Từ khi thành lập nước đến nay, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và an sinh xã hội (ASXH) luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Thực hiện đường lối đổi mới (1986) đến nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách ASXH, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để ổn định chính trị - xã hội, phát triển bền vững.
Năm 1992 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Điều lệ BHYT; năm 1994, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động, trong đó có quy định về việc hình thành quỹ BHXH tập trung, độc lập với ngân sách, tự hạch toán bằng sự đóng góp của chủ sử dụng lao động và người lao động và được Nhà nước bảo hộ. Cùng với việc đổi mới chính sách, ngày 16-2-1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/CP thành lập Ngành BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động với chức năng, nhiệm vụ chính là tổ chức thu - chi BHXH, giải quyết chế độ, chính sách và bảo toàn, đầu tư, tăng trưởng Quỹ BHXH. Ngày 24-1-2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg về việc chuyển chức năng tổ chức thực hiện chính sách BHYT từ Bộ Y tế sang BHXH Việt Nam.
Với 25 năm xây dựng, nỗ lực phấn đấu và liên tục trưởng thành, BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, có những đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo đảm an sinh xã hội của quốc gia.
Diện bao phủ BHXH không ngừng được mở rộng
Năm 1995 chỉ có 2,2 triệu người tham gia thì đến hết năm 2006 (năm đầu tiên triển khai luật BHXH) đã có 6,7 triệu người tham gia, và đến hết tháng 8-2019, con số này là 14,65 triệu người (tăng 1,2 lần so với năm 2006 và khoảng 5,7 lần so với năm 1995). Năm 2008, năm đầu tiên triển khai BHXH tự nguyện, mới chỉ có 6,11 nghìn người tham gia, thì đến tháng 8-2019, số người tham gia BHXH tự nguyện đã có khoảng 437 nghìn người (tăng hơn 70 lần). Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cũng tăng nhanh với 5,9 triệu người tham gia kể từ khi bắt đầu triển khai năm 2009 lên 12,9 triệu người ở thời điểm 8-2019. Đặc biệt, đến tháng 9-2018, số người và tỷ lệ tham gia BHYT trên tổng dân số tăng ấn tượng, vượt các chỉ tiêu được giao với trên 85,2 triệu người tham gia, tương ứng với tỷ lệ bao phủ 89,8% dân số, tăng 68,8 triệu người so với năm 2003 (năm mà chức năng thực hiện chính sách BHYT chuyển sang cho BHXH Việt Nam). Về số thu, từ tháng 6-1995 đến hết ngày 31-12-2018, số thu BHXH, BHYT, BHTN lũy kế toàn Ngành đạt trên 1,886 triệu tỷ đồng. Cùng với sự gia tăng của đối tượng tham gia, số thu BHXH, BHYT, BHTN cũng liên tục tăng theo thời gian, năm 2018 tổng số thu toàn Ngành đạt 332.006 tỷ đồng, tăng 11,26 lần so với năm 2006 và tăng 425,7 lần so với năm 1995.
Qua 25 năm hoạt động, Ngành BHXH đã giải quyết cho trên 112,5 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, trong đó: gần 2,5 triệu người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng; gần 10 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH một lần và hơn 100 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn (bao gồm: ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe). Qua gần 10 năm thực hiện chế độ BHTN, đã có gần 5 triệu lượt người lao động thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp; có trên 180.000 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề; hơn 1,39 triệu lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm. Trong lĩnh vực BHYT, từ năm 2003 đến 2018, Ngành BHXH, Ngành Y tế đã phối hợp để bảo đảm quyền lợi cho trên 1.748,5 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT, bình quân mỗi năm có trên 109 triệu lượt người thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT; riêng năm 2018 đã thanh toán chi phí KCB cho trên 176 triệu lượt người (tăng gần gấp 2 lần so với năm 2009) với tổng số tiền thanh toán gần 96 nghìn tỷ đồng (tăng gần 4 lần so với năm 2011). Trong 8 tháng đầu năm 2019 đã có 119,4 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT.
Trong khoảng 10 năm gần đây, Ngành BHXH luôn tập trung quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính; bộ thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi quản lý của Ngành BHXH được cắt giảm từ 263 xuống còn 27 thủ tục; thành phần hồ sơ giảm 32%; tiêu thức tờ khai, biểu mẫu giảm 42%; quy trình, thao tác thực hiện giảm 54%; thời gian giao dịch thực hiện TTHC về BHXH, BHYT của các doanh nghiệp giảm còn 51 giờ/năm … Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018, chỉ số nộp thuế, BHXH xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với Báo cáo 2017) và Việt Nam đứng thứ 4, sau Xin-ga-po, Thái Lan, Ma-lai-xi-a.
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT)
BHXH Việt Nam xây dựng các cơ sở dữ liệu tập trung toàn quốc về hoạt động quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, hồ sơ lưu trữ; cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH và các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên phạm vi toàn quốc; Hệ thống cấp số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình; Trung tâm Dịch vụ khách hàng phục vụ tư vấn, giải đáp cho người dân, người lao động các vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT... Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công. Cũng trong bảng xếp hạng này năm 2018, BHXH Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu, đánh dấu bước tiến đáng kể của ngành BHXH trong việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý. Đặc biệt, tại Hội nghị Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA) lần thứ 35 tháng 9-2018, BHXH Việt Nam đã được trao tặng giải thưởng về “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp” với sản phẩm “Hệ thống thông tin giám định BHYT”.
Nhị Hà