Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện rõ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc “cả nước đồng lòng, toàn dân chung sức”, “tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.
* Về phía ta: Lực lượng khoảng 55.000 người, gồm: 5 đại đoàn (304, 308, 312, 316, 351); 2 trung đoàn pháo binh (45, 675); Trung đoàn pháo cao xạ 367; Tiểu đoàn hỏa tiễn (H6 sáu nòng); Tiểu đoàn ĐKZ 75mm và súng cối 82mm; 4 đại đội súng cối 120mm. Vũ khí của ta: 24 khẩu sơn pháo 7mm, 24 khẩu lựu pháo 105mm, 76 khẩu pháo cao xạ 37mm, 12 khẩu pháo hỏa tiễn H6 và 715 xe ô tô.
Với lực lượng gần 10 vạn người (cả bộ đội, dân công và lực lượng khác) cùng với quãng đường từ 300 đến 500km, việc tiếp tế vô cùng khó khăn. Với tinh thần tất cả dồn sức cho Điện Biên Phủ, trong chiến dịch, nhân dân các địa phương đã đóng góp 25.560 tấn gạo, 266 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền. Đồng bào Tây Bắc đã giao cả những rẫy lúa, nương ngô cho các đơn vị thu hoạch, để bộ đội ăn no, đánh thắng. Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn giã gạo ban đêm nuôi bộ đội, điều mà trước đó theo phong tục lâu đời rất kiêng kỵ. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lai Châu trước đây, nay là hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên đã tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ, của cải, vì mục tiêu chiến thắng, giải phóng đất nước, quê hương khỏi ách xâm lược; góp phần trực tiếp cùng quân, dân cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.
* Về địch: Lực lượng quân Pháp ở Điện Biên Phủ có 12 tiểu đoàn, 7 đại đội bộ binh (trong quá trình chiến dịch được tăng viện 4 tiểu đoàn và 2 đại đội lính nhảy dù), 2 tiểu đoàn pháo binh 105mm (24 khẩu - sau đợt 1 được tăng thêm 4 khẩu nguyên vẹn và cho đến ngày cuối cùng được thả xuống rất nhiều bộ phận thay thế khác), 1 đại đội pháo 155mm (4 khẩu), 2 đại đội súng cối 120mm (20 khẩu), 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng 18 tấn (10 chiếc M24 Chaffee của Mỹ), 1 đại đội xe vận tải 200 chiếc, 1 phi đội máy bay gồm 14 chiếc (7 máy bay khu trục, 6 máy bay liên lạc trinh sát, 1 máy bay lên thẳng). Lực lượng gồm khoảng 16.200 quân, được tổ chức thành 3 phân khu có công sự, trận địa kiên cố, vững chắc, liên hoàn với 49 cứ điểm, 8 trung tâm đề kháng. Ngoài ra Pháp còn có lực lượng không quân mạnh của Mỹ hỗ trợ thường xuyên.
* So sánh: Về quân số, tỷ lệ giữa địch và ta là: 3,3/ 1; súng pháo: 3,1/ 1. Riêng lực lượng không quân, Pháp có 1 phi đội máy bay 14 chiếc. Ta: 0
Các mốc thời gian chính liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ
* Ngày 14-1-1954, tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy chiến dịch phổ biến lệnh tác chiến theo phương án "đánh nhanh thắng nhanh" và dự định nổ súng ngày 20-1. Sau đó, ngày nổ súng được quyết định lùi lại đến 17 giờ ngày 25-1. Tiếp đó, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn lại 24 giờ, chuyển sang ngày 26-1.
Ngày 25-1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định lui quân. Sáng 26-1, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định hoãn cuộc tấn công, chuyển sang phương án “đánh chắc, tiến chắc”
Diễn biến
* Đợt 1: Từ ngày 13 đến 17-3. 17 giờ 5 phút ngày 13-3-1954, tiến công các cụm cứ điểm Him Lam. Ngày 17-3, ta đánh tiếp đồi Độc Lập, Bản Kéo và toàn bộ phân khu Bắc.
* Đợt 2: Từ ngày 30-3 đến ngày 30-4, quân ta đánh phân khu trung tâm, vây lấn, khống chế cánh đồng Mường Thanh. Trong giai đoạn này hai bên chiến đấu ác liệt, giành đi, giật lại các mỏm đồi A1, C1, D1…
* Đợt 3: Từ ngày 1 đến ngày 7-5: Việt Minh đánh dứt điểm dãy đồi phía đông và tổng tiến công tiêu diệt các vị trí còn lại. Để chống lại hệ thống hầm ngầm cố thủ không thể xung phong đánh chiếm được trên đồi A1, công binh của ta đã đào một hầm ngầm phía dưới và đặt 1 tấn thuốc nổ hất tung hệ thống hầm ngầm cố thủ cuối cùng. Chiều 7-5, quân ta tổng tiến công và bắt sống Tướng Đờ-cát Tơ -ri và toàn bộ Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm.
* Ngày 8-5-1954, Hội nghị Giơ –ne-vơ bắt đầu bàn về vấn đề Đông Dương.
Nguồn: Tư liệu