Vĩnh Phúc: Thực hiện nhiều giải pháp đột phá nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên
Chi bộ Khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc tổ chức kết nạp Đảng cho 4 quần chúng ưu tú. Ảnh: Thu Nhàn

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 14-6-2013 về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên giai đoạn 2013-2020. Nghị quyết đề ra mục tiêu xây dựng, củng cố, phát triển, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, làm cho các tổ chức cơ sở đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là hạt nhân chính trị ở cơ sở, đủ sức giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trước hết là bí thư cấp uỷ, cán bộ chủ chốt ở cơ sở thực sự tiền phong, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, có phẩm chất đạo đức cách mạng, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Kiện toàn, sắp xếp đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Tập trung củng cố, xây dựng tổ chức đảng và kết nạp đảng viên ở những nơi chưa có tổ chức đảng, có ít hoặc chưa có đảng viên, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài khu vực kinh tế Nhà nước. Hoàn thiện mô hình tổ chức của các loại hình tổ chức cơ sở đảng theo hướng gắn tổ chức cơ sở đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 05-NQ/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành 2 Đề án. Đề án số 04-ĐA/TU ngày 5-5-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, giai đoạn 2014-2020 và Đề án số 04-ĐA/TU ngày 19-6-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng chi bộ đảng trong sạch, vững mạnh, giai đoạn 2017-2020. Qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU và 2 đề án trên đã mang lại những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc có 13 đảng bộ trực thuộc gồm 9 huyện, thành phố và 4 đảng bộ trực thuộc. Tổng số tổ chức cơ sở đảng tính đến 31/12/2020 là 598, trong đó: 262 đảng bộ cơ sở ( 105 đảng bộ xã, 15 đảng bộ phường, 16 đảng bộ thị trấn), 336 chi bộ cơ sở. Số chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở là 2.761, trong đó có 1.961 chi bộ trực thuộc các đảng bộ xã, phường, thị trấn và 08 đảng bộ bộ phận với tổng số 70.465 đảng viên.

Triển khai thực hiện hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU và 2 Đề án trên, cấp ủy các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết và Đề án, từ đó đã quan tâm đúng mức từ việc quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện đến việc thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Các tổ chức cơ sở đảng đã giữ vững và phát huy được vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở; lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên; các tổ chức đảng yếu kém được củng cố nâng cao chất lượng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương; công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ cơ sở được quan tâm, nhờ vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên rõ rệt.

Ngay sau khi BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết, đề án, ban thường vụ các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết; tổ chức các lớp cán bộ chủ chốt học tập Nghị quyết. Các cấp ủy cơ sở đã tiến hành phổ biến, quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên trong đảng bộ, chi bộ.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Qua đó đã giúp cho cấp ủy các cấp có những định hướng lãnh đạo, chỉ đạo sát với thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên.

Cấp ủy các cấp luôn quan tâm, chỉ đạo việc quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng và của cấp ủy cấp trên, gắn với triển khai các chương trình hành động của cấp ủy sát với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị để tổ chức thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát, gắn với sơ kết, tổng kết các nghị quyết của Đảng được tiến hành nghiêm túc, đúng kế hoạch và đạt hiệu quả cao, qua sơ kết, tổng kết đã kịp thời rút kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy.

Các cấp ủy hằng năm đều xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết và Đề án. Qua giám sát đã đánh giá những kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết, Đề án và có giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết và Đề án.

Phương thức lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng được đổi mới mạnh mẽ.

Đặc biệt là hoạt động của các đảng bộ xã, phường, thị trấn có những chuyển biến tích cực, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo toàn diện, có sự đổi mới về phương thức lãnh đạo, phong cách và lề lối làm việc. Đã thực hiện tốt công tác lãnh đạo xây dựng chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội cơ sở vững mạnh; lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân.

Cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là các đồng chí trong ban thường vụ cấp ủy đã luôn coi trọng rèn luyện phong cách làm việc khoa học, sâu sát cơ sở, đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân. Đến nay, 100% lãnh đạo xã, phường, thị trấn đã tổ chức đối thoại với dân theo định kỳ.

Các tổ chức cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh đã nhận thức đầy đủ hơn về vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở; về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của cấp ủy cơ sở. Từ đó đã lãnh đạo toàn diện các mặt công tác ở cơ sở; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong đảng. Chất lượng đội ngũ đảng viên được nâng lên.

Các cấp uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ đã tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; thành lập tổ công tác trực tiếp kiểm tra, giúp cơ sở khó khăn, yếu kém.

Cấp uỷ cơ sở đã kịp thời xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc, quy định Điều lệ Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp uỷ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, an ninh, quốc phòng. Đến nay, 100% các chi bộ, đảng bộ xây dựng được quy chế làm việc và thực hiện theo quy chế làm việc.

Các tổ chức cơ sở đảng đã đổi mới việc ra nghị quyết. Trên cơ sở các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản của cấp trên và căn cứ tình hình thực tế, các cấp uỷ đảng đã lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm và trọng điểm, vấn đề đang nổi cộm, có tính cấp thiết để xây dựng và ban hành nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; trong đó chú trọng ban hành các nghị quyết chuyên đề trên từng lĩnh vực. Các chủ trương, định hướng của tổ chức đảng luôn đảm bảo ngắn gọn, rõ chủ đề và những nội dung chủ yếu, tạo sự thuận lợi, nhất quán trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc hoàn thiện mô hình tổ chức của các loại hình tổ chức cơ sở đảng theo hướng gắn tổ chức cơ sở đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội. Thực hiện chuyển đổi một số mô hình chi bộ không phù hợp, hoạt động không hiệu quả.

Chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở được nâng lên

Chủ trương trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở được Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm và xác định là bước chuyển mang tính đột phá trong quá trình nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và các tổ chức chính trị- xã hội ở cơ sở. Để thực hiện chủ trưởng trên có hiệu quả, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện.

Đã thực hiện xét tuyển và tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy các trường đại học công lập đạt loại giỏi trở về làm việc tại cấp xã. Hằng năm, Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch luân chuyển và chỉ đạo các huyện, thành ủy xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ trẻ, cán bộ nữ có năng lực, trình độ về công tác tại các xã, phường, thị trấn để rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng.

Căn cứ vào quy hoạch cán bộ, hằng năm, các cấp ủy, tổ chức đảng đã xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo từng chức danh cán bộ đáp ứng với yêu cầu, tiêu chuẩn cán bộ theo quy định. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở được Tỉnh uỷ luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tạo mọi điều kiện tốt nhất để cán bộ, đảng viên có điều kiện theo học các lớp đào tạo dài hạn, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn, nhằm tạo ra nguồn nhân lực có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế...đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Cấp ủy cơ sở, chi ủy và bí thư chi bộ có năng lực, trình độ ngày càng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Công tác lãnh, chỉ đạo việc nâng cao chất lượng đánh giá, phân loại đảng viên luôn quan tâm chú trọng chỉ đạo. Cấp ủy các cấp tăng cường công tác kiểm tra, thẩm định việc đánh giá, phân loại đảng viên, điều chỉnh, uốn nắn kịp thời những thiếu sót, lệch lạc đảm bảo việc đánh giá trung thực, khách quan. Công tác đánh giá xếp loại đảng viên hàng năm dần đi vào thực chất.

Công tác phát triển đảng viên mới được quan tâm đẩy mạnh. Công tác lãnh đạo xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức tổ chức chính trị- xã hội khác để tập hợp quần chúng, phát hiện, lựa chọn những đoàn viên, hội viên ưu tú để bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng được thực hiện thường xuyên. Từ năm 2015- 2020 toàn tỉnh kết nạp được 11.051 đảng viên (trung bình mỗi năm kết nạp 2.210 đảng viên). Để khắc phục tình trạng số lượng đảng viên mới kết nạp hằng năm giảm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao chỉ tiêu kết nạp cụ thể cho các đơn vị, hằng quý có kiểm tra, đánh giá và đây là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại cuối năm của Đảng bộ.

Cấp uỷ cơ sở thường xuyên giám sát đảng viên về các mặt, kể cả đảng viên là cán bộ do cấp uỷ cấp trên quản lý. Phát huy có hiệu quả vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội trong việc vận động nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên ở địa bàn dân cư; tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND cấp xã bầu ra.

Tại đại hội đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020- 2025, toàn tỉnh có 597 tổ chức cơ sở đảng, có 3.517 đồng chí tham gia cấp uỷ cơ sở, trong đó nữ 787 đồng chí, chiếm 22% (tăng 3% so với nhiệm kỳ trước). Số cấp uỷ có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học 3.173 đồng chí, chiếm 86,36% (tăng 10,38% so với nhiệm kỳ trước). Trình độ lý luận chính trị, cao cấp và cử nhân 798 đồng chí, chiếm 22,7% (tăng 2.9 % so với nhiệm kỳ trước. Trung cấp, 2.357 đồng chí chiếm 67 (tăng 5,14 % so với nhiệm kỳ trước).

Bài học kinh nghiệm

Một là, xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và hệ thống chính trị, trước hết là trong tập thể BCH Đảng bộ, Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy ở cơ sở, là yếu tố quan trọng, quyết định thành công trong công tác nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng.

Hai là, cấp ủy các cấp tập trung lãnh, chỉ đạo đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ sở có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo chủ chốt là người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở; quan tâm quy hoạch, thực hiện quy hoạch; mạnh dạn tiến cử, phân công nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao tham gia vào cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, công chức ở cơ sở.

Ba là, xây dựng đội ngũ đảng viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng. Thường xuyên nâng cao chất lượng đảng viên, chú trọng tiêu chuẩn kết nạp đảng viên mới. Tăng cường quản lý, giáo dục, nắm chắc tình hình tư tưởng, phát hiện kịp thời những cán bộ, đảng viên vi phạm về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác; có biện pháp cụ thể trong việc phòng ngừa, giáo dục, giúp đỡ kịp thời.

Bốn là, đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng để kịp thời phát hiện, kịp thời uốn nắn những sai lệch, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, hạn chế của tổ chức đảng và đảng viên. Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Năm là, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Khen thưởng, biểu dương kịp thời những tổ chức cơ sở đảng và đảng viên có thành tích xuất sắc.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất