Vĩnh Phúc với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế
Đồng chí Phạm THị Hồng Nhung, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc

Đồng chí Phạm Thị Hồng Nhung, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc phát biểu tại Hội thảo khoa học về đào tạo, bồi dưỡng công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế (10-2022).

Những kết quả…

Từ khi tái lập tỉnh (1997) đến nay, cùng với việc triển khai các văn bản của Trung ương về chiến lược cán bộ, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản, chính sách về công tác cán bộ. Đặc biệt từ khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25-2-2008 về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 20-11-2019 về xây dựng đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025, đội ngũ CBCCVC của tỉnh từng bước được nâng cao về số lượng và chất lượng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định, đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ. Có được những thành tựu này chủ yếu là do công tác đào tạo, bồi dưỡng đã được chú trọng, quan tâm đúng mức.

Với nhiều chủ trương, giải pháp và đặc biệt chú trọng vào chính sách đào tạo, bồi dưỡng nên đến nay, Vĩnh Phúc có đội ngũ cán bộ các cấp cơ bản đạt và vượt chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm. Tính đến năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc có 27.631 CBCCVC. Trong đó, 100% CBCCVC tỉnh và huyện có trình độ chuyên môn đại học trở lên, trình độ sau đại học chiếm 45%; 100% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn theo quy định. Ngoài bằng chuyên môn, nhiều cán bộ đã phát huy tinh thần tự học, chủ động tham gia các khóa đào tạo đại học tại chức, vừa học vừa làm, đào tạo từ xa (chủ yếu các chương trình liên kết với các cơ sở đào tạo của tỉnh) hoặc các chương trình đào tạo sau đại học để có văn bằng 2, bằng thạc sĩ nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng phục vụ công tác. Nhiều cán bộ đã phát huy tốt sự năng động, sáng tạo, đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

Vĩnh Phúc đã từng bước mở rộng và nâng cao năng lực hợp tác, đa dạng chương trình hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cho CBCCVC ở nước ngoài. Là tỉnh đầu tiên trên cả nước tổ chức được các chương trình bồi dưỡng với nước ngoài cho giáo viên tiếng Anh các cấp học, nhằm chuẩn hoá giáo viên ngoại ngữ theo đề án của Chính phủ.

Tỉnh đã cử 32 cán bộ lãnh đạo đi bồi dưỡng kiến thức chuyên môn ở Trung Quốc và Đài Loan, nhiều cán bộ lãnh đạo của tỉnh được cử tham gia các khóa đào tạo ở các nước châu Âu do Trung ương tổ chức. Từ năm 2009-2012, có 194 CCVC được cử đi học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ tiếng Anh ở Phi-li-pin, 42 giáo viên của 7 cơ sở đào tạo nghề được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề tại Ma-lai-xi-a, 35 học sinh thi đỗ đại học trong nước được UBND tỉnh cử đi đào tạo một số chuyên ngành tỉnh cần.

Tuy nhiên, từ góc độ tiếp cận năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhận thấy, đội ngũ CBCCVC vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa thật sự sẵn sàng thích ứng với môi trường làm việc quốc tế. Thứ nhất, trình độ chuyên môn của CBCCVC chưa đồng đều. Tỉnh chưa có đội ngũ chuyên gia đầu ngành và đội ngũ CBCCVC giỏi cấp khu vực và quốc tế ở một số lĩnh vực quản lý mũi nhọn như: hành chính công, tài chính công, hoạch định chính sách, luật quốc tế, quản lý tài nguyên môi trường, quản lý, quy hoạch đô thị, quản lý nguồn nhân lực, quản lý du lịch, nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chính phủ điện tử, quản lý bệnh viện, quản trị trường học, sư phạm… Thứ hai, năng lực ngoại ngữ của đội ngũ CBCCVC còn hạn chế. Số CBCCVC có khả năng sử dụng ngoại ngữ trong công việc, phục vụ công tác chuyên môn và làm việc trực tiếp với người nước ngoài chiếm tỷ lệ rất thấp. Năm 2016, số CBCCVC cơ quan hành chính, đảng, đoàn thể có trình độ ngoại ngữ có thể làm việc với người nước ngoài khoảng 20 người, trong khi đó mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 06-NQ/TU là đến năm 2015 có 500-600 cán bộ quản lý, công chức có thể giao tiếp với người nước ngoài. Thứ ba, trình độ tin học của CBCCVC phục vụ cơ bản công việc thường ngày, chưa đạt đến trình độ làm chủ công nghệ. Thứ tư, khả năng sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học theo chuẩn quốc tế cũng như khả năng tham gia các đề tài nghiên cứu, hội thảo, tạp chí khoa học quốc tế còn rất khiêm tốn (qua khảo sát việc nghiên cứu khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế mới chỉ dừng lại ở đội ngũ CBCC thực hiện nghiên cứu sinh và tỷ lệ này là tương đối thấp).

Vĩnh Phúc hiện là một trong những điểm sáng của nền kinh tế trọng điểm phía Bắc, có sức thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tính đến năm 2020 có gần 400 dự án FDI thu hút trên 4.738 triệu USD đăng ký vào Vĩnh Phúc. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn các dự án FDI của tỉnh đạt 225,47 triệu USD. Bên cạnh ý nghĩa về phát triển và tăng trưởng kinh tế, đây chính là điều kiện tác động trước hết đến môi trường làm việc tại tỉnh. Việc thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ mang đến nguồn lực, công nghệ mà đặt ra các vấn đề về giao thoa tri thức, văn hóa, vấn đề quản lý nhà nước và xử lý các tình huống khi làm việc với đối tác nước ngoài ngay tại địa bàn tỉnh. Chính trong bối cảnh này, tỉnh cũng đã đặt những yêu cầu bước đầu về năng lực làm việc của đội ngũ CBCCVC trong môi trường hội nhập phải có đủ ba yếu tố: niềm tự hào nghề nghiệp và khát vọng được cống hiến; tầm nhìn toàn cầu và tư duy chiến lược; năng lực học hỏi và phương pháp làm việc biến năng lực, nỗ lực và nguồn lực thành thực lực.

Đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng

Để khắc phục những hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, BTV Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án số 06-ĐA/TU ngày 5-11-2021 về “Đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025”, trong đó đưa ra một số định hướng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, đồng thời đáp ứng được nhiệm vụ đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.

Đề án đặt mục tiêu xây dựng và phát triển đội ngũ CBCCVC, tạo chuyển biến căn bản về chất theo hướng chuyên nghiệp hóa, có trình độ chuyên môn cao, có năng lực quản lý, năng lực dự báo, hoạch định và tham mưu tổng hợp; sử dụng tốt ngoại ngữ, tin học, phương pháp, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp và lối tư duy mở đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Phát triển đồng bộ nguồn nhân lực, tập trung vào cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đội ngũ chuyên gia, hoạch định chính sách, đội ngũ CBCCVC thừa hành về các lĩnh vực quản lý nhà nước mà tỉnh còn thiếu.

Về đối tượng đào tạo, bồi dưỡng, bám sát chủ trương của Đảng đề ra tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Vĩnh Phúc xác định mục tiêu cán bộ lãnh đạo quản lý cấp tỉnh đảm bảo 15-20% dưới 40 tuổi, 25-35% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Như vậy,  việc đào tạo, bồi dưỡng đối tượng cán bộ lãnh đạo và cán bộ quy hoạch các chức danh này là yêu cầu bắt buộc, tiên quyết cho việc quy hoạch và bổ nhiệm.

Chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng đổi mới tập trung vào những nội dung như: (1) Nâng cao năng lực chuyên môn, pháp luật quốc tế. Trang bị kiến thức cho cán bộ phải bảo đảm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đủ tầm làm việc với đối tác nước ngoài; thông thạo luật pháp, quy định và thông lệ quốc tế… Đào tạo cán bộ có tư duy mở, cách tiếp cận giải quyết vấn đề chuyên môn, xử lý tình huống toàn cầu trên nền tảng chuẩn mực quốc tế được thừa nhận rộng rãi. (2) Bồi dưỡng kiến thức văn hóa quốc gia và quốc tế: Trong môi trường quốc tế, giao tiếp liên văn hóa trở thành một xu thế, việc am hiểu văn hóa của các quốc gia trong mối quan hệ song phương hay đa phương sẽ đem lại những lợi ích vô hình. Cán bộ phải thực sự am hiểu và tôn trọng các giá trị văn hóa khác nhau trên toàn cầu, nắm vững đặc thù văn hóa riêng, phong tục, tập quán của các đối tác để có cách ứng xử phù hợp. (3) Hoàn thiện phương pháp, phong cách làm việc: Chương trình bồi dưỡng cần cung cấp cho cán bộ có phương pháp làm việc khoa học, phong cách làm việc chuyên nghiệp, đúng thông lệ quốc tế, như kỷ luật, giờ giấc, chuẩn mực ứng xử...; những kỹ năng này cần được tích lũy thông qua đào tạo và rèn luyện thực tiễn làm việc với đối tác nước ngoài. Cán bộ cần phải học và vận dụng tốt nghệ thuật đàm phán, thương lượng, biết chia sẻ và tôn trọng các giá trị chung. (4) Nâng cao kỹ năng giao tiếp quốc tế, tham dự hội nghị quốc tế. Kỹ năng giao tiếp cần phải đa dạng và linh hoạt trong môi trường quốc tế, trong đó biết cách kết hợp ngôn ngữ giao tiếp bằng văn bản và bằng lời, hình thể. Trang bị các kỹ năng trao đổi, phản biện, đàm phán, tổ chức nhóm và làm việc nhóm… (5) Thành thạo ngoại ngữ và tin học. Đây là yêu cầu rất cần thiết vì ngoại ngữ và tin học được xác định là phương tiện, công cụ đắc lực trong việc nâng cao hiệu quả giao lưu, hợp tác quốc tế.

Việc đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng được chú trọng để vừa gắn đào tạo, bồi dưỡng truyền thống với các phương pháp mới dựa trên ứng dựng công nghệ thông tin và in-tơ-nét, xây dựng văn hóa tự học tập và thói quen học tập suốt đời cho CBCCVC. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng để góp phần thúc đẩy hiệu quả các chương trình bồi dưỡng quốc tế.

Những giải pháp cụ thể

Triển khai thực hiện Đề án đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 68-KH/TU ngày 8-2-2022 giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2022 đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Đặc biệt, để thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, Vĩnh Phúc đã quan tâm bố trí kinh phí với chính sách đặc thù, theo đó tại Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 3-8-2021 của HĐND tỉnh “quy định một số chính sách đặc thù xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút, trọng dụng người có tài năng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2022”, CBCC được tỉnh cử đi tham gia đào tạo, bồi dưỡng sau đại học; tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được hỗ trợ 100% học phí theo quy định hoặc theo hợp đồng do tỉnh ký kết. Trường hợp cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài còn được hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí một lượt đi và về từ Vĩnh Phúc đến các địa điểm đào tạo, bồi dưỡng.

Để tổ chức thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng CBCC đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, tỉnh đã xác định thực hiện một số giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, đặc biệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, quản lý nhất là người đứng đầu và trách nhiệm của học viên (CBCCVC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng) trong việc đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong toàn Đảng bộ tỉnh cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức tự học tập, rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải chuyển hóa nhận thức đó thành những chương trình hành động thiết thực, cụ thể trong việc học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thứ hai, nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC của tỉnh gắn chặt với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Theo đó, cần chú trọng rà soát rõ ngành, lĩnh vực cần ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng hiện nay, đảm bảo hài hòa giữa tri thức khoa học chuyên môn, kiến thức lãnh đạo, quản lý và kỹ năng cần thiết để giải quyết tốt các vấn đề, tình huống đặt ra trong môi trường quốc tế.

Công tác chiêu sinh, cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài cần chọn, cử theo hướng thực chất, đặc biệt ưu tiên lựa chọn những cán bộ trẻ, có trình độ năng lực, có khả năng tham mưu, đề xuất những giải pháp, cơ chế, chính sách mới, tạo sự đột phá trong lãnh đạo, điều hành, quản lý tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng.

Thứ ba, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường hợp tác đào tạo với các cơ sở đào tạo, tổ chức, chuyên gia có năng lực và uy tín. Cơ sở, đào tạo bồi dưỡng của tỉnh cần biên soạn tài liệu phù hợp với từng đối tượng, hài hòa giữa lý thuyết và thực hành. Chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên đào tạo, bồi dưỡng có trình độ, am hiểu hội nhập quốc tế và kinh nghiệm thực tiễn; tăng cường xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, báo cáo viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý có kinh nghiệm được học tập, làm việc với quốc tế. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nghiên cứu, lựa chọn đối tác là các các cơ sở đào tạo, tổ chức, cá nhân có năng lực, uy tín; các nước có nền kinh tế phát triển, có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, có những thế mạnh riêng theo từng lĩnh vực để gửi cán bộ đến học tập, nghiên cứu tiếp cận với tri thức, kỹ năng tiên tiến trên thế giới. Mở rộng mạng lưới hợp tác khoa học, giáo dục để tạo cơ hội cho cán bộ của tỉnh được tham gia nghiên cứu khoa học, hội thảo, tọa đàm, trao đổi học thuận, chuyên môn, học tập kinh nghiệm giúp tích lũy kiến thức, kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện quản lý chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh các chính sách đã ban hành, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích, tạo động lực cho cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với vị trí việc làm, xây dựng chế độ thu hút, khuyến khích bằng vật chất (lương, thưởng, ưu tiên,..) đối với những cán bộ năng động, có khả năng làm việc quốc tế như cán bộ có kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế, cán bộ thành thạo ngoại ngữ, tin học. Thực hiện đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng với nhiều hình thức: Đánh giá trong đào tạo; đánh giá ngoài (trước và sau đào tạo); thuê cơ quan, tổ chức đánh giá độc lập.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất