Tại buổi họp báo định kỳ chiều 4-5 do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức, đồng chí Mai Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên), thuộc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh (Chủ đầu tư) cho biết: Toa tàu metro bị vẽ bậy đã được nhà thầu tẩy rửa, xóa sạch các vết vẽ bậy, khôi phục lại nguyên trạng ban đầu.
|
Toa số 2 - toa giữa đoàn tàu metro số 3 bị vẽ bậy theo "phong trào graffiti".
|
Ban Giám đốc Công an thành phố đã có chỉ đạo quyết liệt trong việc này, sẽ xử lý nghiêm để răn đe
Tại buổi họp báo, đồng chí Mai Hoàng Tùng cho biết: vào lúc 3g15 sáng ngày 29-4-2023, đơn vị bảo vệ của khu vực depot có đi tuần tra và không có phát hiện gì, nhưng đến 4g30 sáng cùng ngày thì bảo vệ phát hiện toa số 2 - toa giữa đoàn tàu metro số 3 bị vẽ bậy theo “phong trào graffiti”, vốn là bộ môn nghệ thuật đường phố thường xuất hiện gần đây trên thế giới. Đây là lần thứ 2 xảy ra tình trạng vẽ bậy lên toa tàu metro, lần thứ nhất xảy ra vào tháng 6-2022.
Ngay sau đó, đơn vị bảo vệ đã báo cáo sự việc trên đến các cơ quan chức năng, Công an phường Long Bình và Công an TP. Thủ Đức. Đến sáng hôm sau (ngày 30-4), Công an TP. Thủ Đức đã tiếp cận hiện trường để ghi nhận sự việc và tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để có hướng xử lý tiếp theo.
Ngay sau đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị (Chủ đầu tư) cùng với nhà thầu chính Hitachi – đơn vị đang quản lý đoàn tàu metro đã tiến hành các biện pháp cần thiết, tiến hành thử nghiệm các loại dung môi để tẩy rửa các hình vẽ bậy trên toa tàu. Trong 2 ngày, ngày 30-4 và 1-5, Ban Quản lý đường sắt đô thị và nhà thầu chính đã tiến hành thử nghiệm các loại dung môi và tiến hành tẩy rửa, đến 11g sáng ngày 2-5, việc tẩy rửa toa tàu bị vẽ bậy đã hoàn thành, các vết vẽ bậy trên toa tàu đã được tẩy xóa, toa tàu được khôi phục lại nguyên trạng ban đầu.
|
Đồng chí Mai Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên), thuộc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh (Chủ đầu tư) trả lời báo chí (Ảnh: H.Hào).
|
Theo đồng chí Mai Hoàng Tùng, do đoàn tàu số 2 và số 3 đang trong quá trình di chuyển về khu vực tiếp giáp với nhà dân, do đó, có thể người dân đã tiếp cận, xâm nhập. Ngay từ khi xảy ra sự việc vẽ bậy lên toa tàu, Ban Quản lý đường sắt đô thị với vai trò là Chủ đầu tư đã phối hợp ngay lập tức với nhà thầu chính Hitachi và Công an TP. Thủ Đức tiến hành điều tra, xử lý nhanh vụ việc.
Hiện nay, Ban Quản lý đường sắt đô thị, nhà thầu chính Hitachi, đơn vị bảo vệ, Công an TP. Thủ Đức đã phối hợp, đưa ra các nhóm giải pháp để tránh tình trạng vẽ bậy tiếp tục xảy ra như: tăng cường thêm lực lượng bảo vệ, bố trí ca trực dày thêm (trước đây 1 tiếng giao ca, hiện nay cứ 30 phút xen kẽ giao ca, tuần tra); tăng cường hệ thống camera quan sát phủ khắp khu vực depot; tăng cường hệ thống chiếu sáng, đặt biệt là khu vực tiếp giáp với nhà dân.
Bên cạnh đó, Đội Hình sự Công an TP. Thủ Đức đang triển khai các biện pháp nghiệp vụ để tiến hành khoanh vùng đối tượng, tìm ra thủ phạm và có biện pháp xử lý thích hợp; Lập quy chế phối hợp an ninh giữa chủ đầu tư với nhà thầu chính, các công ty bảo vệ và công an để nếu có xảy ra trường hợp nào thì các bên đều biết và có hướng xử lý nhanh, phù hợp.
Các hạn mục ký kết giữa nhà đầu tư và nhà thầu chính có hạn mục bảo hiểm cho tất cả thiết bị, con người xuyên suốt trong quá trình thi công, vận hành, bảo dưỡng của đoàn tàu metro số 1. Về sự cố đoàn tàu bị bôi bẩn vừa qua, do đang trong quá trình thi công, thử nghiệm nên trách nhiệm thuộc về nhà thầu Hitachi - đồng chí Mai Hoàng Tùng chia sẻ.
Ban Giám đốc Công an thành phố đã có chỉ đạo quyết liệt trong việc này, các đơn vị nghiệp vụ đã phối hợp, điều tra để xử lý nghiêm, các thiệt hại gây ra do vẽ bậy trên toa tàu nếu đủ yếu tố hình sự thì Công an thành phố sẽ xử lý nghiêm để răn đe - thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Hoàng Hào