Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hậu cần Quân đội
Lế đón nhận Huân chương Quân công hạng Nhất và Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Ngành Hậu cần.

Trong công tác ĐTBD, Đảng ủy Tổng cục cùng với cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong toàn Đảng bộ đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ từ khâu lựa chọn đầu vào đối với nguồn cán bộ hậu cần cấp phân đội; xây dựng quy hoạch cán bộ hậu cần cấp trung đoàn, sư đoàn và cán bộ cơ quan tham mưu hậu cần chiến lược trên cơ sở rà soát, đánh giá chất lượng chính trị, năng lực thực tiễn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lấy chất lượng chính trị làm trọng tâm. Việc đổi mới về chương trình, nội dung ĐTBD cán bộ hậu cần đã bám sát yêu cầu biên chế, sử dụng cán bộ ở các đơn vị, cập nhật kiến thức khoa học - công nghệ và quản lý mới nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý và thực hành bảo đảm hậu cần hiệu quả trong điều kiện kinh tế thị trường.

Một trong những yêu cầu lớn mà Quân ủy Trung ương đặt ra đối với công tác ĐTBD hiện nay là bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội có phẩm chất, đạo đức, lối sống trong sạch, thực sự “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Yêu cầu này xuất phát từ đặc thù của công tác hậu cần là trực tiếp quản lý tài chính, vật chất quân sự, nếu cán bộ không liêm chính, sẽ dẫn đến tha hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng, không chỉ gây tổn hại, mất mát tài sản, trong nhiều trường hợp còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động huấn luyện và khả năng chiến đấu của quân đội. Để xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần vừa “hồng”, vừa “chuyên” công tác ĐTBD phải được tiến hành đồng bộ từ khâu quản lý cán bộ của cấp ủy, tổ chức đảng và chỉ huy các cấp, phát huy trách nhiệm chính trị của các cơ quan tổ chức, cán bộ và sự tự giác rèn luyện của mỗi cán bộ. 

Vì vậy, thời gian tới, công tác ĐTBD cần tập trung làm tốt những nội dung, biện pháp chủ yếu sau:

Một là, ĐTBD phải góp phần xây dựng và định hình nhân cách người cán bộ hậu cần quân đội trong thời kỳ mới. Nhân cách của người cán bộ hậu cần là tổng hòa các giá trị đạo đức của người quân nhân cách mạng gắn với kết quả rèn luyện về đạo đức, lối sống, tác phong công tác trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Để định hình nhân cách người cán bộ hậu cần quân đội, đòi hỏi phải có thời gian và sử dụng các nội dung, hình thức, biện pháp ĐTBD thích hợp. Nhưng trước hết, phải tuân thủ các nguyên tắc của Đảng về giáo dục và đào tạo cán bộ. Người cán bộ hậu cần phải là một người quân nhân cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Cán bộ hậu cần từ cấp phân đội phải được trang bị lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và biết vận dụng vào thực tiễn công tác bảo đảm hậu cần; có ý chí quyết tâm cao, có tinh thần vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm được giao. ĐTBD phải trang bị cho cán bộ những kiến thức về khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học quân sự và khoa học chuyên ngành hậu cần quân sự, biết vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Cán bộ hậu cần phải nắm vững chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác hậu cần quân đội, biết xây dựng kế hoạch, mục tiêu và có biện pháp thực hiện tốt công tác bảo đảm hậu cần quân đội và chính sách, tiêu chuẩn, chế độ do Nhà nước quy định. ĐTBD phải xác lập nền tảng về đạo đức, lối sống của người quân nhân cách mạng, có ý thức tự giác trong rèn luyện, phải ý thức được những đồng tiền, cân gạo và vật tư hậu cần mà mình đang quản lý là công sức của nhân dân đóng góp.

Hai là, công tác ĐTBD phải dựa trên cơ sở làm tốt công tác quy hoạch cán bộ. Công tác quy hoạch cán bộ là khâu quan trọng trong công tác cán bộ và gắn bó chặt chẽ với công tác ĐTBD. Do đó, phải căn cứ vào phẩm chất, năng lực thực tế của cán bộ, nhu cầu chức danh trong biên chế để xây dựng quy hoạch và trên cơ sở đó có kế hoạch ĐTBD. Làm tốt quy hoạch cán bộ là cơ sở, tiền đề cho ĐTBD đạt hiệu quả thiết thực, tránh lãng phí. Để quy hoạch cán bộ có chất lượng, trước hết phải làm tốt việc theo dõi, nắm chắc kết quả rèn luyện đạo đức, năng lực, tác phong và phẩm chất chính trị của từng loại cán bộ, từng lĩnh vực cán bộ đảm nhiệm. Cơ quan tổ chức, cán bộ phải thường xuyên thăm dò và lấy ý kiến của các cấp chỉ huy, quản lý cán bộ trực tiếp, ý kiến của các tổ chức chính trị - xã hội trong cơ quan, đơn vị và quần chúng quân nhân trước, trong và sau khi quy hoạch và ĐTBD.

Ba là, đa dạng hóa các loại hình ĐTBD nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy của cán bộ hậu cần. Công tác ĐTBD cần được tiến hành bằng nhiều hình thức: tại trường, trong thực tế và tự đào tạo, tự bồi dưỡng. Trong đó, đào tạo tại trường là hình thức cơ bản, chủ yếu nhất. Đội ngũ cán bộ hậu cần toàn quân hiện nay hầu hết được đào tạo chính quy ở Học viện Hậu cần với các cấp học: sĩ quan chỉ huy, tham mưu hậu cần; sĩ quan tài chính; các lớp ĐTBD chỉ huy tham mưu hậu cần cấp trung đoàn, sư đoàn và chỉ huy tham mưu hậu cần chiến dịch….; các lớp sau đại học và nghiên cứu sinh hậu cần quân sự. Trong những năm qua, Học viện Hậu cần đã thực hiện nhiều biện pháp đổi mới công tác quản lý và đào tạo như: Xây dựng và hoàn thiện mục tiêu, yêu cầu đào tạo phù hợp với các đối tượng học viên. Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào giảng dạy và học tập. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ cho huấn luyện và nghiên cứu khoa học. Xây dựng môi trường giáo dục, đào tạo trong sạch, lành mạnh. Nâng cao chất lượng tuyển sinh. Hiện nay, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Học viện Hậu tập trung giải quyết, đó là: xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ, năng lực sư phạm tốt đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình đào tạo của Học viện. Nâng cao tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Có các chế độ, chính sách đãi ngộ về vật chất, động viên tinh thần cho đội ngũ nhà giáo, nghiên cứu bổ sung trần quân hàm cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục...

Thực tế cho thấy, đào tạo tại trường mới chỉ cung cấp những tri thức căn bản, ban đầu cho cán bộ. Chính quá trình ĐTBD trong thực tiễn mới làm cho cán bộ trưởng thành. Thông qua thực tiễn đơn vị, các tri thức khoa học được củng cố, chuyển hóa, góp phần vào sự phát triển, hoàn thiện phẩm chất, năng lực của cán bộ hậu cần. Để nâng cao chất lượng ĐTBD cán bộ hậu cần quân đội ở các đơn vị, cần tiến hành nhiều nội dung, biện pháp, như giao nhiệm vụ, tạo điều kiện cho cán bộ hậu cần chủ động giải quyết được các vấn đề thực tiễn đặt ra, phát huy khả năng độc lập, tự chủ, sáng tạo của họ trong thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên kiểm tra, uốn nắn, động viên để cán bộ tích cực rèn luyện, phấn đấu. Thực hiện tốt việc cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới và tự bồi dưỡng lẫn nhau. Phát huy tính tự giác, tích cực, chủ động tự tu dưỡng, rèn luyện, biến quá trình giáo dục, đào tạo thành quá trình tự giáo dục, đào tạo; chuyển hóa các giá trị, các yêu cầu của xã hội thành giá trị nhân cách của cán bộ hậu cần. Những yếu kém về phẩm chất, năng lực của cán bộ hậu cần thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ sự ngại rèn luyện, lười tu dưỡng, học tập, tư tưởng thỏa mãn của bản thân cán bộ hậu cần. Do vậy, để phát huy vai trò tự tu dưỡng, tự rèn luyện của cán bộ, cấp ủy và tổ chức đảng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cá nhân trong tu dưỡng, rèn luyện và phấn đấu, coi học tập một quá trình liên tục, suốt đời và là yêu cầu khách quan của người cán bộ cách mạng trong thời kỳ mới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất