Thực hiện Kết luận số 24-KL/TW, ngày 5-6-2012 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW, ngày 5-11-2012 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình chỉ đạo các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện công tác rà soát quy hoạch đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác quy hoạch cấp ủy và các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2015-2020 ở các cấp, các ngành trong tỉnh. Thông qua việc quán triệt, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, các cấp uỷ đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã nhận thức rõ tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu, quan điểm, phương châm, phương pháp quy hoạch cán bộ; xác định rõ đây là khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Nắm rõ nguyên tắc, quy trình xây dựng quy hoạch cán bộ, thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch và đối tượng quy hoạch cán bộ ở cả 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở). Đặc biệt là mở rộng dân chủ trong phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ. Việc quy hoạch các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị và thực tế đội ngũ cán bộ trong tỉnh, gắn với các khâu khác trong công tác cán bộ, bảo đảm sự liên thông quy hoạch của cả đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; đánh giá đúng cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch. Quy trình các bước thực hiện xây dựng quy hoạch được thực hiện chặt chẽ, từ khâu phát hiện, giới thiệu nguồn quy hoạch; tổ chức lấy ý kiến cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị; bỏ phiếu giới thiệu quy hoạch; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét, giới thiệu bổ sung và biểu quyết, phê duyệt quy hoạch các chức danh cán bộ thuộc diện Tỉnh uỷ quản lý; công khai danh sách quy hoạch cán bộ.
Qua đó, chất lượng nguồn quy hoạch các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhiệm kỳ 2015-2020 được nâng lên. Cụ thể: Nguồn quy hoạch ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 là 103 đồng chí, đạt 1,90 lần so với số lượng ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đương nhiệm, trong đó, nữ chiếm 15,4%; 100% có trình độ chuyên môn đại học trở lên, trong đó, trình độ thạc sỹ, tiến sỹ chiếm 55,3%; trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân chiếm 97,1%, trung cấp chiếm 2,9%; độ tuổi bình quân 45,68 tuổi.
Nguồn quy hoạch ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020 là 25 đồng chí, đạt 1,66 lần so với số lượng ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đương nhiệm, trong đó, nữ chiếm 16,0%; 100% có trình độ chuyên môn đại học trở lên, trong đó, trình độ thạc sỹ, tiến sỹ 18 đồng chí, chiếm 72,0%; 100% trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân; độ tuổi bình quân 47,64 tuổi.
Nguồn quy hoạch các chức danh cấp trưởng, phó sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 là 542 đồng chí, nữ chiếm 21,03%; 100% có trình độ chuyên môn đại học trở lên, trong đó, trình độ thạc sỹ, tiến sỹ chiếm 36%; trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân chiếm 94%, trung cấp chiếm 6%. Nguồn quy hoạch các chức danh cán bộ cấp huyện diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhiệm kỳ 2015-2020 là 412 đồng chí, nữ chiếm 13,3%; 100% có trình độ chuyên môn đại học trở lên, trong đó, trình độ thạc sỹ, tiến sỹ chiếm 28,3%; trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân chiếm 92%, trung cấp chiếm 8%.
Công tác quản lý cán bộ trong nguồn quy hoạch được tăng cường. Hằng năm, căn cứ vào quy hoạch cán bộ, đối chiếu với tiêu chuẩn cán bộ, các chức danh quy hoạch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Hầu hết cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đều trong quy hoạch.
Cùng với công tác quy hoạch, Thái Bình đặc biệt chú trọng công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm đào tạo, rèn luyện cán bộ trong thực tiễn. Cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị “Về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; Kết luận số 24-KL/TW, ngày 5-6-2012 của Bộ Chính trị (khoá XI) về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28-5-2013 Hội nghị Trung ương 7 (khoá XI) "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở"; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2008-2015. Từ việc nhận thức đầy đủ mục đích, yêu cầu của việc luân chuyển cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Kế hoạch số 32-KH/TU, ngày 2-8-2012 về luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý giai đoạn 2012-2015; Quyết định số 1794-QĐ/TU, ngày 12-8-2014 về quy chế điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng; Đề án số 11-ĐA/TU ngày 7-11-2014 về luân chuyển cán bộ trẻ đương nhiệm và trong nguồn quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý về cơ sở; Thông báo số 271-TB/TU ngày 29-5-2012 về chủ trương luân chuyển, điều động, phân công một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện không phải là người địa phương đối với các chức danh: bí thư huyện ủy, thành ủy; chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, thành phố; viện trưởng viện kiểm sát nhân dân, chánh án tòa án nhân dân, trưởng công an huyện, thành phố.
Để đánh giá cán bộ sau khi hết thời gian luân chuyển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế đánh giá cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý sau thời gian luân chuyển với những tiêu chí rõ ràng, cụ thể. Để cán bộ luân chuyển, điều động yên tâm nhận nhiệm vụ mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành quy định chế độ hỗ trợ đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được luân chuyển, điều động trên địa bàn tỉnh.
Kết quả luân chuyển trong nhiệm kỳ qua: Cấp tỉnh về huyện 11, huyện lên cấp tỉnh 7, cấp tỉnh về xã 1, ngành này sang ngành khác 17. Qua việc chỉ đạo và thực hiện công tác luân chuyển đã tạo chuyển biến về nhận thức và tổ chức thực hiện công tác luân chuyển cán bộ tại các cấp ủy, tổ chức đảng; góp phần đào tạo, bồi dưỡng, thử thách và rèn luyện cán bộ và bổ sung đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương… Hầu hết cán bộ được luân chuyển đã trưởng thành về nhiều mặt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác được nâng lên, đặc biệt là có tư duy đổi mới, đúc rút được kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành.
Tiếp tục xác định công tác quy hoạch là khâu quan trọng và công tác luân chuyển là khâu đột phá trong công tác cán bộ, đúc rút những bài học kinh nghiệm trong công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã và đang triển khai công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý nhiệm kỳ 2015 – 2020 và quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý nhiệm kỳ 2020-2025. và luân chuyển cán bộ ban hành Kế hoạch số 26-KH/TU, ngày 1-12-2016 và Công văn số 623-CV/TU ngày 6-3-2017 chỉ đạo ban thường vụ huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh xây dựng quy hoạch cấp ủy và các chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý nhiệm kỳ 2020- 2025 và những năm tiếp theo. Thực hiện rà soát quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý nhiệm kỳ 2015-2020 ở cấp mình và hướng dẫn thực hiện xây dựng quy hoạch cấp ủy và các chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý nhiệm kỳ 2020- 2025 và những năm tiếp theo với yêu cầu cán bộ trong quy hoạch phải có chiều hướng, triển vọng phát triển, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi được bố trí vào chức vụ cao hơn, quy hoạch cán bộ phải sát với thực tiễn và có tính khả thi, đặc biệt là phải đánh giá đúng cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch. Bên cạnh đó ban hành Kế hoạch số 18-KH/TU, ngày 16-8-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016-2020 với yêu cầu phải lựa chọn cán bộ có trình độ, năng lực, uy tín, khả năng tập hợp, đoàn kết nội bộ, bảo đảm độ tuổi phát triển và phải bảo đảm quy hoạch nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Đặng Xuân Phong