Ngày 27-12-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 50-QĐ/TW về công tác quy hoạch cán bộ. Ngày 25-1-2022, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để quán triệt, triển khai Quy định tới các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương. Năm đầu tiên triển khai thực hiện Quy định số 50-QĐ/TW của Bộ Chính trị, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020-2025; 2021-2026 đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Kết quả bước đầu
Trên cơ sở quán triệt, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, ban tổ chức cấp ủy các cấp đã tham mưu cấp ủy cụ thể hóa, hướng dẫn, đôn đốc triển khai công tác quy hoạch, cơ bản hoàn thành phê duyệt đối với các chức danh cán bộ theo phân cấp quản lý.
Đến hết tháng 12-2022, ban tổ chức cấp ủy trực thuộc Trung ương đã tham mưu cấp ủy phê duyệt quy hoạch ủy viên BCH đảng bộ cấp tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031 đối với hơn 4.110 lượt cán bộ (trong đó, cán bộ nữ chiếm 23,3%, tuổi trẻ chiếm 8,24%, người dân tộc thiểu số là 468 đồng chí); phê duyệt quy hoạch ủy viên BTV cấp tỉnh đối với khoảng 1.220 lượt cán bộ (trong đó, cán bộ nữ chiếm 20,8%, tuổi trẻ chiếm 3,77%, người dân tộc thiểu số là 163 đồng chí).
Nhìn chung, các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc quy trình quy hoạch, cơ bản đảm bảo về tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng, nhất là tỷ lệ cán bộ nữ, nhiều nơi đã chủ động không quy hoạch số lượng tối đa theo quy định để có điều kiện bổ sung nhân tố mới, trẻ; việc thẩm định nhân sự, kết luận tiêu chuẩn chính trị được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Hà Nam, Thái Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Bình Dương là những địa phương bảo đảm được cơ cấu tỷ lệ nữ, trẻ theo quy định. Một số địa phương như Hòa Bình, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã thực hiện tốt phương châm quy hoạch “động” và “mở”; chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ được quy hoạch.
Một số cách làm hiệu quả
Ngoài các nội dung Trung ương quy định, hướng dẫn, Tỉnh ủy Lào Cai đã cụ thể hóa các nội dung về công tác quy hoạch cán bộ, như: Bổ sung các trường hợp đương nhiên ra khỏi quy hoạch, bổ sung hướng dẫn cụ thể các đối tượng quy hoạch đến cấp cơ sở, bổ sung hướng dẫn quy trình quy hoạch cụ thể cho các ngành cấp tỉnh, cấp các phòng, ban, cấp huyện, cấp xã, chi bộ, cơ quan.
Tây Ninh cụ thể hóa và ban hành Quy định về công tác quy hoạch cán bộ; trong đó: (1) Quy định cụ thể đối tượng quy hoạch, quy trình nhân sự quy hoạch đến các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và cấp cơ sở; (2) Hằng năm phải tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch ít nhất một lần cho nhiệm kỳ hiện tại và nhiệm kỳ kế tiếp; quy định cụ thể trường hợp rà soát, bổ sung quy hoạch lần thứ 2 trong năm và chỉ được thực hiện vào quý III hằng năm; (3) Thực hiện cơ cấu, tỷ lệ quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện (cán bộ trẻ dưới 40 tuổi và từ 15% trở lên); quy định cụ thể độ tuổi cán bộ trẻ đối với cấp xã là dưới 35 tuổi.
Bạc Liêu ban hành Quy định về công tác quy hoạch cán bộ, cụ thể hóa đối tượng quy hoạch đối với 13 nhóm chức danh thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý và chức danh ủy viên BCH đảng bộ cấp huyện, xác định cụ thể tỷ lệ nữ từ cấp tỉnh đến cấp xã, thành phần tham gia các bước thực hiện quy trình quy hoạch; hướng dẫn cụ thể hóa đối tượng quy hoạch đối với các nhóm chức danh thuộc diện BTV các cấp uỷ quản lý từ tỉnh đến cơ sở để thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh.
Trước khi thực hiện các bước quy trình quy hoạch cán bộ, nhất là quy hoạch BCH, BTV và các chức danh chủ chốt của tỉnh, Long An tiến hành rà soát, chuẩn bị nguồn cán bộ dự kiến giới thiệu nhân sự quy hoạch rất chặt chẽ với 2 bước lấy ý kiến để cán bộ chủ chốt các cấp tự giới thiệu nhân sự quy hoạch chức danh mà mình đang đảm nhiệm trước khi tổng hợp thực hiện các bước quy trình theo quy định. Kết quả, cán bộ được giới thiệu quy hoạch qua các bước trong quy trình đều đạt tỷ lệ phiếu từ 90% trở lên; tỷ lệ quy hoạch BCH Đảng bộ tỉnh là 1,3 lần; quy hoạch BTV Tỉnh ủy và các chức danh chủ chốt tỉnh là 1,0 lần.
Một số địa phương, đơn vị như Quảng Ninh, Quảng Bình, Sóc Trăng phê duyệt quy hoạch ủy viên BCH đảng bộ, ủy viên BTV cấp tỉnh, cấp huyện, cấp trưởng, cấp phó, sở, ban, ngành và tương đương nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031 với tỷ lệ từ 1,0 đến 1,3 lần so với đương nhiệm.
Trên cơ sở kết quả quy hoạch nhiệm kỳ 2025-2030, Hòa Bình tiến hành rà soát danh sách cán bộ phải đào tạo, bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp và bồi dưỡng chức danh lãnh đạo, đảm bảo tất cả các đồng chí được quy hoạch đều có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nhau khi xem xét điều động, bổ nhiệm.
Các tỉnh Hà Giang, Thanh Hóa thành lập tổ kiểm tra, giám sát thực hiện quy trình quy hoạch cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý ở các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
Những kết quả bước đầu trong công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ là tiền đề, cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng tiến hành các bước tiếp theo trong công tác cán bộ, bảo đảm hài hòa, cân đối, hợp lý, liên thông giữa các khâu trong công tác cán bộ, giữa quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng; giữa đánh giá với quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; giữa cán bộ quy hoạch với cán bộ đương nhiệm; giữa nguồn cán bộ ở Trung ương và địa phương, địa bàn và lĩnh vực công tác; giữa nguồn cán bộ tại chỗ với nguồn cán bộ từ nơi khác…