Bác Hồ với phụ nữ Việt Nam Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang
Bác Hồ với phụ nữ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III năm 1960

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn giành cho chị em phụ nữ những tình cảm thương yêu, quý mến và thân tình nhất. Mỗi khi đến dự hội nghị hay cuộc họp của các địa phương, các bộ, ngành, Bác Hồ đều hỏi có đại biểu nữ và mời họ lên hàng ghề đầu, cùng ngồi. Đi đến địa phương nào Người cũng đều hỏi thăm về các phong trào phụ nữ, những chị em có nhiều công lao với cách mạng.

Tháng 10-1966, nhân 20 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bác Hồ đã đến dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm, nhắc đến truyền thống yêu nước đầy tự hào của phụ nữ Việt Nam, Người nói: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”.  Và tại đây, Người đã nói về nữ thiếu tướng Nguyễn Thị Định - cô Ba Định, một cán bộ lãnh đạo nữ rất kiên cường, dũng cảm của miền Nam bất khuất đang đấu tranh với đế quốc Mỹ: “Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta…”.

Người đã khẳng định vai trò to lớn người phụ nữ trong công cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, cứu nước:“do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam, Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”.


Vào ngày 30-4-1964, khi đến thăm và nói chuyện tại Đại hội Liên hoan Phụ nữ “Năm Tốt” cả nước, Bác Hồ giúp phụ nữ cần nhận thức rõ: “Dưới chế độ thực dân và phong kiến, nhân dân ta bị áp bức, bóc lột, thì phụ nữ ta bị áp bức, bóc lột càng nặng nề hơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ ta đã góp phần khá lớn làm cho cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi vẻ vang. Ngay từ lúc đầu, Đảng và Nhà nước ta đã thi hành chính sách đối với phụ nữ cũng được bình quyền, bình đẳng với đàn ông”.


Bác không chỉ quan tâm đến Phụ nữ mà Người đã phê phán tình trạng để mất quyền bình đẳng của nữ giới trong xã hội. Trong một dịp gặp gỡ với cán bộ của tỉnh Hà Tây ngày 10-2-1967, Người đã phê phán tình trạng chồng đánh vợ và khẳng định đây là tệ nạn về mặt đạo đức và vi phạm pháp luật:  “Đàn ông là người công dân, đàn bà cũng là người công dân, dù là vợ chồng, người công dân này đánh người công dân khác tức là phạm pháp”.


Người đã thẳng thắn phê phán một số cán bộ của Đảng vẫn quan điểm hẹp hòi với phụ nữ: “Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai... Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ...”. Người cho rằng: “Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ ta tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Thế là dưới chế độ tốt đẹp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phụ nữ đã thật sự làm chủ Nhà nước”.  Và không ai khác, Người đã luôn nhìn nhận những đóng góp to lớn của phụ nữ trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm: Đó là Người cảm phục mưu trí anh dũng của “đội quân tóc dài” miền Nam, “Miền Nam anh hùng có đội quân đấu tranh chính trị gồm hàng vạn chiến sĩ toàn là phụ nữ. Họ rất mưu trí và dũng cảm làm cho địch phải khiếp sợ và gọi họ là “đội quân tóc dài”.


Khi nước nhà tạm bchia 2 miền, từ sau 1954 miền Bắc vừa chiến đấu, vừa bắt tay xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của CNXH, Người đánh giá về phụ nữ: “Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hàng vạn phụ nữ đã trở thành cán bộ chuyên môn các ngành và cán bộ lãnh đạo... Theo gương các bà, các mẹ và các chị anh hùng, nhiều cháu thiếu niên nhi đồng gái cũng rất ngoan... Như thế là từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật là anh hùng...”.


Trong Di chúc thiêng liêng của mình, Bác Hồ vẫn hằng mong: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất