Từ một lời căn dặn của Bác Hồ

Chân lý dù cao siêu đến đâu thì cũng bắt đầu từ những điều đơn giản, những việc bình thường trong cuộc sống được người ta làm theo, làm đi làm lại, được thực tiễn kiểm nghiệm rồi đúc kết lại mà thành và từ đó xuất hiện cái ta vẫn gọi là lý luận. Tất nhiên, không gian càng rộng, thời gian càng dài thì lý luận, chân lý càng được thử thách, càng mang tính phổ quát, trường tồn. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình. Trong bài viết nhỏ này chúng tôi chỉ xin nêu một số thu nhận của mình về Bác Hồ, một nhà văn hoá kiệt xuất, một văn nghệ sĩ lớn trong quan hệ với văn nghệ và văn nghệ sĩ.

1. Sau Lễ Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945), việc nước đang bộn bề, thù trong giặc ngoài đang âm mưu chống phá chính quyền non trẻ của ta, thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sắp xếp thời gian thực hiện những cuộc tiếp xúc với các nhà hoạt động văn hoá. Ngày 7-9-1945, trong buổi tiếp thân mật đoàn đại biểu Uỷ ban văn hoá lâm thời Bắc Bộ, thật tự nhiên, giản dị, không một chút hàn lâm hay khẩu khí của một chính khách, Người nói: “Tôi mong rằng các ngài trong giới văn hoá nhận thấy rõ nhiệm vụ các ngài trong lúc này là: Củng cố nền độc lập của Việt Nam, sửa soạn gây dựng cho đất nước một nền văn hoá mới… Bổn phận của các ngài là lãnh đạo tư tưởng quốc dân, đấu tranh cho nền độc lập và kiến thiết một nền văn hoá mới. Cái văn hoá mới này cần phải có tính cách khoa học, tính cách đại chúng, thì mới thuận với trào lưu tiến hoá của tư tưởng hiện đại”(1). Chủ tịch nước lại dành tiếp ông Nguyễn Trường Phượng, Tổng Biên tập Tạp chí Duy Tân (một tạp chí tư nhân), Người nói: “Văn hoá với chính trị có quan hệ chặt chẽ với nhau… xưa kia chính trị bị đàn áp, nền văn hoá của ta vì thế không nẩy sinh được. Nay nước ta đã độc lập, tinh thần được giải phóng, cần phải có một nền văn hoá hợp với khoa học và hợp với cả nguyện vọng của người dân” (2).

2. Tháng 5 năm 1946, nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim, cùng các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung được Hội Văn hóa cứu quốc cử vào Phủ Chủ tịch để vẽ và nặn tượng Bác Hồ, chuẩn bị cho Triển lãm Mỹ thuật mùa thu đầu tiên của cách mạng.

Về sự kiện lịch sử thiêng liêng này, bà Kim còn nhớ rất nhiều kỷ niệm. Thoạt tiên, bà kể, vừa mới bước vào phòng Bác làm việc, trong tâm trạng hết sức ngỡ ngàng, khi trên tay còn đang lủng củng đồ nghề, nào giá nặn, nào thùng đất, bà chưa biết đặt vào đâu thì Bác đã gọi người mang ra chiếc chiếu để bà sắp đặt. Đó là cử chỉ đầu tiên thể hiện sự săn sóc chu đáo của Bác khiến bà rất bất ngờ và xúc động. Bắt đầu vào công việc của bà, bà lại một lần nữa bất ngờ khi Bác hỏi: Mẫu phải ngồi thế nào đây? Rồi tiếp đó, Bác còn đùa vui: Hôm nay mẫu ngồi thêm giờ phải có bồi dưỡng đấy nhé! Sau đó, lúc bà còn đang lúng túng, chỉ ngại các dụng cụ điêu khắc động chạm vào người Bác, thì như đoán trước được, Bác đã nói ngay: Cô cần đo, cứ đo đừng ngại. Không đo, làm không được thì hỏng việc. Thì ra Bác không chỉ hiểu yêu cầu của việc nặn tượng đối với đối tượng nguyên mẫu là Bác, mà Bác còn hiểu sâu đến cả nội dung các thao tác trong nghề nặn tượng của bà. Rất thông cảm với nỗi vất vả của nghề nghiệp, Người còn luôn hỏi han và động viên bà: Lúc nào làm việc cũng phải mang đủ thứ thế này à? Thế ra làm công tác văn nghệ cũng nặng nhọc và vất vả nhỉ?

Chưa hết! Hơn hai mươi ngày, mỗi ngày Bác dành ra hai giờ để các họa sĩ vào nhà nặn tượng làm công việc chuyên môn của mình, cuối cùng cũng đã kết thúc. Xem tranh, tượng về mình xong, Bác cám ơn từng người rồi thân mật góp ý: Này, hai tai Bác không đều nhau đâu, bộ râu thế mà khó nhỉ, hãy xem người Ai cập xưa họ thể hiện râu ra sao?

Nhiều nhà nhiếp ảnh trong hồi ức của mình đã kể lại kỷ niệm không thể quên những lần được chụp ảnh Bác. Hiểu biết đặc trưng mỗi nghề nghiệp, tạo điều kiện để các nghệ sĩ hoàn thành công việc của mình, Người còn lắng nghe để hiểu biết thêm và ân cần động viên, giúp đỡ họ hoàn thành công việc. Đó là những phẩm chất mẫu mực của lãnh tụ trong quan hệ với nghệ sĩ.

3. Ngày 28-2-1957, Hồ Chủ tịch đến thăm Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 2. Trong buổi bế mạc Đại hội, Người nói: “Cụ Hoàng Ngọc Phách vừa nói tôi cũng là một nhà văn nghệ, nhưng tôi chỉ nhận mình là một người yêu chuộng văn nghệ chứ không phải một nhà văn nghệ”. Trong khi đó, một nhà thơ lớn của Trung Hoa, ông Quách Mạt Nhược, khi đọc Nhật ký trong tù của Bác đã viết rằng: Nếu không được biết tên tác giả, ông đã nhầm đó là những bài trong Đường thi, Tống thi. Nhà thơ Chế Lan Viên, sau khi tụng vinh thơ Hồ Chí Minh là thơ của một nhà thơ lớn đích thực, còn cho biết, đọc những truyện ký viết bằng tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc và coi đó là những truyện ngắn mẫu mực về kỹ thuật văn chương hiện đại mà trước Hồ Chí Minh, các nhà văn Việt Nam không ai đạt tới. 

Vô cùng khiêm nhường, trong buổi nói chuyện với các văn nghệ sĩ tiêu biểu tại phiên bế mạc Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai, Người  bảo, chúng ta nói chuyện với nhau phải thật thà, cụ thể là “thành tích tuy có nhiều nhưng thiếu sót cũng không ít”. Và nhấn mạnh: “Đó là ý kiến của tôi, còn đúng hay không các cụ và các anh chị xét lại”. Tiếp đó,  chân thành và hết sức giản dị, Người nói: “Bây giờ địa vị một người chính trị, tôi xin hứa rằng Trung uơng Đảng và Chính phủ sẽ cố gắng trong khả năng của mình, giúp đỡ văn nghệ tiến lên”(3).

4. Tháng 6 năm 1963, Trung ương quyết định cử đồng chí Hà Huy Giáp đang làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục sang đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Giao nhiệm vụ mới cho đồng chí Hà Huy Giáp, sau khi nói rõ nhiệm vụ của đồng chí Hà Huy Giáp là giúp ông Hoàng Minh Giám bộ trưởng làm công tác văn hóa và phụ trách văn nghệ, Bác Hồ dặn: “Văn hóa văn nghệ thì không tiếp xúc được tập thể. Họ đòi tình cảm là chính. Phê bình họ, lý tình phải đi đôi với nhau. Làm cho họ buồn, họ không sáng tác được. Chú có cái nhược điểm là hay nói thẳng. Chú được cái là không để bụng, không trù dập ai. Nói thẳng là tốt, nhưng phải lựa lời mà nói, lựa lúc mà nói... Gặp văn nghệ sĩ, chú phải gặp riêng từng người một. Nói chung lãnh đạo ai cũng vậy, phải có lý có tình. Đối với văn nghệ sĩ, phải có tình trước rồi mới đưa họ vào lý. Công việc chú bây giờ khó hơn nhiều. Rốt cuộc mình hiểu biết anh em, coi trọng anh em, thì anh em coi trọng mình, nghe mình...”(4). Một lời căn dặn giản dị mà bao hàm trong đó tất cả các phẩm chất, thái độ, quan niệm cần có của một nhà lãnh đạo đối với văn học nghệ thuật.

5. Có thể nói, giới văn nghệ Việt Nam vô cùng may mắn và hạnh phúc vì được sự quan tâm săn sóc, lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ học viết báo và là một nhà báo lớn hẳn là chuyện mọi người đều đã biết. Nhà văn Nguyễn Công Hoan còn cho biết: Trong khoảng một năm, kể từ ngày Chính quyền cách mạng thành lập đến ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, mỗi tháng một lần anh em nhà báo đều được vào Phủ Chủ tịch để nghe Hồ Chủ tịch chỉ bảo cách làm báo. Nhà văn hóa lớn Đặng Thai Mai viết: “Về bản thân, Người cũng chính là nhà văn nghệ của thời đại. Trong cuộc đời hoạt động chính trị bận rộn, gian khổ, lắm lúc nguy hiểm, với trăm công nghìn việc to lớn, chồng chất như vậy, mà Người vẫn sắp xếp được thì giờ để sáng tác kịch, viết văn, làm thơ và để lại cho chúng ta những hạt ngọc vô giá, những tác phẩm bất hủ”(5). Văn của người, từ truyện đến chính luận  đạt đến trình độ mẫu mực về  sự vận dụng thể loại. Tuyên ngôn độc lập của Người là áng thiên cổ hùng văn. Người học nghề ảnh và làm nghề này từ khi mới sang Pháp tìm đường đi cho cách mạng. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Người quen biết  rất nhiều các nhà văn, nghệ sĩ, nhà văn hóa lớn thế giới. Như thời gian ở Pháp, người đã quen biết 3 nhà văn nổi tiếng, là Henri Barbusse (hơn người 17 tuổi), Romain Rolland (hơn 24 tuổi) và Vaillant Couturier (kém 2 tuổi). Người đã quen biết cả tài tử trứ danh vua hề thế giới Charlot Chaplin. Ở Nga, người đã đọc văn của Liev Tolstoi. Vốn văn hóa dân tộc của Người vô cùng sâu rộng. Người thuộc lòng Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm và lẩy Kiều rất tài tình tinh tế, linh hoạt. Luật sư Phan Anh cho biết: Trong kháng chiến Chống Pháp, ở các kỳ họp Hội đồng chính phủ, dưới sự chủ tọa của chủ tịch Hồ Chí Minh, thường xuyên có sinh hoạt đọc thơ và lẩy Kiều. Trong nhật ký ngày 30-4-1952 tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc, nhà văn Vũ Tú Nam viết: “Bác mời một cụ và chị Song Kim hát chèo. Bác chữa cho từng câu hát sai”. Ca sĩ Minh Huệ hát điệu Ru em cho Bác nghe: “à ờ ờ... ru em em ngủ cho muồi”, Bác bảo: “Ru tam tam thộc cho muồi” mới đúng tiếng miền Trung ngày trước. Chuyện Bác sửa cho các ca sĩ trong Đoàn văn công Quân khu 4 từng chữ trong các bài dân ca cho đúng với tiếng gốc xứ Nghệ xưa, hẳn mọi người đã biết. Nhà văn Hồ Phương kể: Tháng 12 năm 1946, đang là nhà báo phụ trách trang Thiếu niên của báo Cứu quốc, được vào Bắc bộ phủ họp, gặp Bác, còn đang lúng túng thì Bác đã bảo: “Báo chí dù lớn hay bé thì cũng phải vào gần thì mới tác nghiệp được chứ!”. Năm 1946, họa sĩ Tô Ngọc Vân được cử vào Phủ Chủ tịch để vẽ chân dung Bác, còn đang loay hoay trong quá trình sáng tác, thấy mấy nhà nhiếp ảnh loáng cái đã hoàn thành công việc chụp ảnh chân dung Bác, rất băn khoăn, họa sĩ liền rụt rè đề nghị với Người cho họa sĩ thời hạn vẽ là ba tuần. Thật không ngờ, vị chủ tịch kính yêu của dân tộc, đáp: Chú cứ yên tâm. Ba tháng cũng thấy là phải, chứ nói gì ba tuần! 

Nhà văn Nguyễn Đình Thi kể: Hội nghị các đại gia trong ngành văn học nghệ thuật hôm ấy, Bác Hồ đến dự hơi muộn. Bác nói: Các chú cứ bàn đi, bác nghe. Các cây bút lớn tiếp tục tranh luận sôi nổi quanh chủ đề: Sáng tác là con ngựa. Phê bình là cái roi quất cho con ngựa lồng lên. Có vị cười lớn, kêu to: Phải quất mạnh nữa vào. Và liếc sang Nguyễn Đình Thi. Lúc này ông vừa cho ra mắt kịch bản Con nai đen, tác phẩm đang bị giới lý luận xì xào phê phán. Khiêm nhường, nhà văn im lặng lắng nghe. Và ông thật không ngờ, giữa lúc đó, Bác Hồ đi tới. Và Bác cúi xuống, dịu dàng: Chú Thi đấy, hả? Dạ, thưa Bác, cháu đây ạ. Rồi Bác ngồi xuống bên nhà văn. Bác hỏi han tình hình gia đình, con cái nhà văn. Bác nói, giọng cất cao, cố tình để các bậc đại gia nghe thấy. Lát sau, tổng kết hội nghị, Bác âu yếm nhìn mọi người, nhìn Nguyễn Đình Thi, nói thật ân cần: Thôi! Chín năm kháng chiến, ngựa mệt mỏi rồi, đừng dùng roi quất nó nữa.

6. Các Mác, Ăngghen, V.I. Lênin  đều yêu say mê nghệ thuật. Ăngghen đã từng mơ trở thành một nghệ sĩ pianô. Trên đời có gì kỳ diệu hơn âm nhạc! Đó là câu nói của Ăngghen. Nhiều người nói, nếu không là nhà cách mạng, hiển nhiên, Mác và Ăngghen sẽ là những nghệ sĩ lớn. Những bài viết của  các vị lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới  về văn học nghệ thuật  đã trở thành kinh điển về năng lực thẩm định và hiểu biết thấu đáo vai trò, ý nghĩa cùng những giá trị chân chính của những sáng tạo và của nghệ sĩ trong lĩnh vực cao quý, độc đáo này. 

Cách mạng và  nghệ sĩ - Hai phạm trù không đối lập. Trái lại, gặp gỡ và hài hòa, hai trong  một.  Nhà cách mạng và  người nghệ sĩ, nói một cách khái quát, chung quy cả hai đều chung một phẩm chất nhân văn cao cả, lấy hiến dâng tài năng, trí tuệ cho nhân loại làm mục đích sống. Cả hai đều mang trong mình tâm hồn lãng mạn, hướng tới cái đẹp, tôn thờ, cổ xúy và sáng tạo nên cái đẹp cho con người. Cả hai  đều cùng khởi nghiệp từ một nền văn hóa cao, cùng chung một mẫu số văn hóa. Đó cũng là cơ sở để Các Mác, Ăngghen, Lê nin, Hồ Chí Minh gặp nhau, trong mối đồng cảm sâu xa, trong cách  thức cảm thụ, đánh giá và ứng xử với văn nghệ và nghệ sĩ.

7. Điểm qua vài chi tiết nhỏ như đã nêu ở trên, ít nhiều chúng ta cũng đã có thể hình dung sự ứng xử của Hồ Chủ tịch với văn nghệ. Lênin cũng có không ít các sự kiện có thể kể lại tương tự. Chẳng hạn, nghe lời căn dặn của Người với đồng chí Hà Huy Giáp trên ta không khỏi liên tưởng tới lời Lênin nói sau đây: “Một nhân tài văn chương nghệ thuật là một của hiếm mà ta cần phải khuyến khích một cách kiên quyết, liên tục và với sự tế nhị”. Ở đây chỉ nói riêng về mặt quan niệm. Về mặt này, vị lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga, cho rằng, so với mọi thứ khác thì văn học là một ngành mà người ta càng không thể áp dụng biện pháp bình quân máy móc, san bằng và đem số đông thống trị số ít. Bộ phận văn học trong công tác của một đảng vô sản không thể rập một cách máy móc cùng một khuôn với những bộ phận khác trong công tác của đảng. Người viết: “Không thể chối cãi được rằng trong lĩnh vực này, cần phải đảm bảo cho một phạm vi rộng rãi hơn cho sáng kiến cá nhân, cho các thiên hướng cá nhân, cho tư duy và cho trí tưởng tượng, cho hình thức và nội dung” (6).

8. Lênin và Hồ Chí Minh! Những câu viết mang tính chính luận logic chặt chẽ trong một bài báo có tính chất chỉ đạo và những lời dặn dò thân mật thấu lý đạt tình có tính chất chỉ bảo với mọi cán bộ đảng! Khác nhau tí chút về sắc thái biểu cảm, nhưng rõ ràng là cùng từ một cái gốc là sự am hiểu tường tận đặc trưng của văn học nghệ thuật trên cơ tầng một nền văn hóa cao, từ phẩm chất tiên thiên của những nghệ sĩ lớn, sự mẫn cảm, sáng suốt của những bộ óc và tấm lòng của lãnh tụ thiên tài, Bác Hồ và Lê nin, đã nêu cao hình mẫu về sự đối xử với văn nghệ sĩ và lãnh đạo văn nghệ.

Đường lối văn nghệ chính là sự tổng kết từ đời sống thực tiễn sinh động được soi rọi bằng lý luận tiền phong của thời đại. Bác Hồ bằng hành động cử chỉ lời nói của mình đã tạo nên những dữ kiện, những cơ sở thực tiễn quan trọng bậc nhất để chúng ta đúc kết thành đường lối cách mạng của nước ta nói chung và đường lối văn nghệ nói riêng.

Xem thế, thì mọi đối xử cào bằng, thiếu tế nhị, thô lỗ, áp đặt, không coi trọng cá tính sáng tạo của nghệ sĩ, thậm chí dùng quyền lực, mệnh lệnh thô bạo với văn nghệ sĩ và hoạt động nghề nghiệp của họ là trái với đường lối văn nghệ của Đảng, trái với lời dạy của Bác Hồ, trái với lẽ phải thông  thường.

Trần Đình Huỳnh - Ma Văn Kháng

 -----------------------------------                                                    

(1)Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, tập 3, tr. 13).  (2) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, tập 3, tr.120). (3) Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 8, tr 324-325). (4) Trần Đình Huỳnh, Những bài chính luận. NXB Tri thức. Quý I-2012. (5) Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ... NXB Hội Nhà văn, tháng 5.2010, Tập 2, tr. 32. (6) Lênin bàn về văn học nghệ thuật. NXB Sự thật, tháng 3-1960, tr. 73.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất