Vĩnh Phúc hiện thực hóa lời căn dặn của Bác Hồ

TP. Vĩnh Yên hôm nay.

Được thành lập ngày 12-2-1950 trên cơ sở hợp nhất tỉnh Vĩnh Yên và tỉnh Phúc Yên. Vĩnh Phúc là tỉnh có lợi thế về điều kiện tự nhiên, là vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng sông Hồng với các tỉnh miền núi phía Bắc, con người Vĩnh Phúc cần cù và sáng tạo, đó là những tiềm năng to lớn, quan trọng để nhân dân các dân tộc trong tỉnh phấn đấu xây dựng Vĩnh Phúc thành một tỉnh giàu có, phồn vinh như lời Bác Hồ đã căn dặn khi Người về thăm tỉnh năm 1963.

Vĩnh Phúc là vùng đất có bề dày lịch sử với truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, nơi hội tụ của nhiều dân tộc anh em với bản sắc văn hóa đa dạng. Trong lịch sử nước nhà, dù ở thời kỳ nào Vĩnh Phúc đều có những đóng góp to lớn, làm rạng danh trang sử hào hùng của dân tộc, tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào mùa Xuân năm Canh Tý (năm 40 sau Công nguyên), mở đầu cho các cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự chủ của dân tộc ta.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã kiên cường, anh dũng lập nên nhiều chiến công, cùng với Đảng, Chính Phủ và nhân dân cả nước làm nên những điều kỳ diệu ở thế kỷ 20, giành được độc lập – tự do, non sông thu về một mối, cùng cả nước bảo vệ vững chắc Tổ quốc và tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trong lao động sản xuất, người dân Vĩnh Phúc luôn cần cù, sáng tạo, lập nhiều thành tích xuất sắc để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đặc biệt với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chủ trương khoán hộ trong sản xuất nông nghiệp của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, đứng đầu là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc trong những năm 1960 đã tạo ra tiền đề rất quan trọng về lý luận, thực tiễn để Đảng ta nghiên cứu đề ra đường lối đổi mới của đất nước.

Cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng nối Vĩnh Phúc với thị xã Sơn Tây (TP. Hà Nội).


Sau khi tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập, ngày 1-1-1997, Vĩnh Phúc là một tỉnh nghèo, thuần nông với bộn bề công việc và khó khăn. Tỉnh vừa phải sắp xếp tổ chức cán bộ, vừa chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong hoàn cảnh xuất phát điểm của nền kinh tế còn ở mức thấp, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 48% bình quân cả nước. Ngân sách thu trên địa bàn còn rất hạn hẹp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; tình trạng thiếu việc làm còn phổ biến ở cả thành thị và nông thôn. Hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở còn nhiều mặt hạn chế…

Trước những khó khăn, để đưa mọi hoạt động của tỉnh đi vào ổn định và phát triển, tỉnh vừa tập trung khắc phục những khó khăn trước mắt, vừa tiến hành kiện toàn hệ thống chính trị. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XII (nhiệm kỳ 1997-2000) đã xác định phương hướng chung phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đó là: “Đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế, nhất là đối với công nghiệp, sớm thoát khỏi tình trạng kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, tạo tiền đề cho sự phát triển ổn định, vững chắc sau năm 2000, thu hẹp khoảng cách so với bình quân chung của cả nước. Chuyển nền kinh tế theo hướng cơ cấu công nghiệp – nông nghiệp và dịch vụ. Phát triển kinh tế đi liền với bảo vệ môi trường sinh thái. Phát huy tiềm lực của các thành phần kinh tế để khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Kết hợp tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa xã hội, giải quyết tốt hơn về việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, xóa hộ đói, giảm hộ nghèo. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tăng cường an ninh quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, buôn lậu, ngăn chặn đẩy lùi các tệ nạn xã hội”.

Để đưa Vĩnh Phúc phát triển theo đúng định hướng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết một lòng, tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo đã quán triệt và vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện của tỉnh. Sau 23 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc phấn khởi, tự hào trước những thành tựu đã đạt được trên các lĩnh vực.


