Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta, kết thúc 80 năm đô hộ của chủ nghĩa thực dân và hàng nghìn năm áp bức của chế độ phong kiến. Sau Cách mạng Tháng Tám, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 20-11-1946, Pháp cho đổ bộ hàng ngàn quân lính vào Đà Nẵng, đồng thời nổ súng đánh chiếm Hải Phòng và Lạng Sơn. Tình hình Thủ đô Hà Nội trở nên căng thẳng. Sau vụ gây hấn ở Hải Phòng, thực dân Pháp luôn luôn giở những trò khiêu khích ở Hà Nội. Chúng bắn vào đồng bào ta ở phố Yên Ninh, Hàng Bún. Từ khu Cửa Bắc chúng bắn súng cối làm đổ nhà cửa của nhân dân ở các phố chung quanh. Nhân dân Thủ đô căm phẫn, nhưng Hồ Chủ tịch khuyên đồng bào ta phải bình tĩnh. Ở các đường phố, anh chị em tự vệ đã đào hào, đắp ụ, sẵn sàng chiến đấu. Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Đáp lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, cùng với lòng yêu nước và ý chí kiên cường của toàn dân, dân tộc ta đã đập tan đập tan ý chí xâm lược của địch, buộc chúng phải đi đến một giải pháp chính trị, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương.
Đêm 19-12-1946, tiếng súng đại bác của quân, dân Thủ đô từ pháo đài Láng đã nổ vang rền, mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đó là cuộc chiến đấu chính nghĩa, tự vệ, một bộ phận của cuộc chiến tranh cách mạng, chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân cả nước chống đế quốc Pháp xâm lược. Cuộc chiến đấu nổ ra khi nhân dân đã trở thành chủ nhân của đất nước, chủ nhân của Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, quyết tâm giữ vững thành quả cách mạng đã giành được.
Cũng như nhân dân cả nước, quân và dân Thủ đô Hà Nội mong muốn có hòa bình để xây dựng đất nước sau khi giành chính quyền. Suốt 9 tháng, không manh động, không mắc mưu khiêu khích của quân Pháp, các tầng lớp nhân dân Hà Nội đều thể hiện ý thức kỷ luật rất cao, bình tĩnh đợi lệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ đấu tranh ngoại giao, Nhưng thực dân Pháp ngoan cố, quyết tâm thực hiện âm mưu đánh chiếm Thủ đô, trái tim của cả nước, quân và dân Hà Nội không còn con đường nào khác, tự nguyện đi tới một sự lựa chọn duy nhất để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ Thủ đô: Đó là đứng lên cầm súng cùng đồng bào cả nước chiến đấu tự vệ với tinh thần quyết tử để Tổ quốc quyết sinh!
Với vị trí chiến lược của Thủ đô, ngay sau khi vào Hà Nội, quân Pháp đã coi đây là mục tiêu số 1 trong âm mưu xâm lược của chúng đối với miền Bắc, là “chặng cuối cùng của sự nghiệp giải phóng” như lời tuyên bố ngạo mạn của Tổng chỉ huy Pháp. Chúng coi việc “đánh vào đầu não” là biện pháp hữu hiệu nhất để “nhanh chóng buộc nhóm cầm quyền ở Hà Nội hiện nay phải biến đi” quân Pháp sẽ làm chủ thành phố và một chính quyền thân Pháp sẽ được dựng lên.
Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự giúp đỡ trực tiếp của Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy và Tổng bộ Việt Minh, Thành ủy và Ủy ban Hành chính Kháng chiến Hà Nội đã lãnh đạo quân dân Thủ đô từng bước xây dựng lực lượng về mọi mặt. Sau Hội nghị Quân sự toàn quốc (họp ngày 19-10-1946 ở Hà Nội), công tác chuẩn bị chiến đấu ngày càng khẩn trương, theo tinh thần chỉ thị của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh: Không để bị bất ngờ, sẵn sàng chiến đấu tiêu hao và kìm chân địch trong thành phố càng dài ngày càng tốt.
So với cả nước, Hà Nội là nơi tập trung lớn nhất lực lượng của ta và địch, với quân số và trang bị kỹ thuật cao nhất có thể huy động được, đồng thời cũng là nơi tập trung cao độ sự chỉ đạo chỉ huy của cả hai bên, chuẩn bị cho một cuộc đọ sức quy mô lớn và có ý nghĩa chiến lược quan trọng nhất.
Quá trình chiến đấu, địch ra sức tăng cường binh lực hòng nhanh chóng đẩy lùi lực lượng vũ trang của ta ra khỏi thành phố. Về phía ta, theo mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy, các địa phương lân cận như: Sơn Tây, Hà Đông – hậu phương trực tiếp của Thủ đô cũng bổ sung lực lượng cho Mặt trận Hà Nội. Với sự chỉ đạo chỉ huy tập trung, với quyết tâm giành giật từng đường phố, từng căn nhà trong cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt suốt hai tháng ở Thủ đô, quân và dân Hà Nội đã tiêu hao và kìm chân địch, hoàn thành vượt yêu cầu nhiệm vụ mà cả nước đã ủy thác cho chiến trường trọng điểm mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Ngay từ những ngày chiến đấu đầu tiên, tại Mặt trận Hà Nội không chỉ có các chiến sĩ Vệ Quốc đoàn, tự vệ, công an xung phong trực tiếp cầm súng chiến đấu tiêu hao tiêu diệt địch. Đối mặt với quân Pháp, cả trong những giờ phút thử thách quyết liệt nhất, còn có đông đảo nhân dân thành phố, từ em bé đến cụ già… tất cả đều góp phần tiêu hao tiêu diệt địch theo khả năng và bằng phương pháp, phương tiện riêng của mình. Phục vụ lực lượng vũ trang chiến đấu là một đội ngũ hậu cần hùng hậu, bao gồm đông đủ chị em phụ nữ mọi thành phần xã hội của Thủ đô, góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc rút lui thần kỳ của Trung đoàn Thủ đô ra khỏi thành phố sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Suốt hai tháng chiến đấu, xen kẽ với tiếng súng diệt địch trong từng căn nhà, góc phố, ngõ chợ, là những cuộc gặp gỡ giữa cán bộ chỉ huy của ta với đại diện lãnh sự quán một số nước còn ở lại trong thành phố vẫn diễn ra, khi công khai, khi bí mật, thể hiện một dạng thức ngoại giao đặc thù trong thời chiến.
Nhiệm vụ chiến lược trên giao cho quân và dân Thủ đô Hà Nội là phải giam chân địch trong thành phố càng dài ngày càng tốt, tạo điều kiện cho cả nước chuyển sang thời chiến; chiến đấu tiêu hao địch đi đôi với bảo tồn lực lượng ta và bảo vệ nhân dân để kháng chiến lâu dài. Thắng lợi của Mặt trận Hà Nội đã có tác dụng cổ vũ rất lớn đối với các chiến trường, củng cố lòng tin vào khả năng chiến đấu và chiến thắng đối với quân dân các địa phương trong cả nước. Kết quả tiêu hao và kìm chân địch suốt 60 ngày đêm trong Hà Nội đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho các ngành, các cấp, các địa phương chuyển toàn bộ đời sống xã hội sang thời chiến một cách chủ động, đầy tự tin. Về thế chiến lược quân sự toàn cục, hai tháng chiến đấu của quân và dân Hà Nội đã tác động thuận lợi đối với nhiều chiến trường trong cả nước. quân Pháp đã thất bại trong ý đồ “đánh cú quyết định vào đầu não” hòng tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc bình định miền Nam, cứu nguy cho Nam bộ. Quá trình diễn biến cuộc chiến đấu ở Hà Nội, quân Pháp rất mong nhanh chóng mở rộng chiến sự ra ngoại thành, “truy lùng và tóm gọn” cơ quan lãnh đạo kháng chiến để kết thúc chiến tranh. Nhưng quân và dân Thủ đô đã buộc chúng phải chôn chân dài ngày trong thành phố. Trong 60 ngày đêm đó, cơ quan lãnh đạo kháng chiến vẫn đứng chân bí mật an toàn ở vùng Chương Mỹ, sát kề Hà Nội, chỉ cách thành phố chừng 20km đường chim bay. Tại đó, sự chỉ đạo các chiến trường trong cả nước vẫn được giữ vững, giải quyết kịp thời những vấn đề ở tầm chiến lược cả về quân sự và chính trị do thực tế những ngày đầu kháng chiến đặt ra. Cả nước ta tự tin bước vào thời kỳ kháng chiến lâu dài, toàn diện với thực dân Pháp, từng bước giành thắng lợi trên các mặt trận: Việt Bắc thu đông 1947, Biên giới Tây nam 1950. Thắng lợi của Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Giơ-ne-vơ. Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp không diễn ra ở Thủ đô mà ở Điện Biên Phủ, đưa đến kết quả giải phóng hoàn toàn miền Bắc và giải phóng Thủ đô. Không đánh vào Hà Nội mà giải phóng Thủ đô, đây là một thành tựu kỳ diệu trong sự chỉ đạo chiến tranh tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 1-1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ được triệu tập. Ngày 20-4-1954, Hội nghị bắt đầu bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.
Sau nhiều ngày kiên trì thương lượng và đấu tranh gay go, vượt qua âm mưu phá hoại Hội nghị Giơ-ne-vơ của đế quốc Mỹ, bọn hiếu chiến Pháp nhằm kéo dài và mở rộng chiến tranh xâm lược. Hiệp định Giơ-ne-vơ đã được ký kết, vào ngày 20-7-1954. Theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ và thoả thuận ở Hội nghị quân sự Trung Giã giữa Đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và Đoàn đại biểu Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Pháp ở Đông Dương, Hà Nội còn nằm trong vùng tập kết của quân đội Pháp 80 ngày. Trong những ngày còn chiếm đóng Hà Nội, Pháp đã phá hoại thành phố về nhiều mặt trước khi chuyển sang cho ta, định biến Hà Nội thành một thành phố trống rỗng, hỗn loạn, hòng làm giảm uy tín của Chính phủ kháng chiến ở trong nước và trên quốc tế.
Thực dân Pháp còn cố gắng vực bộ máy nguỵ quyền thành phố làm công cụ thực hiện âm mưu phá hoại, di chuyển tài sản, máy móc ở các công sở, xí nghiệp và cưỡng ép nhân dân di cư vào Nam. Chiều 27-7-1954, chúng lập “Uỷ ban di cư”, ngày 2-8-1954, Ngô Đình Diệm thúc đẩy bọn tay sai thực hiện kế hoạch tội ác. Mỹ đã cấp cho Pháp nhiều phương tiện cần thiết để vận chuyển những người di cư, chuyển hồ sơ, tài liệu, máy móc, nguyên liệu ở các công sở, xí nghiệp, kho tàng xuống Hải Phòng vào Nam.
Một trong những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lúc đó là tổ chức tốt việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Kế hoạch tiếp quản Thủ đô Hà Nội được Trung ương Đảng chỉ đạo thống nhất và hết sức chặt chẽ. Theo Nghị quyết ngày 17-9-1954 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban quân chính TP. Hà Nội được thành lập do thiếu tướng Vương Thừa Vũ, tư lệnh sư đoàn Quân Tiên phong làm Chủ tịch. Ủy ban quân chính có nhiệm vụ tiếp thu và quản lý thành phố. Bộ Tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị vào tiếp quản Hà Nội phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật của Chính phủ đề ra, phải luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại. Sư đoàn Quân Tiên phong đã được Trung ương Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội. 8 giờ sáng ngày 6-10-1954, địch rút khỏi quận lỵ Văn Điển. Đội Công tác ngoại thành của ta tiến vào tiếp quản. Đây là quận lỵ đầu tiên ở ngoại thành Hà Nội được giải phóng. Sáng 8-10-1954 các đơn vị quân đội chia nhiều đường tiến vào ngoại thành Hà Nội. Sáng ngày 9-10, các đội công tác ngoại thành phối hợp với bộ đội tiến vào tiếp quản 4 quận: Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi. Đến buổi trưa, ta tiếp quản Đại lý Hoàn Long.
Đúng 16 giờ ngày 9-10-1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên sang phía Gia Lâm. Bộ đội ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, Thủ đô Hà Nội sạch bóng quân thù.
Sáng ngày 10-10-1954, Uỷ ban Quân chính thành phố và Đại đoàn 308 từ các cửa ô mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Trung đoàn Thủ đô, vinh dự giương cao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” dẫn đầu đoàn quân chíên thắng trở về giải phóng Thủ đô, trong tiếng nhạc hùng tráng, giữa rừng hoa, rừng cờ và tình cảm thắm thiết của 20 vạn nhân dân Hà Nội đổ xuống đường đón mừng Uỷ ban quân chính và bộ đội. Vào khoảng 8h sáng 10-10-1954, Uỷ ban quân chính thành phố và các đơn vị quân đội gồm cả bộ binh, cơ giới chia làm nhiều cánh lớn mở cuộc hành quân vào Thủ đô. Nhân dân Hà Nội náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ của những người đã nhiều năm bị kìm nén dưới gót sắt của giặc nay được giải phóng. Trung đoàn Thủ đô đã dẫn đầu đội hình bộ binh tiến từ Ô Cầu Giấy, qua Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông ra Bờ Hồ quặt sang Hàng Đào, chợ Đồng Xuân vào thành Hà Nội. Phía nam, đội hình bộ binh khác từ Việt Nam học xá, Bạch Mai, phố Huế ra Tràng Tiền, vòng về Đồn Thuỷ. Sau đội hình bộ binh là xe cơ giới, dẫn đầu là tướng Vương Thừa Vũ, nguyên Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội, giơ tay chào đồng bào, theo sau xe cơ giới là đội hình pháo binh...
15 giờ ngày 10-10, hàng vạn nhân dân Thủ đô phấn khởi dự lễ chào cờ chiến thắng. Cờ đỏ sao vàng lại tung bay trên đỉnh cột cờ cổ kính. Thủ đô lại trở về với Tổ quốc độc lập, tự do, kết thúc một chặng đường lịch sử đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất oanh liệt vẻ vang của nhân dân Hà Nội và nhân dân cả nước. Lịch sử sang một trang mới. Tuy không xảy ra giao tranh ác liệt, nhưng cuộc tiếp quản này là sự kết thúc của cuộc kháng chiến toàn dân kéo dài từ năm 1946. Hà Nội hân hoan đón mừng những người con chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. Sự kiện đó đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa cực kỳ to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ở thời đại Hồ Chí Minh.
Lê Văn Diệu, Trường Sĩ quan Lục quân 2
HT: 3cb, 38, Biên Hòa, Đồng Nai