Công bố Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 đều cho thấy, Vĩnh Phúc tiếp tục xếp thứ hạng cao trong bảng xếp hạng: Tốp 16 tỉnh, thành có chỉ số PAPI cao nhất cả nước (trong đó xếp hạng cao nhất cả nước về chỉ số Cung ứng dịch vụ công); thứ 8 cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
* Sáng 12-4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng các đối tác đã công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022. Vĩnh Phúc tiếp tục lọt tốp 16 tỉnh, thành phố có chỉ số PAPI cao nhất cả nước với tổng điểm 44,30 điểm.
|
Hội nghị công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tại Việt Nam.
|
PAPI là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do UNDP tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009, đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân.
Chỉ số PAPI bao gồm 8 chỉ số lĩnh vực nội dung, 29 chỉ số nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu thành phần về hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố.
Báo cáo PAPI 2022 trình bày kết quả cung cấp hành chính công cấp tỉnh ở 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường và Quản trị điện tử.
Theo đó, năm 2022, với sự nỗ lực của các cấp uỷ, chính quyền trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong công tác quản trị và thực thi các chính sách, cung cấp dịch vụ công đáp ứng nhu cầu của người dân, Vĩnh Phúc tiếp tục lọt tốp 16 tỉnh, thành có chỉ số PAPI cao nhất cả nước với tổng điểm 44,30. Trong đó, cả 8 chỉ số nội dung của tỉnh đều có sự cải thiện vượt bậc so với năm 2021; 5/8 chỉ số nội dung của tỉnh thuộc nhóm các địa phương có thứ hạng cao. Đáng chú ý, với 8,31 điểm, Vĩnh Phúc xếp hạng cao nhất cả nước về chỉ số Cung ứng dịch vụ công.
* Trước đó, ngày 11-4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và Chỉ số xanh (PGI) cấp tỉnh năm 2022. Vĩnh Phúc nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2022.
|
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công trao Kỷ niệm chương và Giấy chứng nhận tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2022. Ảnh: TL.
|
Chỉ số PCI do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố.
Kể từ khi triển khai vào năm 2005 tới nay, đã có hơn 170 lượt doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI, phản ánh các khía cạnh đa dạng của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Năm 2022, báo cáo PCI được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ hơn 11.870 doanh nghiệp, trong đó có 10.590 doanh nghiệp tư nhân và và 1.282 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam.
Báo cáo PCI năm 2022 cho thấy, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao trong bảng xếp hạng. Tỉnh Vĩnh Phúc đạt 68,91 điểm, xếp vị trí thứ 8 về chỉ số PCI. Trong các chỉ số thành phần PCI, Vĩnh Phúc nổi bật ở vị trí thứ 4 cả nước với chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Năm 2022, với nhiều giải pháp đồng bộ, những bước đột phá trong chỉ đạo điều hành, bức tranh kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc đã có nhiều gam màu sáng: Tốc độ tăng trưởng lọt tốp 10 tỉnh, thành phố trong cả nước, đạt cao nhất kể từ năm 2014 đến nay và cao hơn bình quân chung của cả nước; thu ngân sách cũng vượt mốc 40.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Cùng với đó, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực vượt bậc nhằm nâng cao chất lượng điều hành, công tác cải cách hành chính cũng như cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.
Cũng trong báo cáo PCI 2022, lần đầu tiên VCCI và USAID giới thiệu và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh, như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương; trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp; mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác. Qua đó, khích lệ các tỉnh, thành phố trong cả nước quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách liên quan đến đầu tư và môi trường, định hướng các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường, thúc đẩy nhiều dự án xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn, hướng tới định hướng xanh và phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Kết quả công bố của năm đầu tiên cho thấy, 3 địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số PGI lần lượt là Trà Vinh, Lạng Sơn và Bắc Ninh. Vĩnh Phúc xếp thứ 9 trong bảng xếp hạng này với tổng điểm 16,35.
PV