Một trong những mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII đặt ra là: “Phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I”. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh tập trung triển khai quyết liệt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) để tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước.
Hiểu một cách đơn giản nhất, tỉnh công nghiệp phát triển là tỉnh có nền công nghiệp phát triển và nền công nghiệp ấy phải mang lại hiệu quả xã hội to lớn, có tính bền vững và phục vụ tốt nhất cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Một trong những điều kiện tiên quyết để có một nền công nghiệp phát triển là phải có “đất dụng võ” cho các nhà đầu tư tiềm năng và chiến lược. Trong đó, “đất dụng võ” được hiểu là cơ chế, chính sách đủ thông thoáng, hợp lý để thu hút đầu tư và mặt bằng sạch để họ nhanh chóng triển khai các dự án trong thời gian sớm nhất.
Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, Vĩnh Phúc đã chứng minh được với nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và trên thế giới về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại linh hoạt của mình.
Tuy nhiên, về vấn đề bồi thường, GPMB, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhất định, gây ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp trên địa bàn.
Đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác bồi thường, GPMB đối với sự nghiệp xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh công nghiệp phát triển vào thời điểm năm 2025; phân tích rõ thực trạng cùng các nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến hiệu quả công tác bồi thường, GPMB của địa phương chưa được như ý, Vĩnh Phúc đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm nhanh chóng khắc phục những hạn chế, thiếu sót, quyết tâm lấy công tác GPMB làm đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn đưa nền công nghiệp tỉnh nhà sang một tầm cao mới.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh, nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ trong công tác bồi thường, GPMB có nhiều nhưng chủ yếu vẫn bắt nguồn từ nhận thức chưa đúng đắn của một bộ phận người dân có đất nằm trong diện bồi thường, giải tỏa và một số quy định của pháp luật về công tác bồi thường, GPMB chưa thực sự hợp lý, dẫn đến sự bức xúc của người trong cuộc.
Ví như Điều 62, Luật Đất đai năm 2013 phân biệt rõ các dự án thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất là: Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (như khu đô thị mới, khu công nghiệp,…); thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (như xây dựng căn cứ quân sự, cảng, sân bay quân sự…).
Với các dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì nhà đầu tư thực hiện công tác bồi thường, GPMB theo cơ chế giá thỏa thuận với người dân có đất thu hồi.
Do có sự chênh lệch lớn giữa giá đất Nhà nước thu hồi với giá đền bù của nhà đầu tư theo cơ chế thỏa thuận, dẫn đến nhiều trường hợp có đất thuộc diện được Nhà nước thu hồi yêu cầu bồi thường với giá cao hơn quy định và yêu cầu thỏa thuận.
Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai của một số chính quyền cấp xã, phường còn lỏng lẻo, dẫn đến việc đất công bị người dân lấn chiếm trong một thời gian dài, có trường hợp chính quyền không thể xác định nguồn gốc đất đai của các thửa đất bị thu hồi do hồ sơ bị thất lạc, hoặc do các sai phạm trong quản lý của các cấp chính quyền thời kỳ trước.
Đặc biệt, ở một số dự án cụ thể, quy trình thủ tục pháp lý của công tác thu hồi đất không thực hiện chặt chẽ, không công khai minh bạch, bộc lộ nhiều sai sót làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, gây mất niềm tin trong dân.
Ngoài ra, còn có tình trạng một số chính quyền cấp cơ sở ngại va chạm với người dân do không nắm vững các quy định của pháp luật về công tác thu hồi đất...
Để nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, tạo quỹ đất sạch sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới vào địa bàn, thời gian gần đây, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và sát thực tế như:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền với sự vào cuộc của tất cả các cấp chính quyền để người dân hiểu về quy định của pháp luật về các trường hợp dự án thuộc Nhà nước thu hồi đất.
Tăng cường công tác quản lý đất đai và nghiêm khắc xử lý trong các vi phạm đất đai. Nâng cao năng lực cán bộ trong các cấp chính quyền.
Công khai, minh bạch thông tin trong công tác quy hoạch, bồi thường, GPMB. Xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm tối đa quyền lợi cho người dân có đất thu hồi.
Kiên quyết thực hiện quy trình về kiểm đếm bắt buộc và cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp hộ gia đình có đất bị thu hồi không chấp hành quy định của pháp luật...
Với những biện pháp quyết liệt này, chỉ tính từ giữa năm 2019 đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã tổ chức cưỡng chế thành công hàng chục dự án với tổng diện tích lên đến hàng trăm ha, tổng nguồn vốn đầu tư của các dự án này có giá trị gần 10.000 tỷ đồng. Cùng với đó, thực hiện tuyên truyền vận động nhân dân tự giác bàn giao mặt bằng cho gần 100 dự án, với tổng diện tích hàng chục nghìn ha.
Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh, hiện trên địa bàn Vĩnh Phúc đang triển khai thực hiện 338 dự án, trong đó, có tới 130 dự án gặp khó khăn, vướng mắc về mặt bằng.
Việc chậm triển khai trong công tác GPMB dẫn đến nhiều hệ lụy như: Nhà nước chậm thu tiền sử dụng đất từ các dự án do chưa bàn giao được đất sạch cho các chủ đầu tư; quá trình đô thị hóa của tỉnh hướng tới mục tiêu đô thị loại I có nguy cơ bị chậm tiến độ; các nhà đầu tư thay đổi nhận thức tốt đẹp và thân thiện về địa phương...
Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2020, Vĩnh Phúc đã liên tiếp đón nhận nhiều tin vui khi thu hút đầu tư thành công nhiều dự án lớn với giá trị hàng trăm triệu USD như Dự án của Công ty TNHH Toto Việt Nam; Dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên - Giai đoạn 3; Dự án xây dựng cảng cạn Logistics ICD Vĩnh Phúc; Cụm công nghiệp Đồng Sóc…
Đây là những dự án trọng điểm của tỉnh trong giai đoạn trước mắt, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt và hiệu quả nhằm tạo niềm tin trong nhân dân nói chung, các nhà đầu tư nói riêng về một Vĩnh Phúc “nói được làm được”, một Vĩnh Phúc giàu có và phồn vinh trong tốp đầu khu vực phía bắc của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Quang Nam