Quỹ bảo hiểm y tế cho tuyến y tế cơ sở ngày càng tăng

Tham gia phiên giải trình có các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Văn Hiếu; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu; Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh; cùng các nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực tế...

Toàn cảnh phiên giải trình

Đề cao vai trò của mạng lưới y tế cơ sở

Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Thành tựu lớn nhất của ngành Y tế trong thời gian qua là đã từng bước khôi phục, củng cố và phát triển được mạng lưới y tế cơ sở. Hiện cả nước có 11.400 trạm y tế (TYT) xã, bao gồm cả mạng lưới y tế thôn bản; gần 99% xã, phường và thị trấn đã có nhà trạm; 87,5% TYT có bác sĩ KCB; 97% TYT có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; gần 75% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là 96%.

“Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản đã được triển khai rất hiệu quả, sâu rộng như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em”- Bộ trưởng Tiến khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, một số TYT xã đã bước đầu thực hiện quản lý một số bệnh không lây nhiễm, mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… theo mô hình bác sĩ gia đình. Người dân đã tiếp cận và sử dụng nhiều hơn dịch vụ KCB tại tuyến y tế cơ sở. Đến nay, đã triển khai KCB BHYT tại khoảng 80% tổng số TYT. Đặc biệt, chất lượng KCB tại tuyến huyện ngày càng tăng, nhiều đơn vị đã thực hiện được các kỹ thuật của tuyến trên, góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân lên đến gần 50% số thẻ đăng ký KCB ban đầu tại BV/TTYT huyện.

Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình thực trạng KCB BHYT tại tuyến y tế cơ sở.

Tuy nhiên, y tế cơ sở (tuyến huyện và tuyến xã) còn nhiều hạn chế về chất lượng chuyên môn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, khiến người bệnh chưa tin tưởng và thường vượt lên tuyến trên, gây nên tình trạng quá tải tại BV tuyến tỉnh, tuyến trung ương. TYT xã chưa quan tâm đến phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như chưa sàng lọc, phát hiện được sớm các bệnh cho người dân... Điều này do tổ chức hệ thống y tế chưa ổn định, lúc nhập vào, lúc tách ra, chất lượng nguồn nhân lực còn yếu. Về nền tảng và tiềm năng, nhìn chung chất lượng chưa cao, chưa đồng bộ. Đầu tư cho y tế cơ sở còn thấp, có TYT rất xơ xác. Chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế chưa thỏa đáng...

Báo cáo về thực hiện trách nhiệm trong tăng cường chất lượng hoạt động y tế cơ sở, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh và phân cấp cho các huyện tổ chức thực hiện BHYT tại các cơ sở y tế, trong đó có tuyến y tế cơ sở. Đồng thời, hướng dẫn người tham gia BHYT lựa chọn nơi đăng ký KCB ban đầu, không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB. Năm 2017, đã có 61% số thẻ BHYT được đăng ký KCB ban đầu tại tuyến y tế cơ sở và năm 2018 là 71%.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam báo cáo về chi phí KCB BHYT tuyến cơ sở.

Trong giai đoạn 2010-2014, số lượt KCB tại tuyến xã tăng qua các năm, với tỉ lệ gia tăng bình quân 4%. Chi phí bình quân/lượt tại tuyến xã, huyện tăng mạnh qua các năm, trong đó chi phí bình quân tuyến xã của 6 tháng đầu năm 2018 gần gấp đôi so với năm 2014 và gấp rưỡi so với năm 2016. Chi phí bình quân tuyến huyện 6 tháng đầu năm 2018 gấp 1,8 lần so với năm 2015. Đặc biệt, cơ cấu chi phí đang có sự dịch chuyển tỉ lệ chi KCB từ tuyến trung ương xuống tuyến huyện (năm 2015 tỉ lệ chi tại tuyến trung ương chiếm 22,4%; năm 2017 chiếm 18% tổng chi KCB các tuyến). Trong khi đó, chi phí KCB tuyến tuyện, xã gia tăng (26,3% năm 2015 tăng lên 31,3% năm 2017).

“Hệ thống y tế cơ sở phát triển, giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được tăng cường; tăng khả năng tiếp cận DVYT của người dân. Người dân không phải đi lại tốn kém lên tuyến trên, gây quá tải tuyến trên và phải chờ đợi dẫn đến sự không hài lòng của người bệnh”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh khẳng định.

Cũng theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh, chất lượng KCB tại y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Tình trạng khám bệnh, kê đơn, cấp thuốc tại nhiều TYT xã còn bất cập; tình trạng chỉ định quá mức dịch vụ kỹ thuật diễn ra khá phổ biến tại các BV tuyến huyện, đặc biệt là việc kê thêm giường, kéo dài ngày điều trị nội trú, chỉ định thuốc, VTYT chưa hợp lý; không quản lý được tình trạng KCB vượt tuyến… Đơn cử, ở một số BV, bệnh nhân phẫu thuật Phaco phải nằm viện từ 5-7 ngày; đẻ thường nằm viện tới 5-6 ngày; hay có những bệnh nhân chỉ bị viêm họng nhưng y tế cơ sở vẫn giữ lại điều trị tới 3 ngày để được BHYT chi trả nhiều hơn.

Quyền lợi người tham gia BHYT luôn được bảo đảm

Dưới góc nhìn và kinh nghiệm thực tiễn của mình, ông Nguyễn Văn Tiên- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, TYT vắng bệnh nhân không phải do nhân lực y tế quá yếu, mà do việc khoán KCB BHYT cho tuyến xã tối đa 20%. Dù danh mục nhiều thuốc, nhiều dịch vụ như quy định tại Thông tư 39 về gói DVYT cơ bản, song cũng chạm trần 20%, nên người dân ít muốn đến TYT.

“Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách y tế, 31% trường hợp khám bệnh ở tuyến trung ương có thể giải quyết ở tỉnh, 41% KCB ở tuyến tỉnh có thể chữa ở huyện... Tuy nhiên, hiện chưa có quy định pháp lý để BV tuyến trung ương, tuyến tỉnh hạn chế nhận KCB cho bệnh nhân thông thường ở tuyến dưới”- ông Tiên dẫn chứng.

Cùng vấn đề trên, GS-TS.Phạm Mạnh Hùng- nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, dù đã có nhiều văn bản, nghị quyết đề cập và đầu tư kinh phí khá nhiều cho y tế cơ sở, nhưng hiệu quả chưa cao và chưa bền vững, chưa thấy chuyển biến rõ nét trong thực tế. Hiện, cơ cấu bệnh tật đã thay đổi, các bệnh không lây nhiễm phổ biến hơn nhiều so với trước, nhưng khuyết điểm của ngành Y tế là không kịp thời đưa nội dung các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, ung thư, tiểu đường- là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thay cho các bệnh truyền nhiễm) vào nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu. Điều này làm cho người dân ngộ nhận chăm sóc sức khỏe ban đầu chỉ là công việc vận động xây nhà vệ sinh, vệ sinh môi trường, tiêm chủng.

Do đó, GS.Phạm Mạnh Hùng đề nghị ngành Y tế phải xác định cụ thể nội dung hoạt động của y tế cơ sở; gắn chặt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu với các hoạt động như: Dự phòng, điều trị, phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe.

Tại phiên giải trình, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng đã trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc cơ sở y tế sử dụng nguồn tiền từ quỹ BHYT như thế nào. Theo Tổng Giám đốc, hiện nay, tiền cơ cấu tập trung cho người bệnh nhiều hơn. Cơ sở KCB cứ chi, nhưng Hệ thống giám định BHYT của cơ quan BHXH sẽ lưu lại toàn bộ dữ liệu liên quan và cơ quan BHXH sẽ có ý kiến đối với từng vấn đề sau khi việc đó diễn ra. Theo Tổng Giám đốc, quy trình chuyên môn cần phải thực hiện nghiêm. Cơ quan BHXH sẽ căn cứ vào các quy định của ngành Y tế để giám sát những vấn đề liên quan, như chi phí gia tăng bất thường.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng khẳng định, BHXH Việt Nam xác định luôn thực hiện đúng quy định của pháp luật, trong đó có việc thanh toán chi phí KCB BHYT. Trong thời gian qua, xuất hiện tình trạng không sử dụng hết định mức vật tư, chi phí tiền giường tăng lên nhiều. Do đó, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế thống nhất giảm định mức một số dịch vụ cao so với thực tế…

Liên quan việc đẩy nhanh thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cho biết thêm: Năm 2015, người cận nghèo tham gia BHYT được 3,1 triệu người; năm 2016 giảm còn 1,7 triệu; năm 2017 là 2,6 triệu và năm 2018 là 2,5 triệu. Số người cận nghèo tham gia BHYT giảm, là do sau khi thoát cận nghèo họ không còn được Nhà nước hỗ trợ tham gia, trong khi bản thân nhiều người cũng không đăng ký tham gia tiếp. Hiện, các địa phương đang tích cực hỗ trợ người cận nghèo tham gia BHYT, có nhiều địa phương hỗ trợ 30% mệnh giá còn lại của thẻ; có địa phương hỗ trợ 20%. Còn với hộ gia đình làm nông- lâm- ngư nghiệp, trong những năm qua tham gia BHYT tăng nhanh, là do công tác tuyên truyền vận động cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương. “Mong muốn các địa phương tiếp tục quan tâm để những đối tượng này tham gia BHYT, nhất là những địa phương có ngân sách lớn cố gắng để đẩy tỉ lệ này lên...”- Tổng Giám đốc đề xuất.

Liên quan các chính sách tài chính phục vụ cho y tế cơ sở, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết: Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan cùng các cơ quan của Quốc hội trình Ủy ban TVQH chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp, BHYT giai đoạn 2016-2018 và 2019-2021. Đồng thời, Bộ cũng chủ động phối hợp với Bộ Y tế và BHXH Việt Nam xây dựng giá dịch vụ KCB BHYT để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, cơ sở y tế và phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT.

V.Thu

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất