, nhưng tài lực, vật lực, nhân lực, thực lực và cả năng lực, tức là tổng lực cần được huy động để làm cho ra tấm, ra miếng. Làm cho có hiệu quả, để cấp trên trông xuống phải gật đầu, dân trông lên thêm tin tưởng và phấn khởi, thực ra không dễ đâu”. Còn đồng chí Chủ tịch Trần Công Chánh nói: “Quy trình, cách làm, các bước tổ chức thực hiện thì ai cũng rành. Nào là xây dựng “điểm” (làm thí điểm), nào là phương châm, tổ chức, lực lượng, quy hoạch, kế hoạch, kiểm tra, nghiệm thu, đánh giá, thưởng, phạt… Anh Bảy nói đúng, đừng cho dễ làm ngon ăn. Ta đã nhiều phong trào “phát” lên nhanh và cũng “động” khá sớm, nhưng chất lượng và hiệu quả đâu được như mong muốn ban đầu. Phát động là cần, nhưng phát động xong thì ai làm, làm những gì, lấy gì làm, làm bằng cách nào, tất cả đều phải tính kỹ”.
Tôi nói: - Cho tôi ví von lý luận cái coi. Ông Lê-nin nói: “Hãy để cho người nông dân suy nghĩ trên luống cày của họ”.
Chủ tịch Chánh tán thành: - Quá đúng. Có dạo ta làm theo kiểu ép từ trên xuống, theo ý tưởng là đốt cháy giai đoạn, quá độ, đi tắt, đi nhanh. Thế là nhiều việc “ầm ào phong trào, dẫn tới tầm phào ý tưởng, rồi lật nhào kế hoạch, mất sạch tính toán”. Như phong trào hợp tác xã nông nghiệp bậc cao. Lúc ấy, thực tế HTX chưa biết nằm ở “bậc” nào, nhưng ta lại muốn phải “bậc cao” mới đã. Thế nên, lại phải kéo ông Lê-nin vào, khoán, đúng vậy, chính sách khoán trong nông nghiệp mới sát thực tế và hợp dân nguyện, cho họ được tự chủ, sáng tạo “suy nghĩ trên luống cày của họ”. Đó là bài học quý, bài học rất hiệu quả thể hiện tính dân chủ cao”. Tôi như được Chủ tịch UBND tỉnh bật đèn xanh, nói thẳng luôn:
- Theo tôi, để xây dựng nông thôn mới cần một tổng lực và sự đồng bộ của các ngành, các cấp. Trước hết vẫn là vai trò, trách nhiệm của các cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy đảng, chính quyền phải chủ động bám sát cơ sở, cùng nông dân suy nghĩ trên đường làng. Phải từ thực trạng mỗi làng quê, mỗi xóm, mỗi ấp, có khi tùy theo cộng đồng dân cư mà làm cho sát thực tế, hỏi dân và cùng dân bàn bạc, trao đổi để cùng làm.
Lúc đó, đồng chí Bí thư Bảy Chắc mới nói: “Đúng thế! Khi bàn về vấn đề này, Tỉnh ủy Hậu Giang cũng xác định như vậy. Hôm nào chúng ta cùng đi đến tận xóm ấp. Đúng là không thể xây “điểm” này, rồi bê nguyên xi cái “điểm” để nhân rộng ra nhiều nơi khác. Chỉ có xuống dân, gần dân, tùy thực tế từng nơi mà làm. Cách làm cũng từ đó mà ra. Ngày xưa, có người hỏi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Ta yếu như thế, nghèo như thế, đế quốc Mỹ giàu mạnh, đánh cách nào được? Đại tướng nói ngắn gọn là cứ mạnh bạo và vững tin dám đánh, quyết đánh rồi sẽ tìm ra cách đánh”. Nói đến đây, đồng chí Bảy Chắc đứng dậy: “Thôi nhé, hôm nào phải cùng ông tiếp tục “suy nghĩ trên đường làng”. Hôm nay có khách hẹn gặp bàn chuyện đầu tư vào khu công nghiệp, tôi phải đi đây.
Những trao đổi tự nhiên và rất sát thực của hai đồng chí lãnh đạo tỉnh Hậu Giang gợi nhiều trăn trở trong tôi. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp rất thông thạo nơi đây, đưa tôi đi vòng vèo từ ấp này sang ấp khác. Tôi nghĩ: “Có ai đó bắt bẻ thì cũng thông cảm và cho phép nhé! Làm được đủ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới là phải gắng hết sức chứ đâu phải dễ. Riêng đường giao thông nông thôn mấy năm nay vẫn trầy trật về nguồn kinh phí và cách thức làm, nhờ sức dân mới sớm có được hiệu quả. Trong 19 tiêu chí đó còn đủ thứ, cái gì cũng cần kinh phí, đồng vốn. Nào là quy hoạch hạ tầng, kinh tế - xã hội, thủy lợi, điện, bưu điện, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, xóa đói giảm nghèo, lao động, trường học, bệnh xá, văn hóa, dân trí,... cả đến nhà vệ sinh, môi trường. Như thế cần nhiều tiền lắm”.
Tôi trao đổi chuyện 19 tiêu chí này với đồng chí Trần Văn Nghiêm, Bí thư Đảng ủy xã Hòa An, anh nói: “Tuy là chuyển dịch cơ cấu, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi rồi xóa đói giảm nghèo trong xã đã có nhiều kết quả. Nhưng Hòa An vẫn còn nghèo. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phải vất vả lắm mới làm đường giao thông nông thôn được như thế này”.
Sau cái bắt tay thân tình chào Bí thư Đảng ủy xã Hòa An, tôi và anh Thắng đi tiếp đến ấp Mỹ Chánh, nơi có phong trào làm đường sớm và hiệu quả. Tôi lại nghĩ: Hiện nay nhà nước còn nghèo, dân còn nghèo, lại đang vướng khủng hoảng tài chính, mọi giá cả đều tăng, tiền đâu để làm? Quyết chí thực hiện rất mạnh bạo, nhưng với những khó khăn ấy, không đạt yêu cầu thì sao? Đó là thực trạng khó khăn, nhất là ở vùng quê giàu truyền thống nhưng còn nghèo nàn, lạc hậu.
Tôi mừng là đã thấy rõ hiệu quả phong trào làm đường giao thông nông thôn ở Hậu Giang trong những năm gần đây. Từ một tỉnh nghèo, kinh phí đầu tư ít, thế mà chỉ trong mấy năm, xứ “ruộng sình kinh ngập” Hậu Giang đã làm khá “ngon” chủ trương xây dựng đường giao thông nông thôn. Hơn hai năm trước, khi đồng chí Nguyễn Liên Khoa còn làm Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (nay là Phó chủ tịch UBND tỉnh), nói với tôi: “Không nhanh chóng hoàn chỉnh giao thông nông thôn thì khó mà đổi mới được bộ mặt đời sống ở làng quê của xứ nghèo này”. Nghe báo cáo thành tích cũng mừng và thêm vững tin vào lãnh đạo và sức dân ở Hậu Giang. Hiện nay, toàn tỉnh đã có hơn 90% đường ô tô đến trung tâm các xã và cũng có đến hơn 80% đường liên xã, liên ấp đã bê tông hóa, nhựa hóa. Kết quả này chắc chắn phải từ những chủ trương hợp ý Đảng, lòng dân.
Bài, ảnh: Bùi Văn Bồng