Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển. Song, những năm gần đây dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, của đội ngũ cán bộ, công chức và của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế-xã hội của tỉnh Phú Thọ đã có bước chuyển dịch, tăng trưởng khá. Một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đó là yếu tố con người.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, các nghị quyết của Trung ương về công tác cán bộ, công tác tư tưởng, lý luận, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Phú Thọ đã nghiêm túc triển khai, xây dựng và ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng lãnh đạo công tác cán bộ như quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, trong đó công tác đào tạo lý luận chính trị thu được kết quả rất khả quan. Đến nay, 100% cán bộ diện BTV Tỉnh uỷ quản lý, 89,7% cán bộ dự nguồn BTV Tỉnh uỷ quản lý, 87% cán bộ trưởng, phó phòng cấp tỉnh và huyện, 66,2% cán bộ quản lý DNNN, 22% cán bộ công chức cấp tỉnh có trình độ cử nhân, cao cấp chính trị; 95,4% cán bộ chủ chốt cấp xã , 62,8% cán bộ chuyên trách cấp xã và 61,3% công chức cấp xã có trình độ trung cấp lý luận chính trị (LLCT) trở lên.
Từ năm 2006 đến nay, Tỉnh Phú Thọ đã phối hợp mở được 11 lớp cao cấp LLCT-HC hệ tại chức với 1.226 học viên, cử 195 cán bộ đi đào tạo cao cấp LLCT-HC hệ tập trung tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I. Trường Chính trị tỉnh phèi hîp víi ban thường vụ các huyện, thành, thị, đảng ủy trực thuộc vµ trung t©m båi dìng chÝnh trÞ các cấp đã mở được 1 lớp đại học kinh tế chính trị với 76 học viên, 9 lớp trung cấp LLCT hệ tập trung với 1.349 học viên, 95 lớp trung cấp LLCT hệ tại chức và hoàn thiện chương trình trung cấp LLCT với 10.080 học viên, trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành, thị đã mở được 13 lớp sơ cấp LLCT cho 1.340 học viên đồng thời thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng phát triển đảng, bồi dưỡng đảng viên mới, bồi dưỡng công tác đảng, đoàn thể... đều đạt kế hoạch đã đề ra.
Quá trình đào tạo lý luận chính trị đã giúp cho đội ngũ cán bộ có sự chuyển biến nhận thức về Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh được nâng cao; có bản lĩnh chính trị vững vàng; phương pháp công tác, năng lực lãnh đạo quản lý, điều hành và chất lượng, hiệu quả công việc được nâng lên; ý thức trách nhiệm trước nhân dân, tinh thần tự giác trong công việc đã có nhiều chuyển biến. Đa số các đồng chí cán bộ trong quy hoạch được cử đi đào tạo lý luận chính trị đều được bố trí, đề bạt vào các chức danh lãnh đạo quản lý từ cấp xã, phường, thị trấn trở lên. Trong đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh Phú Thọ hiện nay, rất nhiều đồng chí đã được trang bị trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị; đây chính là những điều kiện cơ bản giúp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trực tiếp giúp cho việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có được kết quả trên, trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo LLCT cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác đào tạo cán bộ, công chức qua các giai đoạn; chỉ đạo HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, UBND tỉnh ban hành nhiều quy định về đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với cán bộ được cử đi đào tạo. Cấp ủy các cấp đã cụ thể hóa các văn bản của tỉnh để xây dựng và ban hành các nghị quyết chuyên đề, các quy định để quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện tại địa phương, đơn vị mình cho phù hợp. Công tác xây dựng kế hoạch đào tạo được thực hiện thường xuyên, chất lượng và sát nhu cầu thực tế. Việc thực hiện kế hoạch đào tạo các lớp đào tạo LLCT hằng năm đều vượt so với kế hoạch đề ra. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn gắn bó mật thiết với quy hoạch cán bộ, việc chọn cử cán bộ đưa đi đào tạo đều dựa trên quy hoạch cán bộ và quy hoạch, kế hoạch đào tạo. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường Chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện thường xuyên được quan tâm xây dựng cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy từng bước được quan tâm đầu tư, nâng cấp, phục vụ tốt cho công tác đào tạo nói chung của tỉnh.
Trong quá trình đạo tạo LLCT, các đơn vị đào tạo của Trung ương và khu vực cũng như Trường Chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã thực hiện nghiêm túc quy chế đào tạo từ việc tuyển sinh, xét duyệt hồ sơ danh sách học viên, thực hiện quy trình mở lớp, xây dựng kế hoạch giảng dạy và học tập, quản lý chặt chẽ việc giảng dạy và học tập tại lớp, tổ chức thi, xét tốt nghiệp, xét khen thưởng và tổ chức bế giảng, cấp bằng cho học viên.
Nhu cầu và đòi hỏi về trình độ cán bộ đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của tỉnh Phú Thọ là rất lớn. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2016, tỉnh Phú Thọ định hướng sẽ tập trung trọng tâm mũi nhọn là đào tạo trình độ trên đại học cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong độ tuổi còn trẻ, có năng lực và đội ngũ cán bộ là chuyên gia đầu ngành cấp tỉnh. Đồng thời tiếp tục tập trung công tác đào tạo trình độ cử nhân, cao cấp LLCT cho cán bộ đương chức, dự nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh và huyện. Đến năm 2015, ngoài việc phải đạt chuẩn hóa và trên chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức nói chung nhất là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, tỉnh Phú Thọ phấn đấu có 100% công chức trưởng, phó phòng, 100% cán bộ chủ chốt cấp xã và 80% cán bộ chuyên môn nghiệp vụ có trình độ LLCT từ trung cấp trở lên.
Để đạt được các mục tiêu trên, trong những năm tiếp theo, tỉnh Phú Thọ chủ trương tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch đào tạo hàng năm, từng bước nâng cao trình độ LLCT cho đội ngũ cán bộ, công chức công chức trên cơ sở cơ cấu lại việc đào tạo và trình độ cần đào tạo đối với đội ngũ cán bộ cho từng ngành, từng cấp, nhất là đối với cấp cơ sở. Chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ công tác đào tạo để nâng cao năng lực và khả năng đào tạo của Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành, thị. Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung chính sách khuyến khích việc chủ động học tập của cán bộ, công chức nhằm đạt chuẩn và trên chuẩn. Chú trọng và tập trung đào tạo trình độ LLCT cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phục vụ công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020. Tăng cường quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục LLCT, đủ về số lượng, từng bước nâng tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ chiếm 60%, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy.
Lại Tiến Thịnh
Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Phú Thọ