Bàn về chính sách thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo
Toàn cảnh Hội thảo
Nhằm góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, với sự hỗ trợ của tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV), ngày 26-3-2013, tại Trung tâm Phụ nữ và phát triển, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao năng lực của phụ nữ (CEPEW) tổ chức Hội thảo đối thoại chính sách về thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo. Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Trung ương Hội LHPN Việt Nam, các ban, đơn vị Trung ương Hội, đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, đại diện một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ hoạt động về lĩnh vực bình đẳng giới, một số nhà nghiên cứu giới.

Thực trạng đội ngũ cán bộ nữ ở vị trí chủ chốt
Báo cáo nghiên cứu phụ nữ tham gia chính trị ở 5 tỉnh Hà Nội, Quảng Ninh, Đăk Lăk, Trà Vinh, TP. Hồ Chí Minh đưa ra nhận xét chung: đội ngũ phụ nữ lãnh đạo và ra quyết định phát triển chậm, thiếu ổn định, thậm chí giảm; ít có thực quyền, quá ít phụ nữ ở vị trí chủ chốt; còn nhiều phụ nữ tham gia cơ quan dân cử theo cơ cấu hình thức.

Báo cáo về thực trạng phụ nữ tham chính tại các địa bàn khảo sát – các tác động về mặt chính sách ảnh hưởng tích cực, rào cản hạn chế và các giải pháp đề xuất nêu rõ: Xu hướng chung là sự tham chính của phụ nữ có tăng lên, song khoảng các giới về số là chất lượng trong tham chính còn tồn tại (tỷ lệ phụ nữ tham chính chưa tương xứng với khả năng trình độ phụ nữ, số phụ nữ ở các vị trí chủ chốt còn hạn chế, sự hẫng hụt đội ngũ kế thừa vẫn còn nguy cơ xảy ra); tiếng nói của phụ nữ được tôn trọng và cân nhắc, song việc lắng nghe và tính đến khi ra quyết định còn hạn chế; phụ nữ tham chính có nhiều đóng góp trong triển khai chính sách cua Nhà nước; quan tâm và đóng góp giải quyết nhiều vấn đề của cộng đồng (xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, giáo dục, bảo vệ nhóm dễ tổn thương, bình đẳng giới), thúc đẩy phụ nữ tham chính tại địa phương, cải thiện dịch vụ công. Rào cản chính không phải do bất cập về năng lực hay động cơ, mà là các yếu tố về điều kiện gia đình, quan niệm về vai trò giới khiến phụ nữ bị hạn chế. Trong khi đó, các chính sách (về độ tuổi, chỉ tiêu, quy trình quy hoạch…) do không tính đến các điều kiện đặc thù này lại làm cho tình hình trở nên ít thuận lợi hơn. Các hạn chế về mặt tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp và năng lực thực hiện của bộ máy tham gia vào việc tăng cường phụ nữ tham chính rất đáng kể: mặc dù nhiều chính sách và kế hoạch được đưa ra, song năng lực thực hiện của chưa đủ mạnh cả về nhân lực lẫn cơ chế phối hợp. Do đó các giải pháp đề ra cần chú trọng đến nhóm rào cản này nhiều hơn.

Báo cáo thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới: mục tiêu về tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị chỉ ra rằng: Các cấp chính quyền đã có nhiều đổi mới trong nhận thức về công tác cán bộ nữ. Chính sách, pháp luật về công tác cán bộ nữ ngày càng được hoàn thiện (quy định kéo dài tuổi hưu, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng chỉ tiêu bổ nhiệm lãnh đạo nữ cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, QĐ 215 về tỷ lệ nữ trong HĐND…). Bản thân phụ nữ đã tự trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và tự tin khẳng định năng lực bản thân trong công tác. Dịch vụ gia đình từng bước phát triển đã giảm bớt gánh nặng cho người phụ nữ; Một số chị em đã nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của người chồng thông qua việc cùng chia sẻ trách nhiệm gia đình. Tuy nhiên, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ban ngành trong công tác quy hoạch, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ nữ chưa thật sự sát sao, cương quyết. Công tác cán bộ nữ hiện nay còn phụ thuộc vào sự quan tâm của lãnh đạo từng đơn vị, địa phương. Còn có sự khác biệt về tuổi nghỉ hư, tuổi trong quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt giữa nam giới và phụ nữ. Trong các kỳ bầu cử, việc phân bổ cơ cấu đôi khi dẫn đến tình trạng đại biểu nữ phải gánh quá nhiều cơ cấu, làm ảnh hưởng rất lớn đến kết quả bầu cử. Gánh nặng công việc gia đình và những định kiến về năng lực quản lý của phụ nữ góp phần gây trở ngại đối với phụ nữ tham gia vào lĩnh vực tham chính. Bản thân phụ nữ không xác định trở thành/tham gia “lãnh đạo, quản lý” là mục tiêu tiến bộ trong sự nghiệp của họ. Định hướng hoạt động cho giai đoạn tới: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách liên quan đến công tác cán bộ nữ đảm bảo mục tiêu bình đẳng giới, tăng cường công tác quy hoạch dài hạn cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ, tạo tiền đề cho giai đoạn 2016-2020; thí điểm một số mô hình thúc đẩy, tăng quyền năng cho phụ nữ ở cấp cơ sở; nâng cao năng lực và tăng cường sự phối hợp của các cơ quant ham mưu, hoạch định về công tác cán bộ nữ (trong đó có cơ quan thường trực ban vì sự tiến bộ của phụ nữ). Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ cán bộ quản lý, lãnh đạo và đội ngũ cán bộ nữ trong diện quy hoạch, tạo nguồn cho giai đoạn 2016-2020.

Giải pháp
Đại diện Hội LHPN tỉnh Đăk Lăk đề xuất một số giải pháp:

Đảng cần có cơ chế chặt chẽ, đồng bộ, chỉ đạo cụ thể, có chỉ tiêu quy định bắt buộc về cán bộ nữ lãnh đạo trong cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Mặt khác, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện. Cần đưa tiêu chí vào bình xét đảng bộ, chi bộ trong sách, vững mạnh cũng như đánh giá việc hoàn thành các nhiệm vụ của nhiệm kỳ, quy định thưởng phạt đối với các cơ quan, đơn vị làm tốt hoặc chưa tốt.


Trung ương Hội nên có đề tài nghiên cứu toàn diện về công tác cán bộ nữ. Phối hợp với các cơ quan chức năng để tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng lãnh đạo của đội ngũ cán bộ nữ. Cần tổ chức các cuộc Hội thảo chuyên sâu tại các tỉnh thành. Đồng thời vận động nguồn lực để hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng cho các tỉnh trong việc nâng cao năng lực cho cán bộ nữ lãnh đạo đương nhiệm và nguồn trong quy hoạch.

Hội LHPN tỉnh, các đơn vị chủ động tham mưu, đề xuất, giới thiệu, tranh thủ nguồn lực từ các ngành hỗ trợ cho đơn vị và cơ sở trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và các kỹ năng điều hành, quản lý, tổ chức thực hiện cho đội ngũ cán bộ nữ cơ sở, thực hiện tốt chức năng đại diện.

Nâng cao nhận thức về giới và kiến thức lồng ghép giới trong đội ngũ lãnh đạo chủ chốt 3 cấp, làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ, việc làm. Thực hiện công tác kiểm tra giám sát đánh giá về giới trong chính sách kế hoạch động động của các cấp chính quyền và các ban ngành nhằm tăng tỷ lệ nữa tham gia vào các cấp lãnh đạo. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo ban vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp hoạt động tích cực hơn. Mặt khác triển khai thực hiện tốt Nghị định số 56-CP về quy hoạch trách nhiệm của bộ, ngành, UBND các cấp về việc đảm bảo cho các cấp Hội LHPN tham gia quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Nhà nước vần phải cải thiện hệ thống chính sách, luật pháp nhằm giảm bớt gánh nặng công việc gia đình cho phụ nữ sẽ giúp phụ nữ tham gia đầy đủ hơn vào đời sống cộng đồng. Thường xuyên bổ sung quy hoạch về chỉ tiêu cán bộ nữ trong hệ thống chính trị và các vị trí ra quyết định. Tăng cường nhận thức về luật pháp và chính sách cho lãnh đạo đương nhiệm và phụ nữ tiềm năng ở cấp cơ sở.

Nâng cao nhận thức về giới và quyền chính trị của phụ nữ, lợi ích của phụ nữ tham gia chính trị và lãnh đạo đối với cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các ban ngành, đoàn thể các cấp cũng như phụ nữ và nam giới trong cộng đồng nhằm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi về mọi mặt để phụ nữ tự tin, khẳng định năng lực từng vị trí, cương vị và tính quyết định trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành được tốt hơn.

Cấp ủy đảng các cấp cần đề ra các chỉ tiêu phụ nữ trong quy hoạch để đảm bảo đến năm 2020 tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 25% trở lên, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đạt 35-40%, các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ, cơ quan lãnh đạo cấp cao có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới như Kết luận số 55/BBT ngày 18-1-2013 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, mặt khác có chính sách ưu tiê đầu tư công tác đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ nữ chủ chốt các cấp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao hơn, nhất là vị trí ra quyết định.

PGS, TS Đỗ Minh Cương, chuyên viên cao cấp, Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương, kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Văn hóa doanh nghiệp và lãnh đạo, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội đưa ra 7 khuyến nghị nhằm hoàn thiện chính sách trong công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế:

Một là, xây dựng quy hoạch cán bộ nữ toàn diện và đồng bộ hơn hiện nay để phát huy được khả năng đa dạng và sức mạnh tổng hợp của nữ giới, bên cạnh quy hoạch loại cán bộ: lãnh đạo quản lý cần thực hiện các loại cán bộ cơ bản khác trong đội ngũ cán bộ nữ nước ta hiện nay là: cán bộ giáo dục, khoa học, công nghệ; cán bộ quản lý kinh doanh – doanh nhân; cán bộ văn hóa, nghệ thuật; cán bộ tham mưu chiến lược, chuyên gia.

Hai là, tăng cường yếu tố nhân tài, chất lượng cao trong công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ trong hệ thống chính trị nước ta. Mục tiêu thu hút, sử dụng, phát huy được nhân tài cần được quán triệt sâu sắc hơn và thực hiện có tính chiến lược, xuyên suốt trong công tác cán bộ nói chung, công tác cán bộ nữ nói riêng.

Ba là, đưa các chỉ tiêu về bình đẳng giới đã được Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị khóa X xác định vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách của Đảng và Nhà nước một cách nghiêm túc và quyết liệt hơn. Có chế tài mạnh hơn đối với các tập thể, cá nhân có thẩm quyền không thực hiện các nhiệm vụ chính trị này và không chấp hành Luật Bình đẳng giới.

Bốn là, Hội LHPN Việt Nám cần tiếp tục thuyết phục, phối hợp với các cấp, bộ, ngành có lien quan thực hiện sửa đổi Điều 145 Luật Lao động cho phù hợp với nguyên tắc bình đẳng giới, trước hết là đối với công việc, ngành nghề phù hợp. Trước khi Quốc hội sửa Luật, Hội có thể kiến nghị với Trung ương kéo dài tuổi quy hoạch, bổ nhiệm, công tác của nữ bằng nam đối với một số đối tượng đặc thù, trong đó có nhóm đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong cấp ủy tỉnh, thành phố và tương đương trở lên.

Năm là, Hội LHPN Việt Nam cần gây ảnh hưởng, tác động tích cực hơn trong quá trình xây dựng, thực hiện đề án quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ của các cấp ủy địa phương, bộ, ngành… Hội cần thực hiện chức năng, nhiệm vụ phản biện và giám sát đối với quá trình hoạch định và thực thi chính sách vủa các cơ quan Đảng, Nhà nước có liên quan tới vấn đề bình đẳng giới và đội ngũ cán bộ nữ.

Sáu là, quyết tâm hoàn thiện chính sách và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc không bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt là người địa phương.

Bảy là, cấp ủy, cơ quan tham mưu, lãnh đạo công tác tổ chức - cán bộ cần coi trọng hơn nữa phương pháp thi tuyển, thu hút và sử dụng nhân tài trong việc bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất