Huyện Cao Lãnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 23-5-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011 - 2015, Huyện ủy Cao Lãnh đã ban hành Chương trình hành động số 65-CTr/HU ngày 15-7-2011 và tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện cho các đồng chí huyện ủy viên, bí thư chi, đảng bộ cơ sở, trưởng ban, ngành, đoàn thể huyện, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết.

Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn được nâng lên, xem đây vừa là mục tiêu vừa là động lực và là yếu tố quyết định cho sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương. Từ đó, tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển nhân lực cả về số lượng và chất lượng, tạo điều kiện phát triển đội ngũ trí thức trẻ, đội ngũ kế thừa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh, chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm sự nghiệp giáo dục và đào tạo, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt phục vụ cho sự nghiệp trồng người. Trong năm qua công tác giáo dục và đào tạo luôn được đầu tư phát triển toàn diện, nht là giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia... gắn thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, góp phần nâng cao chất lượng các cấp học. Quy mô trường lớp các bậc học của huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân, hiện toàn huyện có 73 trường. Năm 2012 đã đầu tư hơn 21 tỷ đồng xây dựng 3 trường và gần 4 tỷ đồng tu sửa trường lớp. Đến cuối năm 2012, toàn huyện có 11 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó, có 2 trường mẫu giáo (Bình Thạnh, Bông Sen), 5 trường tiểu học (thị trấn Mỹ Thọ 1, thị trấn Mỹ Thọ 2, Bình Hàng Trung 1, Bình Hàng Tây 1, Phong Mỹ 3) và 4 THCS (Nguyễn Minh Trí, Mỹ Hiệp, Tân Hội Trung, Bình Hàng Tây), 15 trường tiểu học có tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, với 4.029 học sinh.

Trình độ chuyên môn giáo viên ngày càng được nâng cao đáp ứng nhu cầu cần thiết về đổi mới phương pháp dạy và học. Trong đó, toàn Huyện có 2.663 cán bộ, giáo viên, nhân viên: có 71 người có trình độ thạc sĩ, chiếm 2,67%, tăng 0,4% so với năm học trước; 1.192 người có trình độ đại học, chiếm 44,76%, tăng 0,79% so với năm học trước; 1.042 người có trình độ cao đẳng, chiếm 39,13%, tăng 0,77% so với năm học trước; 358 người có trình độ Trung học, chiếm tỷ lệ 13,44%. Trình độ tin học của cán bộ, giáo viên ngày càng được nâng cao, có 174 người có trình độ tin học căn bản, 1.571 người có trình độ A, 58 người có trình độ B, trung cấp tin học 50 người, cao đẳng 11 người, đại học 07 người.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện mở nhiều lớp bổ túc văn hoá cho học viên bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, liên kết đào tạo ngoại ngữ, đào tạo tin học; tổ chức liên kết đào tạo đại học từ xa và tổ chức hướng nghiệp cho 6.400 học sinh. Công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm thực hiện, hàng năm huy động các nhà tài trợ và nhân dân trung bình từ 7 - 8 tỷ đồng. Nổi bật là mô hình hoạt động nhóm lớp cộng đồng, thuê nhà dân làm phòng học; Nhà nước hỗ trợ kinh phí trang bị điều kiện tối thiểu để phục vụ dạy và học. Đến nay, phát triển 125 nhóm, lớp/2.484 trẻ (năm 2011, có 93 nhóm, lớp/ 1.639 trẻ). Năm học 2010 - 2011, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hệ giáo dục Trung học phổ thông đạt 99,8% (tăng 7,2% so với năm học trước); hệ giáo dục thường xuyên đạt 79,5% (tăng 1,9% so với năm trước); tỷ lệ học sinh đậu đại học, cao đẳng năm 2012 đạt 54,37%.

Công tác tuyển sinh hệ trung cấp nghề được cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể thường xuyên quan tâm tổ chức tuyên truyền, vận động gia đình cho con em tham gia học trung cấp nghề, tổ chức phân luồng sau trung học cơ sở, trung học phổ thông; Huyện tổ chức khai giảng 01 lớp trung cấp nghề (điện công nghiệp) và tổ chức 70 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản cho nông dân có 1.750 người tham dự. Ngoài ra, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh và Chi cục Phát triển nông thôn Đồng Tháp tổ chức đào tạo 05 cán bộ quản lý hợp tác xã trình độ đại học, tập huấn 4 lớp hướng dẫn lập phương án kinh doanh có trên 120 xã viên tham dự. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm 2012 đạt 42,7%, trong đó qua đào tạo nghề là 32,4%.

Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở thường xuyên chăm lo công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, tchỉ đạo  xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, nguồn nhân lực nhằm từng bước nâng cao hơn chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong năm 2012, huyện cử 234 cán bộ, công chức đi đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ trong và ngoài tỉnh, trong đó cao học 7, đại học chuyên ngành 16, tập trung vào các ngành kinh tế - chính trị, quản lý đô thị… cao cấp lý luận chính trị 7, trung cấp chính trị 80, sơ cấp chính trị 88. Ngoài ra cử 36 công chức ngành huyện tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ.

Triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, tập trung lãnh đạo bước đầu đạt kết quả tích cực, số lượng cán bộ, công chức có trình độ ngày càng cao, trình độ người lao động đáp ứng cơ bản nhu cầu tuyển dụng trong và ngoài huyện, từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 42,7% vào cuối năm 2012, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tăng so với năm trước, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu.

Tuy nhiên, một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương từng lúc, từng nơi chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác này, công tác phối hợp tham mưu, đề xuất giữa các ngành có lúc còn thiếu đồng bộ nên hiệu quả mang lại chưa cao. Một số cán bộ trình độ, năng lực chưa ngang tầm với nhiệm vụ đặt ra. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm công tác tạo nguồn quy hoạch, đào tạo nhất là nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Chất lượng và hiệu quả công tác dạy nghề còn hạn chế, phần lớn là dạy nghề ngắn hạn, chưa có ngành nghề mới, lao động chỉ đáp ứng cho các ngành nghề có nhu cầu giản đơn. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy nghề còn hạn chế.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy Đồng Tháp, thời gian tới các cấp ủy đảng tiếp tục triển khai quán triệt đẩy mạnh công tác tuyền truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Xây dựng những giải pháp phù hợp phát triển nguồn nhân lực, thực hiện bằng nhiều hành động cụ thể, để nâng cao trình độ người lao động, tạo điều kiện cho con em gia đình khó khăn, hộ nghèo được học tập; cán bộ, đảng viên, đoàn viên làm nòng cốt trong học tập rèn, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn...

Phát huy hiệu quả các trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng xã, thị trấn, phát huy các loại hình học tập đa dạng, phù hợp với điều kiện, nhu cầu học tập của nhân dân địa phương. Tiếp tục phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh.

Tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở các xã, thị trấn nhất là 4 xã điểm nông thôn mới theo tinh thần Chỉ thị 19-CT/TW ngày 05 tháng 11 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương.

Các cấp ủy lãnh đạo thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng dẫn. Nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện công tác cán bộ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất