5 kết quả nổi bật của Ngành Bảo hiểm xã hội trong năm 2019

Nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân được đặt ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của BCH Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành BHXH, việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong năm 2019 của Ngành BHXH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp 

Ước tính đến hết năm 2019, số người tham gia BHXH bắt buộc là 15,185 triệu người; BHXH tự nguyện là 551 nghìn người; bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) là 15,068 triệu người; BHTN là 13,343 triệu người; BHYT là 85,390 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số. Theo đó, cùng với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, số thu về quỹ BHXH, quỹ BHYT cũng không ngừng gia tăng với tổng số thu ước 361.549 tỷ đồng, đạt 100,54% kế hoạch cả năm.

Chú trọng phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW

Năm 2019, với sự nỗ lực lớn của ngành BHXH trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đã đạt được kết quả vượt bậc. Số người tham gia tăng mới trong năm 2019 đã bằng tổng số người vận động được của 10 năm trước đó. Tính đến hết năm 2019, toàn quốc có 551.000 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 281.000 người so với năm 2018. Đây là con số ấn tượng, có sự gia tăng đột biến bởi chỉ tính riêng số người tăng mới trong năm 2019 đã gần bằng kết quả 10 năm thực hiện chính sách này từ năm 2008 đến năm 2018. Cụ thể, năm 2008, năm đầu tiên thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, toàn quốc mới chỉ có 6.000 người tham gia, đến hết năm 2018 con số này là 270.000 người.

Hiện đại hóa để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách BHXH

Hiện nay, với gần 90% người dân tham gia BHYT, hơn 15 triệu người tham gia BHXH, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân theo tinh thần cải cách chính sách BHXH việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hiện đại hóa BHXH để nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia và hưởng BHXH, BHYT đã trở thành yêu cầu cấp thiết.

Trong năm 2019, BHXH Việt Nam đã tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính của Ngành, ban hành các Quyết định công bố thay thế, bãi bỏ các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực giải quyết hưởng các chế độ BHXH và chi trả các chế độ BHXH, BHTN (tổng số TTHC của Ngành tiếp tục được cắt giảm từ 28 xuống còn 27 thủ tục); Trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Đẩy mạnh cải cách TTHC, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, bảo đảm tính kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia có liên quan”.

Đẩy mạnh giám định điện tử chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia

Với yêu cầu và mục tiêu đề ra, BHXH Việt Nam đã tập trung triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong hầu hết các hoạt động nghiệp vụ, trong đó có giám định điện tử chi phí khám, chữa bệnh BHYT thông qua Hệ thống thông tin giám định BHYT. Theo đó, Hệ thống Thông tin giám định BHYT đã kết nối tới hơn 12.000 (gần 100%) cơ sở KCB BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc. Nhìn chung, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã mang lại hiệu quả lớn trong quản lý KCB, kiểm soát việc sử dụng quỹ BHYT và tạo lập cơ sở dữ liệu quan trọng để đánh giá, điều chỉnh chính sách (nếu như trước đây làm thủ công, chỉ có thể kiểm tra khoảng 10 - 20% hồ sơ, nhưng khi có hệ thống giám định điện tử có thể kiểm tra tự động 100% các hồ sơ yêu cầu thanh toán theo các quy tắc giám định, theo dõi phát hiện được tình trạng lạm dụng thẻ BHYT, chỉ định quá mức cần thiết; ứng dụng phần mềm cũng giúp bác sĩ kiểm tra quá trình KCB của bệnh nhân; chia sẻ thông tin, theo dõi diễn biến bệnh tật, kết quả xét nghiệm, các thuốc được chỉ định điều trị... đặc biệt giúp theo dõi kịp thời tình hình chi KCB, sử dụng nguồn kinh phí được giao, những phát sinh chưa hợp lý để kịp thời điều chỉnh).

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan trong hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành

Từ ngày 1-1-2016, cơ quan BHXH được giao bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT theo Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20-11-2014 và Nghị định số 21/NĐ-CP ngày 31-3-2016 của Chính phủ. Công tác thanh tra kiểm tra của Ngành BHXH ngày càng được quan tâm, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người thụ hưởng. Tính đến ngày 30-11-2019, BHXH Việt Nam đã tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng tại 8.574 đơn vị; kết quả: Phát hiện 29.050 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHTN, BHYT nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 127,4 tỷ đồng; 33.011 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 63,5 tỷ đồng; tổng số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp trong thời gian thanh tra là 880,9 tỷ đồng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất