Cùng với việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh đã xây dựng chương trình hành động cụ thể, trong đó tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, khâu đột phá, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.
Tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XVI, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành khẳng định: Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và giai đoạn 2015-2020, tỉnh gặp không ít khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, song dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, sự điều hành sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm của UBND tỉnh và cả hệ thống chính trị, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Là điểm sáng trong công tác kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 cũng như thực hiện mục tiêu kép: vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm cuộc sống của nhân dân.
Điều đáng mừng là trong những tháng cuối năm 2020 và ngay sau thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, kinh tế của tỉnh đã có sự phát triển trở lại khá mạnh mẽ với nhiều dự án lớn được cấp chứng nhận đầu tư như: Dự án đầu tư của Tập đoàn TOTTO Nhật Bản tại Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc; dự án cảng cạn ICD Logistic tại Bình Xuyên,...
Bên cạnh đó là hàng loạt các công trình lớn được khởi công như: Dự án đầu tư mở rộng của Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 (VPIC1); dự án đầu tư mở rộng của Công ty INTER Flex, Yuong Poong Vĩnh Phúc thuộc Tập đoàn Yuong Poong Hàn Quốc tại cụm công nghiệp Đồng Sóc…; góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh từ -2,7% trong 6 tháng đầu năm, đến tháng 10-2020 đã đạt 0,69% và đến nay đã vươn lên 2,1%.
8/13 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra; GRDP bình quân đầu người đạt gần 105 triệu đồng/người/năm cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Cùng với đó, bộ máy của hệ thống chính trị cũng được tinh giản, gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực, giảm nhiều đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo và tăng tính hiệu quả, linh hoạt của hệ thống.
Đến nay, tỉnh đã giảm được 4 đầu mối trực thuộc tỉnh, 227 đầu mối cấp phòng; tinh giản được 2.822 biên chế và 11.415 người hoạt động không chuyên trách; thực hiện khoán xe công và giao tự chủ tài chính cho một số đơn vị sự nghiệp công lập.
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, năm đầu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, là năm tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trước bối cảnh nền kinh tế đất nước có nhiều thuận lợi đan xen và không ít những rủi ro, thách thức, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tập trung, năng động, sáng tạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Vĩnh Phúc đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá: Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, khai thông các nguồn lực đặc biệt là các nguồn vốn đầu tư công, tài nguyên đất đai, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, tạo động lực vững chắc cho tăng trưởng. Tập trung cao độ vào tháo gỡ nút thắt trong đầu tư công ngay từ khi xây dựng kế hoạch, quy hoạch, lựa chọn dự án, chuẩn bị đầu tư, thẩm định phê duyệt, mặt bằng. Cắt giảm tối đa các dự án không cần thiết; phân khai vốn ở mức tối thiểu để bảo đảm giải ngân 100%; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối. Rà soát lại toàn bộ các dự án đô thị đã cấp chủ trương đầu tư, kiên quyết xử lý thu hồi các dự án đã cấp chủ trương đầu tư từ 5 năm trở lên nhưng không thực hiện; làm tốt công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết...
Kiên quyết giữ 3 không: Không lấn hồ, không chặt cây phá rừng, không san phá đồi tự nhiên; xây dựng cơ chế quản lý, cơ chế điều hành, cơ chế phân cấp phù hợp theo hướng phân cấp, phân quyền, phân tiền, giao trách nhiệm và hướng tới cơ sở.
Dành tỷ trọng lớn trong chi thường xuyên cho an sinh xã hội; tập trung vào đổi mới công tác cán bộ, trong đó chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Xây dựng cơ chế thưởng, phạt nghiêm minh; thực hiện nghiêm quy định về văn hoá công sở. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm; tăng cường thanh tra công vụ, thanh tra hành chính, thanh tra đột xuất, thanh tra chế độ trách nhiệm...
Giảm tổ chức các hội nghị, cuộc họp không thật sự cần thiết; tăng cường đi kiểm tra thực tế tại cơ sở,...; thực hiện tốt cơ chế quản lý hiện đại theo hướng mở, quản lý theo kết quả đầu ra.
Trước mắt, trong quý I-2021 hoàn chỉnh xong 3 đề án: Chỉnh trang đô thị; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng và triển khai tổng thể đề án về môi trường.
Đồng thời, tập trung kiểm tra rà soát các vấn đề “nóng” như: Đất đai khu vực hồ Đại Lải; quy hoạch, cấp phép xây dựng tại thị trấn Tam Đảo; tình trạng khai thác đất; an ninh trật tự, ma tuý, mại dâm, cho vay nặng lãi, đặc biệt là công tác phòng, cháy chữa cháy.
Với truyền thống đoàn kết, hướng đi đúng đắn và quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Vĩnh Phúc quyết tâm khơi thông các nguồn lực, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế, từng bước đưa Vĩnh Phúc vươn lên tầm cao mới.
Mai Liên