|
Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc tháng 10 và 10 tháng năm 2022. Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc.
|
Năm 2022, mặc dù chịu tác động của tình hình suy thoái kinh tế thế giới và dịch bệnh, song với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc đã phục hồi khả quan, tăng trưởng kinh tế ước năm 2022 tăng 9,2-9,8% so với năm 2021, là mức tăng cao nhất từ năm 2014 đến nay.
Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với Nghị quyết 57 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Ước tính hết năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 35.700 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2021.
Thu hút đầu tư ước đạt 450 triệu USD vốn FDI và 12.500 tỷ đồng vốn DDI, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 đứng thứ 5 cả nước, tăng 24 bậc so với năm 2020. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển mạnh; các chế độ, chính sách xã hội, an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng an ninh được giữ vững. Ước năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 19.730 lao động, trong đó, đưa 781 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
Theo thống kê, tính đến hết tháng 9-2022, Vĩnh Phúc có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào tỉnh với 442 dự án FDI, tổng vốn đăng ký trên 7,3 tỷ USD. Nhiều nhà đầu tư có dự án lớn đang hoạt động hiệu quả và rất thành công tại tỉnh trong các lĩnh vực sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử, sản xuất ô tô, xe máy. Nhằm tiếp tục thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường từ các nhà đầu tư lớn, tập đoàn đa quốc gia, Vĩnh Phúc đã linh hoạt đổi mới, sáng tạo trong hoạt động xúc tiến đầu tư, nhất là các thị trường lớn, trọng điểm. Qua đó, quảng bá hình ảnh, vị thế của tỉnh đối với các nhà đầu tư.
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và những nỗ lực của Chính phủ trong việc ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung lãnh đạo thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, vì vậy, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Tính đến ngày 15-11, toàn tỉnh có 1.238 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 21.148 tỷ đồng, tăng 17,4% về số doanh nghiệp và tăng 86,96% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Việc thực hiện đăng ký doanh nghiệp được triển khai trực tuyến mức độ 3, 4 trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia được thực hiện và đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp so với việc nộp hồ sơ trực tiếp. Đáng chú ý, tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử tính đến 15-11 trên địa bàn tỉnh đạt hơn 98%.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho biết: Năm 2022, Vĩnh Phúc vượt qua nhiều khó khăn đã đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách cao, thu hút đầu tư tiếp tục đẩy mạnh; các chính sách an sinh xã hội, an ninh trật tự được bảo đảm. Điều quan trọng, nhận thức của hệ thống chính quyền các cấp cũng như toàn xã hội đã thay đổi rất nhiều theo chiều hướng phát triển tích cực.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhằm tạo bước đột phá trong năm 2023, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần kịp thời có những giải pháp, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Công tác giải ngân vốn đầu tư công; giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản; quyết toán các công trình, dự án đã hoàn thành; đẩy mạnh chất lượng xây dựng các công trình; kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng…
PV