Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, các cựu chiến binh ở huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc đã giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện nay trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc có trên 220 doanh nghiệp do các cựu chiến binh thành lập, trong đó có nhiều doanh nghiệp ở huyện Bình Xuyên, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động.
|
Những tấm gương cựu chiến binh tiêu biểu giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi ở huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Ảnh: TL.
|
Mang trong mình những phẩm chất cao quý của bộ đội Cụ Hồ, những người lính trở về sau các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vẫn luôn phát huy phẩm chất, đạo đức của người chiến sĩ cách mạng. Về với đời thường, những cựu chiến binh (CCB) hôm nay - người lính năm xưa lại tiếp tục hăng hái học tập, lao động sản xuất, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước. Ở Hội CCB huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều tấm gương như thế!
Các đồng chí đã phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, trung thành - đoàn kết - gương mẫu - đổi mới, xây dựng Hội CCB trong sạch, vững mạnh, góp phần cùng cấp uỷ, chính quyền, nhân dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, các CCB đã giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện nay trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc có trên 220 doanh nghiệp do các CCB thành lập, trong đó có nhiều doanh nghiệp ở huyện Bình Xuyên, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động.
Môi trường quân ngũ giúp người lính được tôi luyện kỷ luật thép, tinh thần quả cảm, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Những đức tính quý giá đó đã đi theo họ khi hoàn thành nghĩa vụ, trở về địa phương, thôi thúc họ tiếp tục cống hiến, đóng góp sức mình cho quê hương, đất nước. Như CCB Lê Thị Hương ở xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên. Đồng chí tham gia nghĩa vụ quân sự khi biên giới Tổ quốc vẫn còn tiếng súng. Hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương, lại đối mặt với cái đói, cái nghèo, bà bươn trải đủ nghề để kiếm sống nhưng vẫn không quên tham gia các hoạt động công tác xã hội ở địa phương. Năm 2012, khi có Luật Hợp tác xã (HTX) mới, bà được người dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nhân Lý. Bà đã cùng các xã viên chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa HTX không ngừng phát triển. Đến nay, số lượng xã viên HTX lên đến gần 2500 người, tổng diện tích canh tác gần 150ha, mang lại thu nhập ổn định cho các xã viên. Tận tình, tâm huyết, trách nhiệm… là những điều tốt đẹp các xã viên luôn nhắc đến khi nói về Giám đốc HTX Lê Thị Hương. Không quản nắng mưa lội ruộng, thăm đồng, bà Hương lo cho lợi ích của bà con xã viên như lợi ích của bản thân, gia đình mình. HTX là nhà, mỗi xã viên là mỗi người thân là điều luôn được CCB Lê Thị Hương tâm niệm.
HTX của CCB Lê Thị Hương hiện đang thực hiện theo chủ trương của tỉnh, đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng vào gieo trồng để dần hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. HTX đã thực hiện được liên kết giữa 4 nhà: nhà sản xuất, nhà khoa học, nhà cung ứng dịch vụ vật tư nông nghiệp và đơn vị tiêu thụ sản phẩm, giúp các xã viên yên tâm sản xuất. Hiệu quả của mô hình HTX kiểu mới Nhân Lý được đánh giá cao, rất nhiều HTX trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Để các hội viên CCB phát huy được năng lực, phẩm chất, tích cực tham gia giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Hội CCB huyện Bình Xuyên đã không ngừng tuyên truyền, vận động, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên để đưa ra các giải pháp hữu hiệu, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Về huyện Bình Xuyên, chúng tôi có dịp đến thăm trang trại chăn nuôi gà quy mô 3 vạn con của CCB Nguyễn Chí Hiệp (thôn Tam Hà, xã Thiện Kế). Ông Hiệp từng được Trung ương Hội CCB Việt Nam công nhận CCB sản xuất - kinh doanh giỏi cấp Trung ương năm 2018; được nhận Giải thưởng “Sao thần nông” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Giống như nhiều CCB khác, sau những tháng ngày thực hiện nghĩa vụ trong quân ngũ, trở về địa phương, hoàn cảnh kinh tế khó khăn luôn thôi thúc ông Hiệp phải tìm ra hướng đi để thoát khỏi đói nghèo. Năm 2008, gia đình ông Hiệp bắt tay vào xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gà. Lúc đầu chỉ 1000-2000 con, đến nay số gà trong trại của ông Hiệp lên đến hàng vạn con, thu nhập bình quân hằng năm cả tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6-10 lao động. Để có được những thành quả như hiện nay, đối với ông Hiệp đó là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ. Dù khó khăn muôn phần, nhưng ý chí, nghị lực của người chiến sĩ năm xưa đã giúp ông vượt qua tất cả…
Nói đi đôi với làm, không ngừng nỗ lực, cố gắng, sẻ chia… là những đức tính đáng quý, đáng trân trọng của những người CCB ở huyện Bình Xuyên nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung. Những “tấm gương sáng” giữa đời thường ấy đã góp phần lan tỏa những việc làm hay, hành động đẹp ra cộng đồng, để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Lê Dung