Một góc Khu Công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, xã Thiện Kế (Bình Xuyên).

Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, năm đầu tái lập, thu ngân sách đạt hơn 100 tỷ đồng, thu nhập đầu người bằng 48% bình quân chung cả nước; khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt… Đến nay, Vĩnh Phúc đã trở thành một trong số ít tỉnh, thành có giá trị sản xuất công nghiệp, tổng thu ngân sách nội địa cao; là trung tâm sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Từ khi tái lập tỉnh, kinh tế của tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ với nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh qua các giai đoạn luôn đạt ở mức cao; đặc biệt có năm tăng trưởng kinh tế đạt trên 20%. Bình quân giai đoạn 1997-2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 14,9%/năm; năm 2019 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,05%. Quy mô GRDP theo giá hiện hành của tỉnh ước đạt 118,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% và tương đương tăng 11 nghìn tỷ đồng so với năm 2018, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người đạt 102,5 triệu đồng/người/năm, gấp 1,5 lần so với bình quân chung của cả nước (năm 1997 quy mô nền kinh tế mới chỉ đạt 1,95 nghìn tỷ đồng; giá trị GRDP bình quân đầu người chỉ đạt 2,18 triệu đồng theo giá hiện hành). Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Trong đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự tăng nhanh tỷ trọng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài do chủ trương tập trung thu hút phát triển công nghiệp và đầu tư nước ngoài. Đồng thời, với chủ trương chuyển đổi, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được triển khai mạnh mẽ nên tỷ trọng khu vực nhà nước giảm; khu vực ngoài nhà nước được quan tâm và hoạt động ngày càng hiệu quả. Từ năm 1997 đến năm 2019, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp từ 48,27% xuống còn 7,37%; công nghiệp-xây dựng từ 13,98% lên 62,41%; dịch vụ từ 37,75% xuống còn 30,22%.

Từ một tỉnh phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, đến nay Vĩnh Phúc là một trong số những tỉnh, thành có số thu cao trong cả nước và có đóng góp cho ngân sách Trung ương. Năm 1997, kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh là 114 tỷ đồng; đến năm 2002 vượt mốc 1 nghìn tỷ đồng; đặc biệt từ năm 2004 Vĩnh Phúc đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp, điều tiết cho ngân sách Trung ương; năm 2009 thu ngân sách vượt mốc 10 nghìn tỷ đồng; đến năm 2014 đạt “mốc son” mới vượt 20 nghìn tỷ đồng; năm 2019 tổng thu ngân sách là 35.025 tỷ đồng (đạt 126%), trong đó thu nội địa là 30.962 tỷ đồng (đạt 128%). Với kết quả trên, Vĩnh Phúc được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh có số thu ngân sách nội địa đạt tỷ lệ cao so với cả nước, là một trong những tỉnh có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương trong nhiều năm qua.

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có những hướng đi mang tính đột phá, trở thành “điểm sáng” của cả nước về thu hút đầu tư. Với phương châm “Các nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, năm 1998 toàn tỉnh chỉ có 8 dự án FDI và 1 dự án DDI. Đến hết năm 2019 tổng số dự án còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 1.139 dự án. Năm 1997 tỉnh mới chỉ có 91 doanh nghiệp, vốn đăng ký 57 tỷ đồng thì lũy kế đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 10.693 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký trên 119 nghìn tỷ đồng.


Cây bưởi diễn đang mang lại nguồn thu lớn cho nhiều hộ nông dân tỉnh Vĩnh Phúc. Trong ảnh: Ông Đỗ Văn Kim, xã Trung Kiên (Yên Lạc) kiểm tra lứa bưởi Diễn sắp đến kỳ thu hoạch.

Nông nghiệp luôn được quan tâm và có nhiều cơ chế, chính sách, cách làm sáng tạo, đột phá, đi tiên phong trong cả nước. Việc phát triển đô thị và nông thôn đạt được thành quả quan trọng. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 25 đô thị, bao gồm 1 đô thị loại II (TP. Vĩnh Yên), 1 đô thị loại III (TP. Phúc Yên) và 23 đô thị loại V. Chương trình xây dựng nông thôn mới được đặc biệt quan tâm, đạt được những kết quả quan trọng. Hết năm 2019, đã có 112/112 xã đạt chuẩn NTM; có 2 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Yên Lạc và Bình Xuyên), 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Vĩnh Yên và Phúc Yên).

Lĩnh vực dịch vụ, du lịch đã khai thác lợi thế của tỉnh về các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tham quan, nghiên cứu lịch sử văn hoá và du lịch sinh thái kết hợp với tâm linh... Từng bước xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.

Trong giáo dục và đào tạo, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo theo hướng đổi mới, chất lượng được nâng cao. Công tác xã hội hóa giáo dục được chú trọng, phương thức đào tạo ngày càng được mở rộng, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và nâng cấp theo chuẩn quốc gia, chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được cải thiện. Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm. Hoạt động tư vấn, giới thiệu và giải quyết việc làm được tăng cường. Riêng năm 2019, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 24.433 lao động, tăng 6,2% so với kế hoạch, trong đó đưa 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Công tác xây dựng Đảng được tăng cường; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đảng viên được nâng lên. Quán triệt quan điểm xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong những năm qua, toàn Đảng bộ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương về xây dựng Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng được đảm bảo và giữ vững; kỷ cương, kỷ luật được thực hiện nghiêm; khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ được tăng cường; vai trò lãnh đạo của Đảng bộ được nâng lên, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân.

Công tác tổ chức xây dựng Đảng có nhiều đổi mới, được triển khai tích cực, hiệu quả. Đến nay, Đảng bộ tỉnh có 9 huyện, thành uỷ và 4 Đảng uỷ trực thuộc với 618 chi bộ, đảng bộ cơ sở, 2.912 chi bộ dưới cơ sở và hơn 6 vạn đảng viên  (năm 1997, Đảng bộ tỉnh có hơn 37 nghìn đảng viên). Thực hiện có hiệu quả việc duy trì, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ. Công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm được thực hiện nền nếp. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng, nhất là đối tượng nữ, người dân tộc thiểu số, quần chúng ở nông thôn, doanh nghiệp. Việc thực hiện Đề án 01-ĐA/TU, ngày 30-11-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021 đạt được kết quả quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh đã giảm được 4 đầu mối trực thuộc tỉnh; 210 đầu mối cấp phòng; giảm 132 cấp phó. Các huyện, thành phố hoàn thành việc sáp nhập Trung tâm bồi dưỡng chính trị vào ban tuyên giáo cấp ủy; phòng dân tộc, phòng y tế huyện vào văn phòng HĐND & UBND huyện; đài truyền thanh huyện vào trung tâm văn hóa thể thao huyện; tổ chức lại các trường phổ thông khắc phục tình trạng chồng chéo. 2/9 huyện thực hiện việc nhất thể hóa chức danh trưởng ban tổ chức huyện ủy đồng thời là trưởng phòng nội vụ và chủ nhiệm UBKT huyện ủy đồng thời là chánh thanh tra huyện. 7/9 huyện, thành phố thực hiện trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủỷ ban MTTQ. Thực hiện mô hình văn phòng cấp ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy...

Với những thành tích xuất sắc đạt được, từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Vĩnh Phúc vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2007, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2010, Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần 2) năm 2015, Huân chương Lao động  hạng Nhất năm 2017 và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Chặng đường 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc dù ở giai đoạn cách mạng nào cũng luôn phát huy truyền thống đoàn kết, tư duy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt lên thách thức, nỗ lực phấn đấu để đạt được những thành quả quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Từ những thành tựu to lớn của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, cùng những thành quả sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ghi nhớ và quyết tâm thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm tỉnh năm 1963: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất