Chiều 22-12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức Họp báo cung cấp thông tin về dịch Covid-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố tuần qua. Đồng chí Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì buổi họp báo.
|
Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: H.Hào).
|
Thưởng Tết 2023 bình quân 13 triệu đồng/người
Tại buổi họp báo, đồng chí Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: mức tiền thưởng bình quân trong Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cho công nhân là 12,88 triệu đồng, cao hơn 45% so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 là 8,88 triệu đồng.
Theo số liệu khảo sát hơn 1.078 doanh nghiệp với gần 221.745 lao động trên địa bàn Thành phố, mức thưởng Tết được thống kê như sau:
Đối với Tết Dương lịch 2023, tiền thưởng bình quân là 3,14 triệu đồng, thấp hơn 7,37% so với năm 2022 là 3,39 triệu đồng. Mức thưởng cao nhất được ghi nhận hơn 756 triệu đồng thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), mức thưởng thấp nhất là 930.000 đồng.
Cũng theo đồng chí đồng chí Nguyễn Văn Lâm: qua khảo sát, nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh trong năm còn nhiều khó khăn, đơn hàng giảm, doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động khó thu hồi công nợ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cố gắng thực hiện thưởng Tết cho người lao động theo quy chế thưởng, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động.
Ngoài tiền thưởng Tết cho người lao động, các doanh nghiệp có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 như tặng quà Tết, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón (hoặc hỗ trợ tiền tàu xe, tặng vé xe). Trong dịp Tết năm 2023, một số doanh nghiệp có kế hoạch tổ chức tất niên và có kế hoạch thăm hỏi người lao động có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức đón Tết cho người lao động chưa có điều kiện về quê trong dịp này.
Dự kiến vận hành toàn tuyến metro số 1 vào cuối quý II, đầu quý III-2023
Thông tin về việc vận hành thử nghiệm tuyến đường sắt metro số 1, đồng chí Nguyễn Quốc Hiển - Phó Trưởng ban phụ trách Ban quản lý Đường sắt đô thị, Giám đốc quản lý Dự án 1 cho biết: Việc vận hành thử nghiệm trên quãng đường 9km vào ngày 21-12 diễn ra thành công và đúng kế hoạch. Đây là bước số 6 trong kế hoạch 8 bước thử nghiệm, với lộ trình một nửa chiều dài tuyến đường sắt đô thị.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành lắp đặt các thiết bị và tiến hành tiếp tục thử nghiệm đoạn còn lại. Cụ thể là vào quý I và quý II của năm 2023. Dự kiến vào khoảng cuối quý II hoặc đầu quý III, sẽ đến bước cuối cùng là khai thác thử. Lúc đó tàu chạy và có đầy đủ nhân viên vận hành, điều độ, nhân viên nhà ga như chạy thật, trước khi Hội đồng kiểm tra nghiệm thu Nhà nước chấp thuận đưa công trình vào sử dụng”, đồng chí Nguyễn Quốc Hiển chia sẻ.
|
Đồng chí Nguyễn Quốc Hiển - Phó Trưởng ban phụ trách Ban quản lý Đường sắt đô thị, Giám đốc quản lý Dự án 1 trao đổi tại buổi họp báo (Ảnh: H.Hào).
|
Cũng theo đồng chí Nguyễn Quốc Hiển, việc kết nối Metro với các phương tiện khác là việc rất quan trọng. Trong dự án này, chúng tôi xây dựng 9 cầu bộ hành kết nối với 9 nhà ga băng qua xa lộ Hà Nội. Hiện nay các cầu bộ hành cũng đang ở giai đoạn bắt đầu triển khai xây dựng. Dự kiến vào cuối năm 2023 sẽ hoàn thành xong, cùng thời điểm đưa tuyến đường sắt đô thị số 1 vào khai thác vận hành.
Bên cạnh đó, mỗi nhà ga trong thiết kế có bố trí khoảng 1.500m2 diện tích bãi đỗ xe máy, có thể giữ được khoảng 500 xe máy. Sở Giao thông Vận tải cũng đang lập dự án đầu tư xây dựng, tăng cường cái kết nối bằng xe buýt cho tuyến đường sắt đô thị số 1, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dễ dàng hơn các nhà ga của tuyến Metro.
Hoàng Hào