Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới thuộc vùng Đông Bắc, gồm 10 huyện và 1 thành phố. Trong những năm gần đây, Lạng Sơn đã và đang tiến hành việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh và của quốc gia. Để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, Lạng Sơn cơ bản đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước. Yêu cầu mới đòi hỏi tỉnh, cũng như các cấp huyện, thành phố phải chuẩn bị thật tốt nguồn nhân lực, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt ngang tầm với nhiệm vụ mới. Vì vậy, cần phải có các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các huyện, thành phố Lạng Sơn vững mạnh, đồng bộ, có phẩm chất và năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp huyện, thời gian qua, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy cấp huyện bám sát nhiệm vụ chính trị, quy định, quy chế và các giải pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp huyện; đảm bảo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời phát huy trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các huyện, thành phố đã được các cấp ủy đảng tcoi trọng. Đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp huyện, thành phố có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực, trình độ chuyên môn cao, đổi mới về phong cách lãnh đạo, có ý thức trách nhiệm trong công việc, sâu sát cơ sở, gần dân, có trách nhiệm với dân hơn, đã góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.
Hiện nay, toàn tỉnh có 139 cán bộ cấp huyện diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn quản lý. Số lượng cán bộ cấp huyện và thành phố, nhìn chung không có sự chênh lệch lớn, huyện nhiều nhất là 13 đồng chí, ít nhất là 11; cán bộ nữ chiếm 11,5%, cán bộ ở độ tuổi trẻ chiếm 10%. Trình độ chuyên môn của cán bộ so với nhiệm kỳ trước được nâng lên: đa số có trình độ đại học, có 6 đồng chí là thạc sĩ, còn có 3 đồng chí có trình độ cao đẳng. Về trình độ lý luận chính trị, có 136 đồng cao cấp lý luận chính trị (chiếm 97,84%), có 3 trung cấp lý luận chính trị (chiếm 2,1%).
Năng lực triển khai thực hiện và cụ thể hóa đường lối, chủ trương nghị quyết của cấp trên được nâng lên rõ rệt; năng lực lãnh đạo, quản lý trong phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện, thành phố có sự chuyển biến tích cực, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Đa số thích nghi hơn với cơ chế thị trường và tích lũy được nhiều kinh nghiệm; tính chủ động, sáng tạo được phát huy; gần gũi với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm và có những đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp huyện của tỉnh Lạng Sơn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập: Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm năng lực, trình độ còn hạn chế, bảo thủ, uy tín thấp, làm việc cầm chừng, không sâu sát cơ sở, kém năng động, sáng tạo, còn ỷ lại vào cấp trên, hiệu quả công tác thấp. Một số trường hợp còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm, thiếu tự giác rèn luyện, phấn đấu, thiếu tinh thần hợp tác trong công tác. Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số còn thấp, chưa tương xứng với số dân tộc thiểu số của tỉnh...
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện ở Lạng Sơn trong thời gian tới, các cấp ủy đảng cần tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung, yêu cầu sau:
Một là, cụ thể hóa các tiêu chuẩn chức danh cán bộ cấp huyện diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn quản lý cho phù hợp với địa phương. Tiêu chuẩn cán bộ có vai trò rất quan trọng đối với công tác cán bộ và tạo điều kiện cho các khâu khác thực hiện đồng bộ, có kết quả. Tiêu chuẩn cán bộ là thước đo để đánh giá cán bộ, là mục tiêu phấn đấu, rèn luyện của cán bộ, là căn cứ để quy hoạch cán bộ, xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thực hiện chính sách cán bộ... Vì vậy, phải chú trọng xây dựng tiêu chuẩn cán bộ, tiêu chí đánh giá cán bộ cấp huyện được coi là một yêu cầu quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện hiện nay.
Hai là, xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, tạo nguồn cán bộ cấp huyện diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn quản lý. Công tác quy hoạch cán bộ có liên quan chặt chẽ đến các khâu khác của công tác cán bộ. Do đó, trong quy hoạch cán bộ, đòi hỏi các cấp ủy đảng phải thực hiện một cách công tâm, khách quan, trung thực lựa chọn ra được những cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực đưa vào quy hoạch và đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đủ tiêu chuẩn chính trị, vi phạm đạo đức, lối sống, năng lực yếu. Công tác tạo nguồn cần kết hợp giữa nguồn tại chỗ và từ xa cho cán bộ cấp huyện và nguồn cán bộ tăng cường cho tỉnh. Quản lý, theo dõi chặt chẽ việc xây dựng kế hoạch nguồn kế cận và lâu dài. Cần bảo đảm tính thống nhất, nhất quán về chủ trương và các biện pháp giữa tạo nguồn, đào tạo và quy hoạch cán bộ.
Ba là, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng và tăng cường luân chuyển cán bộ cấp huyện diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn quản lý. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ. Vì vậy, cần tích cực đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng, cũng như luân chuyển cán bộ để góp phần nâng cao chất lượng đồng đều trong đội ngũ cán bộ cấp huyện ở các huyện khác nhau trong tỉnh.
Bốn là, nâng cao chất lượng công tác đánh giá, lựa chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm và làm tốt công tác kiểm tra, giám sát cán bộ cấp huyện diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn quản lý. Đánh giá cán bộ là khâu quan trọng trong công tác cán bộ và là một biện pháp cần thiết để đánh giá năng lực lãnh đạo của cán bộ. Vì có đánh giá đúng cán bộ mới quy hoạch đúng, mới cử đi đào tạo, bồi dưỡng đúng, mới bố trí, sử dụng đúng và mới thực hiện đúng chính sách cán bộ. Đánh giá cán bộ cán bộ cấp huyện diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn quản lý, cần phải hết sức trung thực, khách quan, công tâm. Lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ là khâu có tính quyết định để cán bộ phát huy vai trò của mình trong các cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao. Nếu thực hiện không đúng, không tốt khâu này thì ảnh hưởng tiêu cực tới các khâu khác của công tác cán bộ. Cần coi trọng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, cần coi trọng công tác giám sát. Đây là vấn đề mới trong Điều lệ Đảng, nên cần quán triệt sâu sắc trong cấp uỷ, tổ chức đảng và trong các tổ chức chính trị-xã hội và phải có hướng dẫn cụ thể và dần dần đưa công tác này thành nề nếp.
Năm là, tăng cường tính tự giác, chủ động trong học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ cấp huyện diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn quản lý. Đây là một yêu cầu hết sức cần thiết nhằm nâng cao tính bền vững trong chất lượng đội ngũ cán bộ trước những biến đổi nhanh chóng và phức tạp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, của cả nước cũng như trên thế giới, nhất là ở một địa phương có đường biên giới và quan hệ sôi động như tỉnh Lạng Sơn.
Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và sự phối hợp của các cơ quan có liên quan; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ; đổi mới, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách cán bộ. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban đảng, các sở, ngành, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các huyện, thành phố Lạng Sơn là rất cần thiết. Bởi vì, những cán bộ này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thường có quan hệ nhiều đến các cơ quan trên, do vậy các cơ quan này cần có trách nhiệm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ này.
Để xây dựng được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp huyện có chất lượng tốt, đòi hỏi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, cũng như ban tổ chức các cấp trong tỉnh phải quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu về tổ chức, cán bộ. Tỉnh ủy, các huyện, thành ủy phải xây dựng một hệ thống chính sách tốt tạo động lực thúc đẩy năng lực sáng tạo, lòng nhiệt tình của cán bộ và thu hút được người tài, thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện ở tỉnh Lạng Sơn.
Hà Nam Hưng
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lạng Sơn