Sáng ngày 6-2-2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT, BHTN tháng 2-2018. Đồng chí Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì Hội nghị (ảnh) đã thông tin với báo chí kết quả công tác trong tháng 1-2018 của Ngành BHXH, những quy định mới của BHXH thực hiện trong năm 2018; Tình trạng người lao động cầm cố sổ BHXH và hệ lụy sau đó.
Tại cuộc họp báo, BHXH Việt Nam cung cấp thông tin
một số điểm lưu ý về thẻ BHYT:
- Trường hợp thẻ BHYT ghi chưa đúng họ tên, ngày sinh, giới tính như Tờ khai của người tham gia, cơ quan BHXH có trách nhiệm điều chỉnh và đổi thẻ BHYT, người tham gia không phải cung cấp các giấy tờ để chứng minh.
- Trường hợp thẻ BHYT cũ còn giá trị sử dụng và đã đổi quyền lợi theo đối tượng có mức hưởng cao hơn, nếu được đổi thẻ cấp theo mã số BHXH (thẻ BHYT mới) không ghi đúng mức hưởng như thẻ cũ, người tham gia BHYT cần liên hệ ngay với cơ quan BHXH nơi cấp thẻ mới để điều chỉnh theo thẻ đã cấp trước đó mà không phải cung cấp thêm giấy tờ chứng minh.
- Trường hợp thẻ BHYT cấp theo mã số BHXH có thời điểm tham gia đủ 5 năm liên tục ghi chưa đúng, người tham gia cung cấp thêm thông tin về tên, địa chỉ của các đơn vị nơi đã có quá trình tham gia trước đó hoặc thẻ cũ (nếu còn lưu giữ) cho cơ quan BHXH nơi cấp thẻ. Cơ quan BHXH có trách nhiệm chủ động kiểm tra lại Danh sách, dữ liệu quản lý thu và kết hợp thêm với thông tin người tham gia có thể cung cấp để điều chỉnh dữ liệu và in thẻ BHYT mới cho người tham gia ngay trong ngày theo hướng dẫn tại Công văn số 238/BHXH-CNTT ngày 22-1-2018 của BHXH Việt Nam.
Một số giải pháp và yêu cầu đối với BHXH các tỉnh:
- Rà soát bảo đảm đồng bộ dữ liệu cấp mã số BHXH đúng quy trình trước khi in, đổi thẻ BHYT mới. Hạn chế tối đa các trường hợp thẻ cũ đã bổ sung thời điểm đủ 5 năm liên tục và chuyển đổi quyền lợi, khi đổi thẻ BHYT mới yêu cầu người tham gia bổ sung thêm hồ sơ.
- Trường hợp được BHXH Việt Nam phát hiện mã số BHXH cấp chưa đúng quy trình, dẫn đến trùng lặp thông tin hộ gia đình và nhân thân của người tham gia, ảnh hưởng đến quyền lợi BHYT, cơ quan BHXH phải liên hệ trực tiếp với người tham gia và đơn vị quản lý đối tượng để bổ sung, hoàn thiện chính xác thông tin định danh cho người tham gia theo đúng quy định của BHXH Việt Nam.
- Trường hợp cá nhân tham gia theo nhiều đối tượng khác nhau, cơ quan BHXH rà soát, xác định và phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin BHXH Việt Nam bảo đảm chỉ cấp 1 thẻ BHYT duy nhất theo đối tượng đầu tiên được xếp theo thứ tự các đối tượng quy định tại Điểm 2, Khoản 7 Điều 1 Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung Luật BHYT. Đồng thời, thông tin cho đơn vị đã lập Danh sách trùng để điều chỉnh giảm. Trường hợp sơ xuất để xảy ra cấp trùng thẻ BHYT phải thực hiện giảm dữ liệu giá trị sử dụng thẻ đó ngay khi phát hiện.
Tại cuộc họp báo, một vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian qua, nhất là trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 đã cận kề cũng được thông tin cụ thể - chính là
tình trạng người lao động cầm cố Sổ BHXH và những hệ lụy sau đó:Thời gian gần đây, tại BHXH một số địa phương như: Phú Yên, Vĩnh Long, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Đăk Nông… xảy ra tình trạng một số người lao động đem sổ BHXH đi cầm cố tại các hiệu cầm đồ, ngân hàng, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ BHXH mới. Vì vậy, việc cầm số sổ BHXH sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động, của người nhận sổ BHXH để cầm cố, ảnh hưởng đến cơ quan BHXH, doanh nghiệp có người tham gia BHXH.
Cơ sở pháp lý quy định trách nhiệm của người lao động: Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn không quy định việc cầm cố, thế chấp sổ BHXH và không quy định cấp lại sổ BHXH đối với trường hợp người lao động đem sổ BHXH đi cầm cố, chỉ cấp lại sổ BHXH do bị hỏng, mất.
- Tại Khoản 3, Điều 19 Luật BHXH quy định: Người lao động có trách nhiệm bảo quản sổ bảo hiểm xã hội.
- Tại Khoản 1, Điều 96 Luật BHXH quy định: Sổ BHXH được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH và là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH theo quy định của Luật này.
- Tại Khoản 2, Điều 97 Luật BHXH quy định hồ sơ cấp lại sổ BHXH trong trường hợp người lao động bị hỏng, mất sổ BHXH (không quy định đối với trường hợp cầm cố sổ BHXH).
- Tại Điều 3, Quy định về mẫu sổ BHXH ban hành kèm theo Quyết định số 1035/QĐ-BHXH ngày 1-10-2015 của Tổng Giám BHXH Việt Nam quy định: Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho người tham gia để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật; Người tham gia được cấp và bảo quản một sổ BHXH duy nhất; Trường hợp sổ BHXH bị mất, hỏng phải thông báo với cơ quan BHXH để xem xét cấp lại.
Những hệ lụy từ việc cầm cố sổ BHXHa) Đối với người lao động:
- Việc người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố được thực hiện theo thỏa thuận dân sự giữa người có sổ BHXH và người cầm cố sổ BHXH. Nếu người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ BHXH do bị mất, hỏng thì không thuộc đối tượng được cấp lại sổ BHXH theo quy định Quyết định số 1035/QĐ-BHXH ngày 1-10-2015 và Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14-4-2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, vì vậy cơ quan BHXH sẽ không cấp lại sổ BHXH đối với trường hợp này.
- Nếu người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ BHXH với lý do bị mất, hỏng, nếu cơ quan BHXH phát hiện thì người lao động sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 27 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22-8-2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với hành vi kê khai không đúng sự thật.
b) Đối với người, đơn vị nhận cầm cố sổ BHXH:
- Theo quy định tại Điểm 2.2, Khoản 2, Điều 28 Quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 636/QĐ-BHXH ngày 22-4-2016 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Khi giải quyết hưởng BHXH một lần phải kiểm tra, đối chiếu các yếu tố về nhân thân, số sổ BHXH, dữ liệu về quá trình đóng BHXH của người lao động đảm bảo không giải quyết hưởng trùng. Khi cơ quan BHXH quyết chế độ BHXH cho người lao động phải căn cứ trên dữ liệu về quá trình đóng BHXH của người lao động trên phần mềm nên chỉ giải quyết chế độ 1 lần, không thể giải quyết trùng lần nữa được.
- Tại Khoản 3, Điều 19 Luật BHXH quy định: “Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH…”. Pháp luật về BHXH không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian người lao động tham gia BHXH. Điều này có nghĩa, chỉ người nào tham gia BHXH thì người đó hoặc thân nhân của họ mới được hưởng quyền lợi liên quan. Vì vậy, nếu người lao động cầm cố sổ BHXH, sau đó được cơ quan BHXH cấp lại sổ BHXH vì lý do bị mất sổ BHXH và đem sổ BHXH cấp lại đi giải quyết BHXH một lần, khi đó người cầm cố sổ BHXH sẽ không thể đem sổ BHXH nhận thế chấp đi giải quyết BHXH một lần mặc dù có giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật. Trường hợp, người lao động tham gia BHXH nếu gặp rủi ro (trong thời gian chưa hưởng BHXH một lần mà qua đời) thì thân nhân của họ mới được hưởng chế độ tuất, người cầm cố sổ BHXH sẽ không được hưởng (quy định tại Điều 67, Điều 69 Luật BHXH).
Thu Huyền