750 năm Thiên Trường - Nam Định
Thành phố Nam Định đang từng ngày đổi mới.
Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, triều đại nhà Trần (1225-1400) là triều đại huy hoàng của lịch sử phong kiến với võ công, văn tự lẫy lừng, đã ghi vào lịch sử dân tộc những trang vàng chói lọi, làm rạng rỡ văn minh Đại Việt. Sau khi nhà Trần thay nhà Lý cai quản đất nước (1225) trung tâm quyền lực quốc gia, nơi tập trung cao nhất các cơ quan đầu não của đất nước vẫn là Thăng Long. Tức Mặc là quê cha, đất tổ, chỉ có Hành cung và Tiên miếu để vua làm lễ hàng năm. Cùng với Long Hưng (Tiến Đức - Hưng Hà - Thái Bình) Thiên Trường không chỉ là quê hương, còn là nơi phát tích của Vương triều Trần. Thiên Trường, đô thị trung tâm quyền lực thứ hai sau Thăng Long, đồng thời cũng là một "trường" đào tạo quan lại. Thiên Trường còn là một trung tâm văn hoá đóng góp cho kho tàng di sản văn hoá dân tộc nhiều tư tưởng, đạo đức, tôn giáo, mỹ thuật, văn học... hết sức phong phú và sâu sắc, đặc biệt trên lĩnh vực giáo dục đào tạo nhân tài cho đất nước. Năm 1281, nhà Trần lập nhà học ở Phủ Thiên Trường, có thể nói đây là mốc khởi đầu cho đất học Thiên Trường. Đất Thiên Trường, ngoài những người thuộc dòng dõi hoàng tộc có điều kiện học hành để trở thành những đại tri thức, giữ các cương vị khác nhau trong triều đình như: Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Tung, Trần Đạo Tái, Trần Nguyên Đán... còn sản sinh ra không ít những nhân tài làm rạng danh nước Đại Việt thời Trần như: Thần đồng Nguyễn Hiền đỗ trạng Nguyên khi tròn 13 tuổi, người đối đáp với sứ thần triều Nguyên, khiến "sứ Bắc quốc" sợ phục, hay cha con, thầy trò Đào Toàn Bân Đôn sư tích, người được tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An  suy tôn là "Đại sư vô nhị" (bậc thầy lớn có một không hai).

Thiên Trường có hệ thống sông ngòi chằng chịt, kết nối với sông Hồng, sông Đáy. Điển hình như con sông Vĩnh Giang (Vĩnh Tế) không chỉ nối sông Hồng với Tức Mặc, mà còn nối Tức Mặc với Thăng Long, với căn cứ Trường Yên và ra cửa biển Đại An đi vào miền Trung hay ra mạn Hải Đông.

Thiên Trường và vùng Nam đồng bằng Bắc Bộ từ xa xưa đã là vựa lúa của đất nước. Đất đai ở đây phì nhiêu, nông sản thực phẩm phong phú, dân cư đông đúc, xóm làng trù mật, bảo đảm nguồn cung cấp lương thực cho hành cung Thiên Trường. Để mở rộng diện tích canh tác, thời Trần rất khuyến khích các vương hầu khai hoang, thành lập các điền trang thái ấp bên cạnh việc lập các sở đồn điền như: Thái ấp của Thái Sư Trần Quang Khải ở Cao Đài (Mỹ Lộc - Nam Định); Thái ấp của Trần Khánh Dư ở Dưỡng Hoà (Duy Tiên - Hà Nam). Xung quanh Thiên Trường còn cho xây dựng nhưng kho lương thực như: kho lương Trần Thương (Lý Nhân - Hà Nam); A Sào (Quỳnh Phụ - Thái Bình).

Dưới thời Lê, đơn vị hành chính phủ Thiên Trường được thay đổi theo thời gian. Lộ Thiên trường thuộc Nam Đạo (1428) đạo thừa tuyên Thiên Trường (năm 1466), dưới thời Hồng Đức (1470-1497) đổi làm xứ Sơn Nam. Đến thời Tây Sơn, đổi thành Trần Sơn Nam Hạ. Năm 1821, nhà Nguyễn đổi Trấn Sơn Nam Hạ thành trấn Nam Định. Năm 1832, đổi Trấn Nam Định thành tỉnh Nam Định. Năm 1890, chia thành tỉnh Nam Định thành hai tỉnh: Nam Định và Thái Bình. Tỉnh Nam Định còn hai phủ Xuân Trường và Nghĩa Hưng, tương đương với tỉnh Nam Định ngày nay.

Đất Thiên Trường, vốn nổi tiếng là vùng đất học. Thời Lê, cả nước có 9 trường thi Hương, trong đó có trường thi Sơn Nam. Sau khi vùng đất Thiên Trường được đổi thành Nam Định, thì trường thi Sơn Nam, được đổi thành trường thi Nam Định, nhận thí sinh các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Ninh Bình, Hưng Yên. Trường thi Nam Định là trường thi Hương quan trọng vào bậc nhất, nhì trong cả nước, đó là cái nôi đào tạo nhân tài cho các triều đại phong kiến, nơi đây đã đóng góp 82 trạng nguyên, nơi đây đã đóng góp 82 trạng nguyên, phó bàng, Tiến sĩ và hàng nghìn cử nhân tú tai... Đầu thế kỷ XIX, do có vị trí đặc biệt quan trọng, nhà Nguyên đã cho đắp thành Nam Định bằng gạch. Việc xây dựng thành Nam Định bằng đất, đến năm 1839 thì xây thành bằng gạch. Việc xây dựng thành Nam Định đã dẫn tới hình thành thành phố, phường và các khu dân cư, chợ búa... Nam Định đã nhanh chóng trở thành một đô thị sầm uất.Như vậy suốt chiều dài lịch sử, vùng đất này luôn giữ một vai trò trung tâm văn hoá, kinh tế của cả miền duyên hải.

Trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nam Định là một trong những cái nôi của phong trào yêu nước, phong trào công nhân, phong trào cách mạng và tổ chức Cộng sản. Mảnh đất “ Địa linh nhân kiệt” tiếp tục sản sinh những người con ưu tú cho dân tộc và đất nước như cố Tổng Bí thư của Đảng Trường Chinh, đồng chí Lê Đức Thọ cùng bao người con ưu tú khác. Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, Đảng bộ và nhân dân Nam Định đã có đóng góp to lớn xứng đáng cùng cả nước làm nên những thắng lợi diệu kỳ. Đảng bộ, quân dân Nam Định, nhiều ngành, địa phương, đơn vị, cá nhân được Đảng , Nhà nước trao tặng danh hiệu  Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trong sự nghiệp đổi mới, phát huy truyền thống của mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; phát huy tiềm năng của một thành phố công nghiệp dệt may và công nghiệp cơ khí phát triển; tiềm năng vùng đất ven bờ sông Hồng với những cánh đồng, bờ bãi phù sa lúa màu rộng lớn; tiềm năng vùng đất ven biển cùng với chất lượng nguồn nhân lực có truyền thông lao động cần cù, sáng tạo, từng bước được nâng cao, Nam Định đã vững vàng vượt qua khó khăn thử thách, đi đầu trong nhiều phong trào, đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 10 năm đầu đổi mới, GDP toàn tỉnh tăng bình quân 7,1% năm; 10 năm tiếp theo đến 2010 GDP là 10,2%, GDP bình quân đầu người tăng 2,6 lần. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (chiếm gần 70% trong GDP). Đời sống nhân dân ổn định, đồng đều và không ngừng nâng cao, hộ giàu tăng nhanh, hộ nghèo giảm còn 6%, xứng đáng gữi vị trí trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh. của tỉnh Nam Định.
 
Năm 2011, trong tình hình kinh tế thế giới, trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng tăng trưởng kinh tế của Nam Định vẫn đạt 14,32%; tăng trưởng công nghiệp 19,74%; tỷ trọng công nghiệp xây dựng trên 56%; dịch vụ trên 42%; thu nhập bình quân đầu người tương đương 1.900 USD. Nhiều khu công nghiệp được mở rộng và phát triển như Khu Công nghiệp Hòa Xá, Mỹ Trung; Cụm Công nghiệp An Xá, thu hút đầu tư gần 200 doanh nghiệp, với hơn 54.000 lao động. Thương mại phát triển mạnh, bên cạnh trung tâm truyền thống chợ Rồng, đã xuất hiện những trung tâm thương mại lớn như Siêu thị Big C Nam Định và Trung tâm Thương mại Micom Plaza, đạt quy mô trung tâm khu vực. Cùng với đô thị cổ, các khu đô thị mới Hòa Vượng, Thống Nhất, Mỹ Trung; các công trình Khu Di tích văn hóa Trần, bệnh viện 700 giường; các trường Đại học Điều dưỡng, Đại học Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Lương Thế Vinh; cùng 5 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp nghề… đang được mở rộng, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cho công cuộc CNH - HĐH. Hệ thống giao thông với tuyến quốc lộ 10, quốc lộ 21, đường cao tốc Nam Định - Phủ Lý, cùng với hệ thống đường nội tỉnh mở rộng, nâng cấp và hệ thống đường sông, đường biển, đường sắt… tạo lợi thế cho Nam Định giao lưu, chắp nối, hội nhập, phát triển đối với cả nước và khu vực.

Tin tưởng với bề dày truyền thống 750 năm Thiên Trường oai hùng, cộng với sức mạnh của công cuộc đổi mới, niềm vinh dự tự hào đón nhận phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, lại được chắp cánh từ quyết định lịch sử: Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I,  tỉnh Nam Định nói chung và TP. Nam Định nói riêng trên chặng đường đi tới sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội vùng Nam Đồng bằng sông Hồng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất