TP. Hồ Chí Minh: 21 tập thể, 80 cá nhân được tuyên dương những tấm gương thầm lặng mà cao cả
Đồng chí Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tuyên dương các tập thể “tấm gương thầm lặng mà cao cả” (Ảnh: VIỆT DŨNG).

Đồng chí Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tuyên dương các tập thể “tấm gương thầm lặng mà cao cả” (Ảnh: VIỆT DŨNG).

Tối 9-11, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP. Hồ Chí Minh, UBND thành phố và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phối hợp tổ chức Lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước TP. Hồ Chí Minh lần 5, năm 2022. Buổi lễ tuyên dương 21 tập thể, 80 cá nhân là những gương sáng thầm lặng, có những nghĩa cử, việc làm tận tụy vì cộng đồng, xã hội.

Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Trần Hoàng Thám, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh.

Giao lưu với các cá nhân được tuyên dương (Ảnh: VIỆT DŨNG).

Giao lưu với các cá nhân được tuyên dương (Ảnh: VIỆT DŨNG).

Thấy việc có ích thì làm

Lặng lẽ, âm thầm thức từ 3, 4 giờ sáng để giữ “Bếp yêu thương” (tại Phường 5, Quận 10) luôn đỏ lửa suốt 12 năm qua, bà Mai Ngọc Châu, đại diện "Bếp yêu thương" cho biết, nhóm không đếm hết suất ăn chay miễn phí được đều đặn chuyển đến tay người bệnh và người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy. “Chúng tôi chỉ biết, khi giúp được nhiều người bệnh đỡ một phần tiền để tiếp tục điều trị bệnh, đó là hạnh phúc”, bà Châu bày tỏ.

Thấy được ý nghĩa nhân văn từ việc làm của nhóm, từ năm 2017, nhiều tấm lòng đã cùng chung sức để suất ăn tăng lên 6 ngày/tuần với 800 suất/ngày. Riêng trong đợt dịch Covid-19, nhóm đã nấu hơn 20.000 suất ăn, phần quà và 6.000 chai nước cam cho các hộ dân ở khu vực cách ly, người dân khó khăn bị ảnh hưởng.

Không chỉ nấu và phát suất ăn chay, từ năm 2016 đến nay, nhóm thường xuyên thu gom quần áo cũ tặng lại cho người khó khăn ở vùng sâu vùng xa; chăm lo an sinh xã hội cho các hộ gia đình, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà cho trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn vào các dịp lễ, tết.

Câu chuyện Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, Trung đoàn Gia Định (Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh) mang đến buổi giao lưu khiến nhiều đại biểu vô cùng xúc động. “Lần đó tôi đến thăm, bé N. (4 tuổi) ôm cổ tôi nói: chú Kiên làm ba con được không, con không có ba”, là người cha, tim anh Kiên đau nhói.

Trong lần thực hiện nhiệm vụ mang tro cốt của đồng bào bị mất vì dịch Covid-19 về với gia đình, Trung tá Kiên xót xa khi thấy bé N. côi cút ngồi bên bàn thờ mẹ và sống nhờ sự chăm sóc của mọi người xung quanh. Vậy là anh nhận đỡ đầu cho bé. Sau nhiều ngày tìm kiếm thông tin, anh Kiên đưa bé N. về đoàn tụ cùng anh, chị và bà ngoại ở Quận 4. Rồi thương cảnh côi cút của 3 anh em của N., anh Kiên đã nhận bảo trợ luôn 3 cháu.

Khi dịch Covid-19 xảy ra, những người chiến sĩ lực lượng vũ trang đã thay màu áo xanh của người lính để khoát lên người chiếc áo xanh bảo hộ y tế để chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh phòng, chống dịch.

Với trách nhiệm từ mệnh lệnh trái tim, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên cùng đồng đội ngày đêm xông pha nơi tuyến đầu trong cuộc chiến cam go không tiếng súng. Và khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, anh lại cố gắng từng ngày để tiếp tục sứ mệnh của một người cha. Anh Kiên chia sẻ, một mình anh thì không đủ sức, nhưng anh không đơn độc, bởi bên cạnh anh còn có người thân, bạn bè, đồng đội, cộng đồng trợ sức, tạo điều kiện. Nhờ đó, anh thêm động lực, niềm tin để đồng hành cùng các con của mình.

Thấy việc đó có ích, mang lại hạnh phúc thì làm, chứ không nghĩ đến việc được tuyên dương. Đó là điều anh Trần Ngọc Nghĩa ở xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh chia sẻ tại buổi giao lưu. Theo anh Nghĩa, việc anh làm chỉ rất nhỏ và trong khả năng của mình có thể làm được.

Việc nhỏ mà anh Nghĩa nói đến và đã duy trì bền bỉ hơn 10 năm qua là tự bỏ tiền mua máy cắt cỏ, để rồi 1 tháng 2 lần anh cùng người nhà bỏ công cắt, dọn dẹp xung quanh để con đường ấp được thông thoáng, sạch đẹp. Từ việc làm tự nguyện của anh Nghĩa đã giúp người dân xung quanh thêm ý thức trong bảo vệ môi trường. Ngoài ra, anh còn tự nguyện tham gia rất nhiều việc khác giúp bà con trong thời gian giãn cách xã hội, như: đi chợ hộ, xin lương thực thực phẩm hỗ trợ bà con hay tham gia tuần tra dân phòng hàng đêm.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh trao bằng khen cho các tập thể được tuyên dương (Ảnh: VIỆT DŨNG).

Đồng chí Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh trao Bằng khen cho các tập thể được tuyên dương (Ảnh: VIỆT DŨNG).

Lấy hạnh phúc, nụ cười làm động lực

Trong 101 gương tập thể, cá nhân được vinh danh năm nay, có chàng sinh viên Trần Khánh Tường, sinh viên năm 2 Trường ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Dù tuổi đời còn rất trẻ, gia cảnh lại rất khó khăn, nhưng cách Tường suy nghĩ và hành động đã giúp nhiều người khó khăn trong xã hội thêm niềm vui và động lực vượt khó.

Nhiều đại biểu mắt rưng rưng khi biết gia cảnh Tường thuộc diện hộ nghèo, cha mẹ bệnh tật, ngoài đi học, Tường chạy xe ôm để có tiền trang trải học phí và cuộc sống, nhưng không ít lần Tường chạy các cuốc xe miễn phí để chở bệnh nhân khó khăn.

“Mình khó khăn, những vẫn còn nhiều người khổ hơn mình, nên trong khả năng của em, chia sẻ được gì cho mọi người thì em góp sức. Bởi em có sức trẻ, có nhiệt huyết nên em muốn được cống hiến và bởi công việc đó đem lại niềm vui, hạnh phúc cho em”, Tường chia sẻ.

Với suy nghĩ ấy, nên dù còn là sinh viên, Tường luôn tích cực tham gia các đợt khám bệnh, phát thuốc cho người nghèo, khám bệnh, tặng quà cho thiếu nhi khó khăn tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành do Đoàn trường tổ chức. Không chỉ vậy, từ khi trở thành sinh viên, Tường bắt đầu tham gia hiến máu nhân đạo.

Trước để giúp người, sau là để nhận những phần quà là bánh, sữa để Tường cùng nhóm bạn gom góp lại mang tặng trẻ em, người già cơ nhỡ, khó khăn. Và Tường lấy hạnh phúc, nụ cười của những người mình hỗ trợ làm động lực để tiếp tục.

Và trong Lễ tuyên dương những tấm gương thầm lặng mà cao cả năm nay, có một người thầy, vì thương ánh mắt trong veo của trẻ khuyết tật, mồ côi nên suốt 10 năm qua, dù trời nắng hay mưa cũng đều đặn chạy xe từ nhà đến trung tâm để dạy các em học vẽ.

10 năm trước, trong một lần đến thăm Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật, trẻ mồ côi TP. Hồ Chí Minh, khi ra về, tâm trí ông Nguyễn Văn Hoàng, giáo viên dạy vẽ cứ hằng sâu những ánh mắt ngây thơ, những nụ cười trong veo của “tụi nhỏ”. “Khi mà mình đến, mình thấy các em như vậy rồi thì không có cái gì để mà ngăn cản mình được hết”, ông Hoàng chia sẻ về cái duyên gắn bó với trẻ mồ côi, khuyết tật tại trung tâm từ đấy.

Không chỉ dạy vẽ, ông còn truyền ngọn lửa đam mê, tình yêu cái đẹp, sự tự tin để giúp các em vững bước vào cuộc sống. Nhờ sự tận tâm của ông Hoàng, một số trẻ khuyết tật đã có thể sống bằng cái nghề được ông truyền dạy. Với ông Hoàng, hạnh phúc nhất chính là được thấy các em tự tin, không còn mặc cảm với những khiếm khuyết bản thân.

Dù không thể tham gia trực tiếp lễ tuyên dương do đang ở xa quê hương nửa vòng trái đất, nhưng qua kết nối trực tuyến, ông Võ Tá Hân (Việt kiều Mỹ) khiến nhiều người xúc động khi chia sẻ việc làm lặng thầm trong đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, trồng người tại quê hương.

Từ năm 1988, trong chuyến về thăm quê nhà, thấy học trò quê hương còn thiếu nhiều sách để học tập, nghiên cứu, ông Võ Tá Hân quyết định tìm cách đưa kiến thức về Việt Nam thông qua chương trình tặng sách. Bền bỉ làm công việc ấy trong nhiều năm liền, niềm vui, hạnh phúc của ông Hân là học trò quê nhà thêm nhiều kiến thức, là những lá thư cảm ơn cũng như kể về thành công mà người được tặng sách gặt hái được.

Đồng chí Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh trao bằng khen cho các cá nhân được tuyên dương (Ảnh: VIỆT DŨNG).

Đồng chí Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh trao Bằng khen cho các cá nhân được tuyên dương (Ảnh: VIỆT DŨNG).

Trân quý những tấm gương thầm lặng

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh bày tỏ rất nhiều cảm xúc và gửi những tình cảm trân quý đến các tập thể, cá nhân là tấm gương tiêu biểu được bình chọn tuyên dương lần này.

Trong cảm xúc ấy, đồng chí Bí thư Thành ủy chia sẻ, năm trước, Lễ tuyên dương vừa diễn ra được hơn tháng thì đại dịch Covid-19 ập đến. TP. Hồ Chí Minh lao vào cuộc chiến đầy cam go, khốc liệt, chưa từng có. Chính trong nguy khốn, chúng ta đã nhìn được rõ hơn sức mạnh của tình thương, lòng nhân ái, nghĩa đồng bào với tinh thần “cả nước vì Thành phố, Thành phố vì cả nước”, đã thúc giục mọi người nắm chặt tay nhau vượt qua nghịch cảnh.

Qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông báo chí, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhắc lại đã có nhiều bài viết mang nội dung sâu sắc, truyền cảm hứng và năng lượng tích cực về gương người tốt, việc tử tế của người dân TP. Hồ Chí Minh. Cũng tại buổi lễ này, mọi người được trực tiếp giao lưu với những tấm gương điển hình tiêu biểu. Họ đã chia sẻ những câu chuyện, việc làm rất mộc mạc, chơn chất, vô tư mà nhẹ nhàng, xem đó như là niềm vui, lẻ sống của riêng từng người. Qua những câu chuyện đó đã làm lay động lòng người.

Đồng chí Nguyễn Văn nên - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ tuyên dương

Đồng chí Nguyễn Văn nên - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” (Ảnh: VIỆT DŨNG).

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đánh giá, những tập thể và cá nhân được bình chọn tuyên dương lần này là những bông hoa đầy hương sắc, rất đa dạng, phong phú về thành phần, nghề nghiệp, lứa tuổi, nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ đến từ cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, những người có tấm lòng thiện nguyện, công nhân, nông dân, học sinh - sinh viên, thầy thuốc, nhà giáo, cán bộ, chiến sĩ, văn nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân và người Việt Nam ở nước ngoài…

Dù vậy, đồng chí chia sẻ vẫn còn rất nhiều tấm gương ẩn khuất trong xã hội, chưa kịp phát hiện như chú sửa xe gắn máy, phóng viên lăn xả vào cuộc chiến chống dịch, anh chị em công nhân thức thâu đêm để dọn sạch đường phố…. Tất cả có một điểm chung, đó là tình yêu nước, tình yêu thương con người để thầm lặng cống hiến vì mọi người, vì cộng đồng, vì thành phố thân yêu của chúng ta.

Vùng đất Sài Gòn - Gia Định - TP. Hồ Chí Minh là nơi hội tụ người dân ở mọi miền Tổ quốc, cả những người từ phương xa đến trải qua hàng trăm năm từ độ “mang gươm đi mở cõi”. Các thế hệ cha ông đã mang chung một ý chí, ước mơ và khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, vì nhân dân. Đồng chí Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, điều đó đã tạo thành một tinh thần đoàn kết, nghĩa khí, một phong cách hào sảng, đời sống lạc quan, phong phú bao dung, phóng khoáng luôn hướng đến chân - thiện - mỹ. Tất cả đã hòa vào nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

“Những gương thầm lặng mà cao cả ngày nay góp phần bồi đắp thêm tâm hồn, tình cảm, nhân cách của chúng ta. Tự đáy lòng mình, tôi vô cùng nể phục và học tập”, đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ.

Sau lần tuyên dương này, đồng chí Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh yêu cầu tổng kết, rút kinh nghiệm và đề ra kế hoạch mới cho giai đoạn kế tiếp. Trong đó, đồng chí đã gợi mở nhiều nội dung quan trọng như suy nghĩ cách để tập hợp những tấm gương thầm lặng nhiều hơn, sâu rộng hơn và phủ khắp toàn Thành phố gắn với cuộc sống đời thường đang đổi mới từng ngày. Những người có nghĩa cử cao đẹp, việc làm tử tế thầm lặng, họ không phải tự kê khai thành tích để báo cáo. Cùng với đó, các thủ tục bình chọn càng đơn giản hơn, nhẹ nhàng hơn và có cơ chế khen thưởng người phát hiện, làm hồ sơ cho những tấm gương thầm lặng mà cao cả.

Bên cạnh đó, đồng chí lưu ý không để trùng lắp với các phong trào có cùng tính chất đối với phong trào thi đua yêu nước tại TP. Hồ Chí Minh; tiếp tục đổi mới nhiều mặt để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới tại TP. Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cùng với các cơ quan truyền thông có thêm nhiều chuyên trang, chuyên mục về gương “người tốt, việc tốt” để tôn vinh cái đẹp hàng ngày, mang năng lượng tích cực đến cuộc sống; đồng thời, phê phán những thói hư, tật xấu, để cái đẹp ngày càng lan tỏa nhiều hơn, làm cho chất lượng sống của người dân TP. Hồ Chí Minh ngày càng thêm tốt đẹp hơn.

Tại buổi lễ, 21 tập thể, 80 cá nhân được tuyên dương những tấm gương thầm lặng mà cao cả. Qua 5 lần tổ chức bình chọn, đến nay đã có tổng 130 tập thể, 448 cá nhân được tuyên dương.

Đây là những điển hình sống đẹp, sống có trách nhiệm với cộng đồng xã hội, có những việc làm thầm lặng trong cuộc phòng, chống dịch Covid-19, các hoạt động từ thiện xã hội, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh Tổ quốc, cứu trợ thiên tai, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, khuyến học khuyến tài. Trong đó có 2 gương là người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp cho quê hương.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất