Kinh nghiệm đào tạo và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số của Đảng bộ huyện Bắc Trà My (Quảng Nam)
Cán bộ, phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng đến thăm Khu di tích Ban Tổ chức Khu ủy Khu V trên địa bàn huyện Bắc Trà My.
Từ cách thức thực hiện...

Nhận thức rõ đào tạo và sử dụng cán bộ dân tộc ít người là vấn đề quan trọng, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 22-12-2004 về đào tạo và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số. Triển khai Nghị quyết trên, Ban Thường vụ Huyện uỷ Bắc Trà My đã thành lập các đoàn công tác để kiểm tra, khảo sát thực tế, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, từ đó xây dựng Chương trình hành động số 19-CTr/HU ngày 28-3-2005 gồm những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Tiếp đó, Huyện uỷ tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng để triển khai, quán triệt Nghị quyết số 13 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chương trình hành động số 19 của Huyện uỷ để các cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể từ huyện đến cơ sở nắm được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cán bộ người dân tộc thiểu số. Qua đó, tạo ra sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận và các hội đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác cán bộ người dân tộc thiểu số.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã chủ động chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cấp uỷ cơ sở và các cơ quan, ban, ngành huyện sơ kết ở cấp cơ sở. Đồng thời, thành lập các tổ công tác của Huyện uỷ để tiến hành kiểm tra, khảo sát, đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 13 của Tỉnh uỷ tại một số xã, thị trấn. Trên cơ sở đó, xây dựng báo cáo để tổ chức hội nghị sơ kết ở cấp huyện nhằm đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc, tìm nguyên nhân và bổ sung một số giải pháp tiếp tục chỉ đạo thực hiện.

... Đến kết quả

Về xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tại địa phương, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy và học tập cho các trường học ở các xã vùng dân tộc thiểu số; xây dựng đề án đào tạo bổ túc văn hoá cho cán bộ cơ sở; xét chọn, cử tuyển nhiều học sinh đi học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học các chuyên ngành. Thực hiện tốt việc tuyển dụng, bố trí con em đã tốt nghiệp trung cấp chuyên môn vào công tác tại các xã, thị trấn; dành một khoản kinh phí lớn để hợp đồng cán bộ người dân tộc thiểu số vào công tác tại các phòng, ban huyện. Trên cơ sở đó, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và đưa vào quy hoạch dự nguồn nhằm tạo nguồn cán bộ cho những năm tiếp theo. Huyện căn cứ vào sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ đã bổ nhiệm nhiều cán bộ trẻ giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt tại các xã, thị trấn và các phòng, ban huyện. Thường xuyên rà soát đội ngũ cán bộ xã, thị trấn để động viên những cán bộ lớn tuổi, không đạt chuẩn về trình độ, yếu về năng lực tự nguyện nghỉ việc để bố trí cán bộ trẻ có trình độ vào công tác tại các xã, thị trấn.

Việc quy hoạch cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số được quy hoạch vào các chức danh từ trưởng, phó ngành, đoàn thể trở lên từ huyện đến cơ sở giai đoạn 2015-2020 không ngừng được tăng lên cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn, cơ cấu theo quy định. Cán bộ người dân tộc thiểu số được quy hoạch các chức danh từ trưởng, phó ngành, đoàn thể trở lên trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 ở cấp xã và huyện đều đảm bảo số lượng, chất lượng theo quy định. Một số cán bộ chưa đạt chuẩn đang tiếp tục cử đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, trong số đó có nhiều đồng chí được đề bạt, bổ nhiệm, bố trí để tiếp cận với chức danh quy hoạch và bước đầu phát huy được tác dụng, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hằng năm Ban Thường vụ Huyện uỷ cử nhiều cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị ở các trường của tỉnh và Trung ương, đồng thời mở nhiều lớp đào tạo tại huyện. Ban Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo xây dựng Đề án đào tạo bổ túc văn hoá cho cán bộ cơ sở. Ngoài ra, huyện đã làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh để nâng cấp Trường PTDT Nội trú huyện từ THCS lên THPT.

Trong 10 năm, tổng số cán bộ người dân tộc thiểu số được cử đi đào tạo lý luận chính trị là 236 đồng chí (cán bộ cấp xã: 212; cán bộ cấp huyện: 24). 325 lượt cán bộ người dân tộc thiểu số được cử đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn.

Ban Thường vụ Huyện uỷ thực hiện tốt việc điều động, luân chuyển cán bộ giữa các phòng, ban, ngành theo chức danh đã được quy hoạch. Tuy nhiên, do số lượng cán bộ lãnh đạo tại các phòng, ban huyện còn thiếu nên việc luân chuyển cán bộ người dân tộc thiểu số về cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2005 đến nay, đã luân chuyển 10 cán bộ giữa các khối, ngành huyện; điều động 4 cán bộ xã là người dân tộc thiểu số về giữ các chức vụ lãnh đạo tại các phòng, ban huyện và luân chuyển 1 cán bộ huyện xuống làm phó bí thư đảng uỷ xã.

Công tác tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số tại các cơ quan, ban, ngành huyện và xã, thị trấn được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Huyện ủy chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi chặt chẽ số học sinh là người dân tộc thiểu số của huyện đang học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên môn tại các trường trong và ngoài tỉnh để sau khi ra trường bố trí công tác tại các phòng, ban huyện hoặc làm việc với tỉnh để bố trí vào các cơ quan thuộc tỉnh quản lý đóng trên địa bàn huyện. Ngoài ra, huyện cũng dành một khoản kinh phí từ nguồn ngân sách của huyện để ký hợp đồng cán bộ vào làm việc tại các phòng, ban huyện để tạo nguồn cán bộ. Trong 10 năm qua, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban huyện, cấp uỷ các xã, thị trấn tuyển dụng và bố trí 284 cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Hiện nay, tổng số cán bộ là người dân tộc thiểu số đang công tác tại 11/13 xã, thị trấn là 256/505 đồng chí, tăng 85 đồng chí so với trước khi có Nghị quyết 13 (trừ xã Trà Đông và Trà Dương có gần 100% dân số là người Kinh), đạt 50,7% so với tổng số cán bộ tại các xã, thị trấn; trong đó nữ là 67 đồng chí, tỷ lệ 26,2%.Số cán bộ người dân tộc thiểu số đang công tác tại các cơ quan, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể thuộc huyện quản lý là 172/1379, đạt tỷ lệ 12,5% so với tổng số cán bộ hiện có (năm 2004 có 49/930, tỷ lệ 5,2%).


Đ/c Ngô Minh Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng (bên trái) tặng các ấn phẩm của Tạp chí cho đ/c Nguyễn Kim Sơn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Trà My (bên phải)

Nhiệm vụ đặt ra

Một là, tiếp tục dành khoản kinh phí từ nguồn ngân sách của huyện để hợp đồng, tuyển dụng, bố trí cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ đại học, cao đẳng chuyên môn vào làm việc tại các phòng, ban huyện, đảm bảo tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong các cơ quan, đơn vị đạt 40%.

Hai là, làm tốt công tác quy hoạch dự nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ người dân tộc thiểu số giữ các chức vụ lãnh đạo tại các phòng, ban huyện và cán bộ chủ chốt tại các xã, thị trấn để đảm bảo tỷ lệ cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan, ban, ngành huyện đạt 30%. Đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ trong các cơ quan, ban, ngành huyện và các xã, thị trấn để cán bộ được tiếp cận, rèn luyện, thử thách ở nhiều lĩnh vực, vị trí công tác khác nhau. Quan tâm bồi dưỡng, giúp đỡ cán bộ, đưa vào nguồn quy hoạch để đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh chủ chốt tại các xã, thị trấn khi có đủ điều kiện.

Ba là, tập trung đầu tư xây mới và mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị và các trường học trong huyện.

Bốn là, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở để đạt 3 chuẩn theo quy định; kiên quyết không tuyển dụng, bố trí những người chưa đạt chuẩn về trình độ học vấn và chuyên môn vào làm việc ở cấp huyện và cấp xã. Tiếp tục vận động cán bộ lớn tuổi, trình độ năng lực yếu, không đủ chuẩn tự nguyện xin nghỉ công tác, giải quyết chế độ một cách phù hợp để có điều kiện tuyển dụng, bố trí những người có đủ tiêu chuẩn vào làm việc tại các xã, thị trấn.

Năm là, tiếp tục đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, các công trình phục vụ dân sinh; chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất