Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Hà Nội vừa lưu ý Chính phủ Việt Nam cần xem xét cải cách chế độ hưu trí tại Việt Nam trong bối cảnh Quỹ Bảo hiểm Xã hội được dự báo sẽ sớm không còn khả năng chi trả lương hưu. Khuyến nghị trên được công bố tại hội thảo “Đánh giá tài chính Quỹ Hưu trí ở Việt Nam - Kết quả dự báo và những khuyến nghị” do Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐTBXH) và ILO tổ chức sáng 2-8, tại Hà Nội. Hội thảo là cơ hội để các bên phân tích thực trạng của quỹ hưu trí, tử tuất và bàn thảo những phương án điều chỉnh để giúp quỹ tồn tại một cách bền vững.
Theo báo cáo “Đánh giá và dự báo tài chính quỹ hưu trí của Việt Nam” của ILO đã được hoàn thành theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam với sự cộng tác của Bộ LĐTBXH, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê: Chỉ khoảng 20% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội ở Việt Nam (theo số liệu năm 2009, có 9,3 triệu người đóng góp cho quỹ hưu trí và tử tuất trong tổng số 48,5 triệu người trong độ tuổi lao động). Tỷ lệ này có thể tăng trong thời gian trước mắt khi Việt Nam đang bước vào “thời kỳ dân số vàng” với số người trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) chiếm tới 58,5% cơ cấu dân số (số liệu năm 2010). Tuy nhiên, quá trình lão hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh và một tỷ trọng lớn dân số sẽ không còn được hưởng trợ cấp xã hội trong tương lai. Theo đó, quỹ lương hưu sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2020 và sẽ hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2029. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng: Chế độ hưu trí hiện tại còn nhiều bất cập, thể hiện ở tuổi về hưu tương đối sớm, đặc biệt là đối với nữ giới và một bộ phận người lao động được phép về hưu trước tuổi quy định, trong bối cảnh tuổi thọ trung bình được nâng cao và tỷ lệ sinh giảm rõ rệt. Một vấn đề không kém quan trọng khác là sự mất cân đối về lợi ích dành cho nhóm công chức nhà nước và người làm công ở các doanh nghiệp tư nhân, do khác biệt trong cách tính lương hưu.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân khẳng định; Việt Nam thúc đẩy, đảm bảo và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, trong đó bảo hiểm xã hội và chế độ hưu trí ở vị trí trung tâm, luôn là một chủ trương nhất quán và là định hướng xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay trong quá trình phát triển và Để có cơ sở hoạch định chính sách bảo hiểm xã hội nói chung, chính sách hưu trí nói riêng, nhất là phục vụ Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội giai đoạn 2012-2020, rất cần có sự đánh giá quỹ hưu trí hiện tại và dự báo được xu hướng quỹ hưu trí trong thời gian tới.
Từ thực tế hiện nay, ILO kêu gọi cải cách chế độ hưu trí tại Việt Nam trong bối cảnh Quỹ Bảo hiểm Xã hội được dự báo sẽ sớm không còn khả năng chi trả lương hưu. Giám đốc Văn phòng ILO tại Hà Nội Gyorgy Sziraczki nhận định: “Việc Quốc hội dự định sửa Luật Bảo hiểm Xã hội trong năm tới và Chính phủ ghi nhận tầm quan trọng của việc cải cách này là một tín hiệu đáng mừng. Việt Nam nhất thiết phải cân bằng được quỹ lương hưu”.
Tăng dần tuổi nghỉ hưu được cho là một biện pháp quan trọng để cân đối tài chính giữa nguồn thu và chi cho quỹ. Tuy nhiên, theo ILO, chỉ riêng biện pháp này vẫn chưa đủ để cải thiện tình hình quỹ. Vì vậy, ILO đồng thời khuyến nghị sự cần thiết phải sửa đổi cách tính lương hưu để giảm tỷ lệ chi trả. Sự kết hợp giữa tăng tuổi về hưu và thay đổi cách tính lương hưu sẽ giúp tăng tính bền vững của quỹ hưu trí trong dài hạn.
Hiện tại, theo luật Việt Nam, tất cả các công dân Việt Nam ký hợp đồng lao động từ ba tháng trở lên đều được tham gia bảo hiểm xã hội. Cán bộ công chức trong khu vực nhà nước được tham gia chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và các công dân Việt Nam khác trong độ tuổi từ 15 đến 55 (đối với nữ) và đến 60 (đối với nam) không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo chuyên gia ILO Galian: “Cần thực hiện một nghiên cứu khác nhằm xác định những biện pháp thay thế hữu hiệu để bảo vệ người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức bằng cách kết hợp giữa bảo hiểm xã hội tự nguyện và lương hưu xã hội”.
Ngọc Diệp