Sau 25 năm triển khai, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đã góp phần quan trọng bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe (CSSK), đó là định hướng nhân văn của Ðảng và Nhà nước ta. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tiến tới BHYT toàn dân và đạt mục tiêu mà Nghị quyết số 20 của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII đề ra là thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân.
Bao phủ CSSK toàn dân với BHYT toàn dân là giải pháp cơ bản, là định hướng, đích phấn đấu của nhiều quốc gia. Theo đó, mọi người dân được bảo đảm sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng khi cần và không phải chịu chi phí quá lớn khi sử dụng. Nguồn tài chính để thực hiện bao phủ CSSK toàn dân được lấy từ quỹ BHYT (Nhà nước tổ chức, với sự đóng góp của người dân) và ngân sách nhà nước.
BHYT toàn dân được đánh giá "như chất xúc tác" nhằm tái phân phối thu nhập, thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong CSSK nhân dân, giúp duy trì ổn định xã hội. Theo đó, mức đóng BHYT theo thu nhập nhưng hưởng theo nhu cầu điều trị bệnh. Tuy nhiên cũng cần xác định, bao phủ CSSK toàn dân không có nghĩa là quỹ BHYT chi trả tất cả, mà sự bao phủ được giới hạn bởi gói quyền lợi BHYT. Giới hạn để đạt bao phủ CSSK toàn dân là chi cho y tế tối thiểu phải đạt 70% chi phí y tế và chi tiền túi từ người bệnh cao nhất chỉ đến 30%.
Sau 25 năm thực hiện BHYT, chúng ta đã có khá nhiều bài học kinh nghiệm để ngày càng hoàn thiện hơn chính sách nhân văn này. Ðể đạt mục tiêu mà Nghị quyết 20 đặt ra, dựa trên kinh nghiệm thực tế trong thời gian qua, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cần thực hiện nhiều biện pháp. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước, trước hết cần rà soát, bổ sung và củng cố lại cơ chế pháp lý về BHYT, sửa đổi những điểm chưa hợp lý của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (Luật BHYT năm 2014). Kiên định thực hiện nguyên tắc bắt buộc tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT năm 2014. Ðây là nguyên tắc cơ bản để bảo đảm công bằng trong CSSK mà nhiều quốc gia đã và đang thực hiện. Ðó cũng là biện pháp để tránh sự "lựa chọn ngược", tức là chỉ người ốm và nguy cơ ốm mới tham gia BHYT. Cần tuyên truyền và tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân hiểu lợi ích và tham gia BHYT.
Từ khi thực hiện Luật BHYT năm 2014, đã tăng sự hỗ trợ của nhà nước (kể cả mở rộng diện cũng như tăng mức hỗ trợ) để có thêm nhiều người tham gia BHYT, nhất là người dân thuộc nhóm ưu tiên (người dân vùng biển đảo, đối tượng chính sách), khó khăn (hộ cận nghèo, người dân làm nông lâm, ngư nghiệp có thu nhập trung bình...). Tuy nhiên, do thủ tục chưa kịp thời cho nên nhiều người dân thuộc nhóm nông lâm ngư nghiệp có thu nhập trung bình vẫn chưa được công nhận về mức thu nhập để đủ tiêu chuẩn tham gia BHYT. Do đó, bên cạnh cải tiến về thủ tục hành chính để các đối tượng nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước và mở rộng diện Nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT, cần huy động sự tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể chính trị, xã hội để mỗi người có thu nhập giúp đỡ người thân, họ hàng và bạn bè tham gia BHYT.
Luật BHYT và Luật BHXH đã quy định rõ về nghĩa vụ tham gia BHYT và BHXH của người lao động, cơ chế xử lý hình sự nếu trốn đóng BHXH, BHYT. Tuy nhiên tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH và BHYT vẫn còn tỷ lệ cao. Vì vậy cần tăng cường tuyên truyền, xử lý để thực hiện nghiêm quy định của Luật BHYT, đồng thời cải tiến tổ chức đại lý phát hành thẻ BHYT, tận dụng mọi thời cơ thúc đẩy người dân tham gia BHYT.
Trong nhiều năm qua, có một số bất hợp lý vẫn tồn tại, đó là giao quỹ BHYT cho bệnh viện và sử dụng quỹ ở mỗi tỉnh phụ thuộc vào số thu BHYT (90% tổng thu BHYT dành cho quỹ khám, chữa bệnh) và điều kiện kỹ thuật y tế. Ðể BHYT thật sự mang tính chia sẻ, cần áp dụng bước đi và biện pháp để tiến tới thống nhất tương đối về định mức sử dụng quỹ BHYT theo tình trạng sức khỏe, giống như thống nhất giá dịch vụ y tế trên cả nước.
Từ khi áp dụng điều chỉnh giá dịch vụ y tế (năm 2016), do giá cao nên tình trạng lạm dụng quỹ BHYT được phát hiện ở nhiều nơi. Ngành BHXH tổ chức hệ thống giám định BHYT điện tử đã phần nào ngăn ngừa tình trạng này. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã tổ chức đấu thầu thuốc tập trung quốc gia, bước đầu đã tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng, nhưng điều cơ bản là tạo sự minh bạch, thống nhất về mặt bằng giá thuốc do quỹ BHYT chi trả, góp phần nâng cao chất lượng BHYT.
Thực tế mấy năm vừa qua, thuốc và vật tư y tế luôn chiếm khoảng 50% tổng chi phí khám, chữa bệnh (mỗi năm BHYT chi trả khoảng 35 nghìn tỷ đồng tiền thuốc), vì vậy mục tiêu của Chính phủ đã đặt ra là phải giảm tối thiểu 10% chi phí sử dụng thuốc. Hiện nay giá vật tư y tế cũng có sự khác nhau giữa các bệnh viện... do vậy bên cạnh tiếp tục đấu thầu tập trung quốc gia về thuốc, cũng cần tổ chức đấu thầu quốc gia đối với vật tư, thiết bị y tế. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần sớm xây dựng chiến lược mua dịch vụ y tế dài hạn do quỹ BHYT chi trả; tiếp tục mở rộng danh mục thuốc đấu thầu, đàm phán với hãng, công ty dược, thiết bị, vật tư y tế có tiềm năng để bảo đảm cung ứng giá hợp lý, bền vững.
Kinh nghiệm quốc tế và thực tế những năm qua ở Việt Nam cho thấy, giá dịch vụ y tế ngày càng tăng do nhiều nguyên nhân. Ðể bảo đảm quỹ BHYT chi trả mức hợp lý, phù hợp chính sách nhân văn của Nhà nước và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cần ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả, đồng thời có cơ chế nhiều bên tham gia khi quyết định đưa thêm hay bãi bỏ dịch vụ, thuốc do quỹ BHYT chi trả. Cuối năm 2017, Bộ Y tế đã ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản áp dụng tại y tế xã do quỹ BHYT chi trả. Thời gian tới cũng cần sớm ban hành Gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT áp dụng ở bệnh viện tuyến trên. Cần ban hành quy định cụ thể, rõ ràng để ngăn chặn, xử lý và quy trách nhiệm khi có hiện tượng lạm dụng quỹ BHYT.
Bên cạnh sửa đổi, bổ sung quy định về BHYT, cần sớm đổi mới hệ thống y tế để phù hợp định hướng BHYT và bao phủ CSSK toàn dân. Tập trung nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở. Phát triển y học gia đình gắn với y tế xã, coi bác sĩ gia đình gắn với y tế xã là nơi "gác cổng" đầu tiên để chăm sóc và chuyển người bệnh đến tuyến bệnh viện hợp lý. Triển khai các hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; chú trọng dự phòng, nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật; kết nối y tế cơ sở với các phòng khám tư nhân, phòng chẩn trị đông y, từng bước nghiên cứu sửa đổi để quỹ BHYT chi trả cho dịch vụ đó. Ðẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, giám định BHYT và sử dụng thẻ BHYT điện tử. Tạo cơ chế hợp lý về tự chủ để các bệnh viện phát triển công nghệ cao thu hút người bệnh, đồng thời kiểm soát hoạt động của các bệnh viện để bảo đảm sự công khai minh bạch, đúng hướng. Huy động nguồn lực xã hội để có thêm cơ sở y tế ngoài nhà nước tham gia cung ứng dịch vụ y tế. Nghiên cứu đề xuất bảo hiểm chăm sóc dài hạn để chuẩn bị thích ứng với xã hội có nhiều người cao tuổi...
Hiện nay phương thức chi trả chủ yếu dựa trên phí dịch vụ trong bối cảnh toàn bộ hệ thống cung ứng dịch vụ y tế công và tư đều có mục tiêu tối đa hóa nguồn thu từ phí dịch vụ y tế. Vì vậy cần sửa đổi và tiến tới áp dụng phương thức chi trả dịch vụ y tế hợp lý. Cần có chiến lược về áp dụng giá dịch vụ y tế, để nơi cần khuyến khích thì được cho hưởng giá cao, và ngược lại, áp cơ chế giá thấp.
Bảo hiểm y tế là giải pháp cơ bản và quyết định để đạt mục tiêu bao phủ CSSK toàn dân. Các quốc gia khi có thu nhập bình quân đầu người từ 1.000 USD/người/năm là có thể thực hiện chính sách BHYT để tiến tới BHYT toàn dân. Với nhiều chính sách xã hội ưu việt và nhân văn, thu nhập bình quân đã đạt hơn 2.600 USD/người/năm 2017, với hệ thống mạng lưới y tế cơ sở phủ khắp cả nước và hơn 25 năm kinh nghiệm thực hiện BHYT, chắc chắn chúng ta sẽ đạt mục tiêu bao phủ CSSK toàn dân. Việt Nam sẽ tiếp tục được đánh giá là quốc gia có chỉ số sức khỏe ở mức ngang bằng với các quốc gia có mức thu nhập cao gấp nhiều lần.
TS NGUYỄN VĂN TIÊN
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội