An Ninh (Tiền Hải) là một xã giàu truyền thống cách mạng, một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh Thái Bình được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Trong thời kỳ đổi mới, An Ninh là xã được tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Năm 2012, xã bước vào giai đoạn 2 của quá trình xây dựng nông thôn mới với truyền thống và kinh nghiệm của một xã anh hùng. Đời sống nhân dân dần được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Có được như hôm nay người dân An Ninh không quên những ngày tăm tối, lầm than dưới chế độ cũ và càng ghi nhớ thành tựu mà cuộc Cách mạng tháng Tám do Đảng vĩ đại, Bác kính yêu đem lại.
Một thời Trình Phố cơ cực
Dân xã An Ninh vốn gốc người Nghệ An, Thanh Hóa gồm nhiều dòng họ như Chu, Bùi, Vũ, Phạm, Phan, Nguyễn, Ngô... Tên xã cũng được đổi nhiều lần từ Trình Phả, Trình Giang, Trình Phố và An Ninh bây giờ với 3 thôn Nhất, Nhì và Trung. Nguồn sống chính của nhân dân là sản xuất nông nghiệp. Năm 1900, xã có 1.200 mẫu ruộng Bắc Bộ, 1.000 hộ và 1.500 suất đinh. Năm được mùa năng suất đạt 85 - 100 kg/sào, bình thường chỉ 30 - 40 kg/sào khiến đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Thêm vào đó, tư liệu sản xuất chủ yếu nằm trong tay giai cấp địa chủ, phong kiến. Tập đoàn đại địa chủ họ Đinh chiếm 200 mẫu ruộng tư, 300 mẫu ruộng công. Tập đoàn địa chủ họ Trần chiếm 100 mẫu, họ Chu 170 mẫu... Tầng lớp địa chủ phong kiến này có kinh tế, có thế lực chính trị đã cùng nhau chia chác quyền lợi, đè nén, áp bức, bóc lột dân lành.
Năm 1930, mức thu tô 40 thùng thóc/mẫu, ruộng tốt 60 thùng/mẫu. Đối với tô rẽ, địa chủ thường lấy một nửa sản lượng thu hoạch được (40 gánh thì thu 20 gánh). Ngoài ra còn có các loại tô phụ khác như giỗ, tết, ma chay, cưới xin... Tá điền phải nộp thóc trước, thiếu tính thành nợ chịu lãi. Lãi vay thóc tính 150% trả lãi trước (vay 150 kg thóc chỉ được nhận 100 kg, đến hạn trả 150 kg), nếu vay tiền 10 đồng chỉ được nhận 8 đồng, chưa kể các thủ đoạn cầm đồ, cầm ruộng ép giá trị, ép thời hạn. Chưa hết, người vay nợ còn phải chịu ơn, đến nhà địa chủ làm tạp dịch, ra luồn vào cúi, chịu hạch sách đủ điều.
Người xưa có câu “nghĩa tử là nghĩa tận”, nhưng khi nhà có tang, dân Trình Phố phải nộp các khoản theo lệ nhất, lệ hai, lệ ba. Chẳng hạn lệ nhất gồm 2 trâu, 100 chai rượu, bánh dầy biếu toàn dân, trâu bò biếu đình trung, nộp 60 quan tiền. Số tiền trên nếu không nộp cho tiên chỉ thì không được đưa đám hoặc thiếu thì không được thổi kèn, đánh trống. Bọn địa chủ, cường hào ngày càng giàu có, phát triển đến năm 1924 có 56 địa chủ lớn, nhỏ (chiếm 5 - 6% số hộ) sở hữu 1.000 mẫu ruộng (chiếm 83% ruộng đất của xã). Nông dân lao động sống “kiếp trâu, ngựa” cùng cực, đau khổ, thiếu nữ 13 - 14 tuổi không có quần áo che thân... Đỉnh cao là năm Ất Dậu 1945 có tới 2.500/5.500 người bị chết đói, nhiều gia đình chết hết cả nhà, trong đó có gia đình 7-9 người chết.
Diện mạo mới trên mảnh đất An Ninh anh hùng
Trước cách mạng, An Ninh đã là cơ sở đầu tiên của Thái Bình thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (1927), tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cùng với nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân An Ninh đã có nhiều đóng góp sức người, sức của. Chỉ tính riêng kháng chiến chống Mỹ, xã có 1.700 thanh niên vào Nam chiến đấu; 258 người hy sinh; 80 thương, bệnh binh. Hiện xã có 75 cán bộ lão thành cách mạng, 20 bà mẹ được phong tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam anh hùng.
Ngay từ khi Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới, An Ninh đã xác định phát triển kinh tế với phương châm “huy động sức dân để lo cho dân”. Chủ trương đúng đắn, nhân dân đoàn kết giúp nhau bằng nhiều hình thức cho vay không lấy lãi, giúp chuyển đổi mô hình sản xuất... Các tổ chức đoàm thể tín chấp giúp hội viên, đoàn viên vay ngân hàng hàng chục tỷ đồng tiền vốn vay ưu đãi. Đặc biệt, nông dân An Ninh đã tiếp thu nhanh tư duy kinh tế thị trường của Đảng vào sản xuất - kinh doanh, thực sự mang lại hiệu quả. Sản xuất nông nghiệp liên tục thắng lợi giúp từng bước cải thiện đời sống người dân. Toàn xã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo dưới bình quân chung của huyện. Cơ sở hạ tầng (đường, trường, trạm y tế, trụ sở xã, hợp tác xã dịch vụ) đảm bảo yêu cầu.
Đồng chí Phạm Ngọc Quỳnh, Chủ tịch UBND xã cho biết, tổng giá trị sản xuất hàng năm đạt gần 75 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 13,5%/năm, thu nhập bình quân 13 triệu đồng/người/năm, 86% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa. Vinh dự cũng là trách nhiệm nặng nề cho An Ninh khi được Tỉnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã đã đạt 11/19 tiêu chí. Phát huy truyền thống cách mạng của một xã anh hùng, Đảng bộ và nhân dân trong xã đang nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành đúng lộ trình.
Sau dồn điền đổi thửa thành công, xã tiếp tục đổi mới cơ cấu cây trồng, phấn đấu đưa năng suất lúa lên 135 tạ/ha/năm (trong đó có từ 45% trở lên cấy bằng các giống chất lượng cao) và quy vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá, tạo giá trị sản xuất đến 2015 đạt 95 triệu đồng/ha/năm. Phấn đấu đầu tư cho thủy lợi, cải tạo đất đạt hệ số sử dụng đất 2,34 lần/năm nhằm tăng thu nhập và tạo việc làm tại chỗ cho hộ nông dân. Cùng với đó, An Ninh tiếp tục củng cố lại hệ thống dịch vụ nông nghiệp theo hướng giảm các đầu mối, phấn đấu lãi từ 30 triệu đồng/năm trở lên, không còn lỗ trong các khâu dịch vụ.
Những ngày tháng 8, nông dân toàn xã đang hăng say chăm sóc lúa mùa, cây màu vụ hè thu trên chính mảnh đất mà họ làm chủ. Những thửa ruộng không còn manh mún, tưới tiêu thuận tiện, phương tiện cơ giới được đưa vào giải phóng sức người, tăng thu nhập. Các cơ chế hỗ trợ như giống lúa, giống cây vụ đông, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ mua máy đa năng... được tỉnh, huyện quan tâm kịp thời. Thụ hưởng những thành quả do chính mình xây dựng, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, người dân An Ninh càng nhớ đến Đảng vĩ đại, Bác kính yêu, Cách mạng tháng Tám mùa thu, ngày độc lập 2-9-1945 đã giúp đổi đời, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho người dân nơi đây.
Bài, ảnh: Phan Lợi
Báo Thái Bình