Nhờ có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã không còn phải vào rừng tìm lá để chữa bệnh hay ở nhà chờ chết vì không có tiền. Giờ đây bà con được chăm sóc sức khỏe miễn phí vì được quỹ BHYT thanh toán 100%, nhờ đó bà con có cơ hội kéo dài sự sống, nhất là khi mắc bệnh trọng. Một số trường hợp ở tỉnh Quảng Nam sẽ minh chứng rõ hơn vấn đề này.
Sinh sống tại thôn A-grồng, xã A Tiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, chàng thanh niên dân tộc Cơ Tu mang tên Pơ-loong A Pác là “cánh tay phải” của gia đình có 3 thế hệ chung sống. Ngoài làm rẫy, để lấy tiền chi phí cho hơn chục người trong gia đình, A Pác còn phải đi làm thuê ở các huyện, thị lân cận, ai thuê gì anh cũng làm, miễn sao gia đình bớt đói. Tưởng rằng nỗi khổ của chàng thanh niên chất phác chỉ có vậy, nhưng cánh cửa cuộc đời đã đóng sập khi anh nhận tin dữ. A Pác thường xuyên đau ốm, xuống bệnh viện (BV) huyện khám, không phát hiện bệnh gì. Bệnh viện huyện chuyển đi khám ở BV Đà Nẵng nhưng anh không có điều kiện để đi. Sau 3 tháng anh bị đau nặng hơn, xuống BV Bắc Quảng Nam, BV Bắc Quảng Nam chuyển đến BV Đà Nẵng, tại đây bác sĩ kết luận anh bị ung thư hạch. Cả gia đình A Pác lâm vào cảnh cơ cực vì "mạch sống" của hơn chục người bị đứt quãng, không biết trông đợi vào đâu, trong khi bố của anh cũng bị bệnh nặng, thường xuyên phải nằm viện. A Pác tâm sự: Tôi rất buồn vì tự nhiên bị bệnh và kinh tế gia đình không có, bố mẹ già thường xuyên đau ốm, 2 bố con ở viện, bố nằm ở BV huyện, tôi nằm ở BV Đà Nẵng.
Kể cho tôi nghe gia cảnh của gia đình, bà A Lăng Thị A-brơng – mẹ của Pơ-loong A Pác nước mắt cứ lăn dài trên khóe mắt. Cuộc đời bà đã nhiều bất hạnh, tưởng rằng khi về già sẽ được trông cậy cậu con trai, nay con mắc bệnh, cuộc sống của bà giờ biết trông cậy vào đâu? Nhà nghèo lắm, mọi người đều trông vào A Pác. Bố nó cũng phải nằm viện, nó còn phải nuôi 5 đứa cháu nữa. Từ khi nó bị bệnh, bữa ăn không đủ no, con cái nheo nhóc.
Rồi bà nhớ lại: Trước đây, nếu ốm đau, đồng bào Cơ Tu chỉ biết lên rừng hái lá về chữa, còn nếu bệnh nặng như A Pác chỉ biết nằm nhà chờ chết. Thế nhưng may mắn, nay nhờ có thẻ BHYT, con tôi được đi chữa bệnh ở những bệnh viện lớn mà không mất tiền. Bà rưng rưng: Cảm ơn Đảng, cảm ơn BHYT đã cho con tôi cuộc sống. Nếu không thì tôi đã mất con lâu rồi, nó không được như thế này đâu. Còn A Pác thì không dấu được niềm vui: Trải qua những khốn khó, tôi thấy BHYT mang lại rất nhiều lợi ích cho tôi, nếu không có thẻ BHYT, chắc tôi không thể có tiền chữa bệnh của mình, không còn được sống đến ngày hôm nay. Nhờ có thẻ BHYT mà tôi được khám bệnh thường xuyên, không mất tiền.
Gia cảnh chị Un Thị Nhét, dân tộc Giẻ Triêng ở xã Đắc Brê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cũng bi đát không kém. Thu nhập chẳng có gì ngoài vài sào rẫy, trong khi đó 2 vợ chồng lại ốm đau triền miên nên gia đình chị Nhét luôn đứng đầu trong danh sách hộ nghèo của xã. 3 năm nay, chị phải vào bệnh viên thường xuyên do căn bệnh cao huyết áp. Cách đây 2 tháng, chị bị đột quỵ nên được gia đình chuyển vào BV Bắc Quảng Nam, từ đó tới nay vẫn mê man, bất tỉnh. Chi phí chỉ trong 2 tháng điều trị lên tới hơn 100 triệu đồng nhưng tất cả đã có quỹ BHYT chi trả. Ông Hiên Văn Mướt – người nhà chị Nhét đã gửi lời cảm ơn: Nếu không có thẻ BHYT thì cũng không đến được đây đâu, nhờ thẻ bảo hiểm thôi. Nếu không có thẻ BHYT thì cũng không sống đến bây giờ. BHYT đã cứu cả gia đình tôi. Tôi xin cảm ơn!
Chị Un Thị Nhét hay anh Pơ-loong A Pác chỉ là 2 trong số hàng nghìn đối tượng là hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam được cấp miễn phí thẻ BHYT và hưởng chính sách này đã nói lên phần nào về những lợi ích thiết thực trong công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo niềm tin trong nhân dân về chính sách BHYT.
Thu Hà