Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vì quyền lợi của nhân dân

Bảo đảm quyền an sinh xã hội của công dân

TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Có thể thấy, công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT năm vừa qua đạt được 3 dấu ấn quan trọng:

Đầu tiên kết quả nổi bật nhất là độ bao phủ của các đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Hiện đạt trên 86% dân số tham gia BHYT, đạt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 21–NQ/TW của Bộ Chính trị trước 02 năm. Về BHXH, hiện đạt xấp xỉ 14 triệu lao động tham gia. Từ đây có thể thấy, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước là đúng đắn, đã và đang đi vào thực tiễn cuộc sống một cách hiệu quả.

Thứ hai có thể khẳng định thành tựu của Ngành BHXH và cả hệ thống chính trị đó là hoàn thiện được hệ thống công nghệ thông tin và công tác cải cách thủ tục hành chính. Cho tới bây giờ, Ngành BHXH được đánh giá là Ngành thứ hai có nhiều thành tựu trong cải cách thủ tục hành chính, đây là một điểm sáng của BHXH Việt Nam.

Thứ ba là sự hài lòng của người dân với hai chính sách này. Người dân quan tâm nhiều hơn các vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT. Trước đây, người dân ít đề xuất, kiến nghị nhưng bây giờ chúng ta có thể thấy trong năm 2017, hai chính sách này được đề cập, phản ánh với mức độ nhiều hơn trên hầu hết các phương tiện truyền thông, báo chí.

Có được những kết quả trên là nhờ chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp 2013 - công dân Việt Nam có quyền được bảo đảm An sinh xã hội.... Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh đến sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và nhất là sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống các cơ quan báo chí, truyền thông trong năm 2017. Đây có thể coi là một trong những nguyên nhân tác động giúp chính sách của chúng ta đi vào cuộc sống.

PGS-TS. Nguyễn Quang Tuấn, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội: Những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT là thành tựu hết sức to lớn với sự tham gia, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Có được thành quả đó, chúng ta thấy không chỉ là con số mà là nhận thức của người dân, của các cấp, các ngành - thành quả đó ấn tượng hơn con số rất nhiều. Điều quan trọng ở đây chúng ta phải nhìn nhận là sự hài lòng của người dân. Rõ ràng, nơi này nơi kia chúng ta chưa được như mong muốn của người dân, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận có sự thay đổi tích cực và đáng ghi nhận trên các phương diện như ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu sức khỏe từ cơ sở đến Trung ương. Và đặc biệt, thông qua đánh giá của 93 tiêu chí cuối năm của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ hài lòng của người dân tăng lên, tin tưởng vào các dịch vụ y tế, trong đó các dịch vụ y tế do Quỹ BHYT thanh toán được người dân đón nhận và đang có những chuyển biến tích cực. Đây là những tiêu chí chúng ta phải nhấn mạnh rõ hơn trong bức tranh về BHXH, BHYT năm 2017 và định hướng trong năm 2018, từ đó có những bước tiến quyết liệt, quan trọng hơn, hướng tới làm sao để người dân tin tưởng tham gia một cách tự nguyện với BHXH, BHYT.

TS-BS. Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế: Đến thời điểm này chúng ta có thể khẳng định rằng BHXH, BHYT trở thành nhu cầu tất yếu đối với mọi người dân, gia đình và cả cộng đồng xã hội. Đối với gia đình, không ai chắc chắn rằng rủi ro, biến cố có xảy ra với mình hay không và nếu có sẽ xảy ra ở thời điểm nào, mức độ ra sao. Như vậy, mọi người cần phương tiện, công cụ để dự phòng và ứng phó với những biến cố trong đời sống xã hội. Chính sách BHXH, BHYT đã và đang giúp người dân làm được điều này.

Xét trên phương diện cộng đồng, với tỷ lệ tham gia BHYT khoảng 86%, chúng ta có thể thấy ý thức trách nhiệm của người dân, của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội được tăng lên. Qua đó thể hiện được mục tiêu công bằng, ổn định và phát triển an sinh xã hội. Người tham gia BHYT có thể yên tâm về việc có một công cụ, phương tiện hỗ trợ mình khi không may đau ốm phải đi khám, chữa bệnh, bởi thẻ BHYT sẽ giúp việc tiếp cận dịch vụ y tế thuận lợi và kịp thời. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, việc Quỹ BHYT đảm bảo chi phí cho y tế góp phần tạo sự yên tâm trong lao động, sản xuất, đời sống và gián tiếp góp phần tăng năng suất lao động.

Nhìn từ góc độ kinh tế, hiện không ít người đang được Quỹ BHYT chi trả lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng cho một lần khám, chữa bệnh. Với chi phí này, nếu không tham gia BHYT, đó sẽ là một gánh nặng rất lớn đối với gia đình và xã hội. Thậm chí nhiều người sẽ không thể có điều kiện tài chính tiếp tục điều trị. Như vậy, BHYT có hiệu quả rất rõ với từng cá nhân, gia đình.

Hài hòa lợi ích vì sự phát triển bền vững

TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Chúng ta đang đứng trước những thách thức hết sức khó khăn đối với hai chính sách về an sinh xã hội. Đối với BHXH, thách thức lớn nhất là độ bao phủ. Trong khu vực có quan hệ lao động hiện nay, mới có được gần 14 triệu người tham gia chiếm khoảng 60 - 70% tổng lực lượng lao động đang làm việc; vẫn còn 5 - 6 triệu người thuộc đối tượng này không tham gia. Bên cạnh đó, hiện đang có 70% lực lượng lao động phi chính thức, nhưng chỉ có 250 ngàn người tham gia BHXH tự nguyện.

Thách thức thứ hai là từ 01-01-2018, triển khai thực hiện một số quy định của Luật BHXH 2014. Theo đó, những người lao động hợp đồng từ 01-03 tháng, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc. Đây là thách thức lớn, với công tác tổ chức thực hiện như thế nào.

 Cũng từ ngày 01-01-2018, bắt đầu thực hiện quy định về hỗ trợ cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Chính phủ đã có Nghị định quy định chi tiết, người lao động thuộc hộ nghèo được nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, người lao động hộ cận nghèo được hỗ trợ 20%; các đối tượng khác được hỗ trợ 10%. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn cho cả đầu tư lẫn cho lĩnh vực chi thường xuyên, nguồn chi cho những chính sách an sinh xã hội sẽ gặp khó khăn hơn.

Với BHYT, độ bao phủ hiện đạt khoảng 86% nhưng thực tế 70% người tham gia trong số đó là được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Chỉ có 30% là người dân tự tham gia. Trong tổng nguồn thu của Quỹ BHYT, thu từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 40%. Từ đây có thể thấy rõ ràng nguồn thu BHYT có sự lệ thuộc vào ngân sách nhà nước. Thách thức thứ hai trong BHYT cần nhắc tới là hiện còn trên 13% chưa tham gia, trong đó có một số học sinh, sinh viên và người giàu, có thu nhập cao. Vận động nhóm này tham gia sẽ khó khăn. Như vậy, tính chất chia sẻ của BHYT chưa được phát huy, người có mức thu nhập cao chưa tham gia chia sẻ nhiều; trong khi tham gia lại chủ yếu là người không có điều kiện chia sẻ cho nhau. Thứ ba, hiện nay, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, y tế ngày càng cao nhưng mức đóng lại rất thấp, trong khi chúng ta lại đòi hỏi phải chăm sóc tốt nhất, gây áp lực cho các cơ sở khám, chữa bệnh.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương: Diện bao phủ BHXH của Việt Nam còn thấp, tỷ lệ lao động hưởng BHXH một lần cao, tỷ lệ đóng và hưởng đang có độ vênh dẫn đến nguy cơ mất cân đối Quỹ BHXH. Chính sách pháp luật về BHXH, BHYT chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, chế tài xử lý vi phạm còn bất cập và ý thức chấp hành của doanh nghiệp, ý thức tham gia của người dân chưa cao. Làm thế nào để giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động; ngăn ngừa hành vi trục lợi; bảo đảm cân đối Quỹ BHXH, BHYT.

Nếu Quỹ BHXH, Quỹ BHYT không bảo đảm chi thì ngân sách nhà nước phải bù vào. Do vậy, những giải pháp phải được tính đến là: tăng đóng quỹ; xác định cụ thể số lượng các đối tượng chưa tham gia, đối tượng tiềm năng… để đề ra giải pháp phù hợp để phát triển đối tượng; quản lý Quỹ phải chặt chẽ hơn, tránh tình trạng lợi dụng, trục lợi...

TS-BS. Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế: Trước đây ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các đơn vị, khối dịch vụ và các bệnh viện thì hiện nay chuyển sang chính sách hỗ trợ cho người tham gia BHYT. Do đó, vai trò của ngân sách nhà nước bảo đảm cho chính sách an sinh xã hội rất quan trọng. Hiện chúng ta đang phải đương đầu với những thách thức: Thứ nhất, làm thế nào để cân bằng giữa khả năng đóng góp, khả năng kinh tế, khả năng cân đối Quỹ BHYT đối với việc đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày một cao. Nhưng sẽ khó có một chính sách an sinh xã hội nào mà giải quyết được tất cả các vấn đề. Thứ hai, chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt là y tế tuyến cơ sở. Đây cũng là yêu cầu của sự phát triển, đồng thời đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe kịp thời, hiệu quả đối với người dân. Thứ ba, với nguồn lực hạn chế như vậy thì làm thế nào để sử dụng có hiệu quả quỹ này, không bị lãng phí, không bị những chi phí tốn kém không cần thiết.

Để khắc phục được những thách thức này, từ người cung ứng dịch vụ, các cơ sở khám chữa bệnh, người tham gia BHYT, mỗi cá nhân, thành viên có trách nhiệm trong xã hội đều phải ý thức tuân thủ pháp luật. Cần nâng cao năng lực chuyên môn, đổi mới cách thức tổ chức điều hành dịch vụ y tế để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nhất. Chúng ta đã có những bước đi ban đầu rất hiệu quả như việc công nhận kết quả xét nghiệm, kết quả chẩn đoán hình ảnh giữa các cơ sở y tế với nhau. Điều này vừa tiết kiệm chi phí vừa tiết kiệm được thời gian mà vẫn bảo đảm được chất lượng chuyên môn.

Bên cạnh đó, hoàn toàn có thể khắc phục bằng cách phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan BHXH ở các địa phương trong việc thực thi trách nhiệm pháp luật của mình.

Việc ban hành các hướng dẫn chuyên môn, các quy định về cung ứng dịch vụ y tế, quản lý BHYT, cũng sẽ đảm bảo chúng ta có đầy đủ các công cụ pháp lý, chuyên môn cần thiết phục vụ cho công tác quản lý cung ứng dịch vụ, công tác giám định BHYT. Qua đó góp phần kiểm soát chi phí một cách hiệu quả nhất.
Hệ thống công nghệ thông tin là công cụ hữu ích vừa để kiểm soát, vừa để các cơ sở khám chữa bệnh có thể chia sẻ trên hệ thống thông tin hoặc để cho những người tham gia BHYT, người dân có ý thức trách nhiệm hơn trong việc cầm tấm thẻ của mình.

PGS-TS. Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Năm 2017, đã thực hiện đóng BHXH căn cứ theo mức lương và các khoản phụ cấp. Từ 01-01-2018, mức đóng BHXH được căn cứ vào 03 khoản: Mức lương + phụ cấp + các khoản thu nhập bổ sung ổn định. Chính sách này nhằm giúp tránh trường hợp người lao động khi đi làm có thể có thu nhập tốt, nhưng khi nghỉ hưu thì mức lương hưu thấp, do mức đóng BHXH thấp. Thực ra trên hợp đồng lao động, hai khoản thể hiện rõ nhất là mức lương và các loại phụ cấp như phụ cấp gắn với công việc ổn định, phụ cấp độc hại, phụ cấp chức vụ và các loại phụ cấp khác, bao gồm phần lớn thu nhập của người lao động. Từ 1/1/2018, chúng ta chỉ thêm các khoản thu nhập bổ sung khác, có tính chất ổn định. Rất nhiều khoản không được tính vào đóng BHXH như thưởng, lương năng suất, hỗ trợ điện thoại, xăng xe, đi lại hay ăn trưa. Các phần này là thu nhập bổ sung có tính chất phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Về cơ bản, mức đóng BHXH của doanh nghiệp từ 01-01-2018 không tăng nhiều, thậm chí nhiều doanh nghiệp không có sự thay đổi gì. Mức đóng BHXH bình quân hiện nay chỉ 4,3 triệu đồng/tháng/người, cao hơn một chút so với lương tối thiểu là 3,940 triệu đồng.

Ở mức độ lương hưu thấp, chúng ta cần quan tâm điều chỉnh tăng tỷ lệ tương đối. Còn đối tượng ở mức lương hưu cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì không nhất thiết phải tăng 7-8% như những người chỉ có 1,3 triệu đồng lương hưu.

TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: về quy định lương hưu cho lao động nữ thực hiện từ năm 2018, có thể nhìn nhận như sau. Về mặt chính sách, bao giờ cũng có một lớp cắt ngang, thể hiện sự chênh lệch. Tôi lấy ví dụ giống như xác định phụ cấp khu vực, một đường kẻ ngang giữa một người được 0,7 một người có thể là 0%. Rõ ràng, sẽ có một số người chịu thiệt thòi rất lớn, nhưng nếu chúng ta không có lớp cắt này, có lẽ chúng ta kéo dài mãi chính sách không còn phù hợp. Khi sửa Luật BHXH 2014, Chính phủ định cho thực hiện như trước đây. Trước 2006, quy định nam và nữ từ 2016 trở lên đều là 2%. Sau 2006, chúng ta mới thấy cần thực hiện chính sách bình đẳng giới trong vấn đề này. Đến 2014, chúng ta mới thực hiện nguyên tắc xây dựng luật: đóng – hưởng. Sau 15 năm, vì với nam, mức độ chênh lệch còn ngắn nên kéo đến 35 năm phải có lộ trình trong 5 năm. Còn phụ nữ, chúng ta vẫn giữ ở tuổi về hưu, không thay đổi 5 năm. Từ năm 1993, lương cơ sở của khu vực hành chính tăng 10,87 lần. Lương tối thiểu vùng từ 2008 đến nay, vùng 1 tăng 4,5 lần, vùng 2 tăng 4 lần. Việc đó chính là điều chỉnh giảm dần “độ sốc” của giảm lương 1% của phụ nữ.

Nhưng rõ ràng, đến 01/01/2018, phụ nữ có thiệt. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam báo cáo đánh giá tác động. Theo đó, chỉ có 3.000 người bị tác động bởi 6% đến 10%, dưới 2%-4% giống nam giới, không ảnh hưởng gì. Tổng 3.000 người này không lớn, có cần sửa luật hay không? Quan điểm của chúng tôi là không nên sửa mà điều chỉnh bằng cách đề nghị Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Chính phủ, khi điều chỉnh lương cho người về hưu từ năm 2018 tăng 7%, không nên mang 7% đó tăng cho tất cả người về hưu. Chúng ta ưu tiên cho 3.000 lao động nêu trên để bù đắp thiệt thòi. Trong chính sách bao giờ cũng có sự công bằng tương đối nhưng về mặt vĩ mô, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp “giảm xốc”.

Về dài hạn, chúng ta cần rà soát toàn bộ hệ thống chính sách pháp luật trong hệ thống an sinh xã hội, trong đó chú trọng đến Luật BHXH và Luật BHYT để có thể xử lý vướng mắc và tạo ra sự năng động, linh động, nhằm mở rộng diện bao phủ BHXH đạt kết quả tương tự như BHYT. Cần thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và trên quan điểm, tư tưởng của Nghị quyết Trung ương lần thứ XII, thống nhất hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam có 4 trụ cột và chúng ta phải xây dựng hệ thống pháp luật dựa trên các trụ cột đó. Thứ nhất là chính sách liên quan đến phòng ngừa cho người lao động; Thứ hai là hệ thống pháp luật về giảm thiểu (tai nạn, bệnh tật, hết tuổi lao động, thất nghiệp...); Thứ ba là khắc phục khó khăn khi thiên tai dịch họa và cuối cùng là bảo đảm các dịch vụ xã hội tối thiểu cơ bản theo tinh thần Nghị quyết Trung ương XII (giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông...).

Cần phải thiết lập một sàn an sinh xã hội; thể hiện cụ thể trong BHXH gọi là sàn lương hưu tối thiểu; trong BHYT gọi là nhóm dịch vụ tối thiểu cơ bản để chăm sóc cho người dân.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phải lấy chất lượng để tạo sự hài lòng, để tăng độ hấp dẫn của BHXH, BHYT, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Coi việc mở rộng đối tượng, thực hiện chính sách an sinh xã hội phải là trách nhiệm của người dân, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhà nước bảo hộ. Không để người dân còn băn khoăn về lợi ích của việc tham gia BHXH, đi khám, chữa bệnh BHYT. Công tác truyền thông phải thay đổi tích cực hơn nữa để người dân nhận thức được rõ bản chất nhân văn và lợi ích thiết thực của BHXH, BHYT.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất