Làng của đồng bào các dân tộc bản địa ở Kon Tum nói riêng, Tây Nguyên nói chung đều sống theo nếp tự quản, vận hành trên cơ sở luật tục(1) - theo đó, ngoài trưởng làng quản lý chung còn có các bô lão, thầy cúng và những người giỏi về chỉ huy quân sự thời còn “chiến tranh”...
Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, các già làng (và người có uy tín trong cộng đồng) là hạt nhân nòng cốt của tổ hòa giải, đã vận động bà con thực hiện có hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, Toàn dân tham gia phát hiện tố giác tội phạm, giáo dục cảm hoá người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư… Đồng thời, các già làng cũng đã tích cực tuyên truyền, giáo dục bà con nâng cao ý thức cảnh giác với âm mưu các thế lực thù địch; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; thực hiện kế hoạch hoá gia đình; chăm lo vệ sinh môi trường; thực hiện phong trào khuyến học, vận động học sinh đến trường... Thông qua những việc làm đó, cộng đồng các dân tộc tỉnh Kon Tum đã gắn bó càng gắn bó hơn, đã đoàn kết càng đoàn kết hơn…
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đang đặt ra nhiều thách thức, rất cần phát huy vai trò của các già làng. Xin kiến nghị một vài ý sau:
1. Đối với các già làng:
Các già làng đã gương mẫu càng phải gương mẫu hơn, phải tự nâng cao trình độ, hiểu biết nhiều về kiến thức xã hội, tự nhiên để dạy và truyền lại cho con cháu, phát huy văn hóa truyền thống vốn có từ lâu đời, vận động, tuyên truyền làm cho bà con dân tộc một lòng tin Đảng và theo Đảng.
Trong bất cứ công việc gì, già làng phải là người hướng dẫn, làm trước cho bà con thấy để họ tin rồi làm theo; nói đúng như làm, sâu đi sát cơ sở, biết bà con cần gì... để có cách tuyên truyền, vận động thích hợp và kịp thời đề đạt những nguyện vọng của bà con để chính quyền xem xét, giải quyết một cách thỏa đáng.
2. Đối với chính quyền các cấp:
Các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ để các già làng đi tham quan, học hỏi thêm kinh nghiệm hay ở các địa phương khác về hướng dẫn bà con thực hành; đồng thời định kỳ tổ chức gặp mặt, thông tin ngắn gọn tình hình của đất nước và địa phương cho các già làng để làm tốt công tác vận động, tuyên truyền…
Tùy điều kiện có thể, già làng nên kiêm luôn trưởng thôn, sẽ tập hợp được đông đảo quần chúng trong làng và được hưởng chế độ hỗ trợ trưởng thôn, động viên già làng tích cực tham gia công tác xã hội, đồng thời giảm bớt một đầu mối ở cấp cơ sở. Hơn nữa, già làng làm trưởng thôn sẽ tôn vinh vai trò già làng, tạo tiền đề trong việc tiếp tục phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp từng dân tộc cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện mới.
Tuy nhiên, việc già làng kiêm trưởng thôn cũng có mặt hạn chế cần trao đổi để có giải pháp phù hợp, đó là: Hiện nay có một số già làng tuổi quá cao, sức yếu, không có trình độ, nếu “cơ cấu” làm trưởng thôn sẽ gặp không ít khó khăn, đối với trường hợp này chính quyền cơ sở cần xem xét, lựa chọn người kế nhiệm già làng để giao nhiệm vụ trưởng thôn. Thực tế không ít làng có nhiều tộc người sinh sống, có thể mỗi tộc người theo một tôn giáo, già làng cũng theo một tôn giáo nhất định, do đó phải chọn lựa được già làng có ý thức, trách nhiệm, tâm huyết với công việc của cộng đồng. Hiện, nhiều nơi trong một làng (làng ở đây được hiểu là ngang với cấp thôn, tổ dân phố) còn có thêm nhiều làng nhỏ, do đó phát huy dân chủ bằng cách để dân tự chọn già làng-trưởng thôn. Mặt khác, trong vùng có đạo, vai trò già làng ít được đề cao hơn vai trò của những chức sắc, chức việc tôn giáo. Như vậy, hướng giải quyết tốt nhất cho tình huống này là để nhân dân và tín đồ cùng lựa chọn già làng có uy tín.
-------------------------------
(1) Đó là những quy ước, quy tắc xã hội chỉ dẫn cách đối nhân xử thế, xác định hành vi tội phạm theo truyền thống văn hóa của cư dân, xác lập hệ thống tôn ti trật tự, chế định các mối quan hệ xã hội.
Hà Xuân Nguyên
Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum