Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về cán bộ nữ, về bình đẳng giới nhằm phát huy giá trị và vai trò của phụ nữ trong giai đoạn mới. Đảng ta từ khi thành lập đến nay luôn quan tâm về vấn đề giải phóng phụ nữ và thực hiện nam nữ bình quyền. Nhiều chiến lược, chương trình hành động; nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhằm cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng đã và đang đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động về bình đẳng giới. Nhờ đó, vị thế của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội không ngừng được nâng cao, góp phần tăng tỷ lệ phụ nữ được giới thiệu và bầu tham gia lãnh đạo các cấp, các ngành. Hằng năm, các cấp, các ngành đều xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, trong đó xác định nội dung trọng tâm là đề xuất, cơ cấu hoặc chỉ tiêu phấn đấu nhằm đưa tỷ lệ cán bộ nữ trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ 15% trở lên để tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, để phát triển nhanh và bền vững đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp ở các lĩnh vực, đảm bảo tăng về số lượng, nâng cao chất lượng, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì cần khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ nữ, đó là:
Thứ nhất, công tác cán bộ nữ sở dĩ còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền của các ngành, các cấp vẫn còn một số những hạn chế từ phía chị em phụ nữ như: Một số chị em vẫn còn tư tưởng an phận, chưa có ý chí vươn lên, nỗ lực phấn đấu chưa cao; còn tư tưởng tự ti, chưa thẳng thắn góp ý kiến, trình bày quan điểm cá nhân trước hội nghị hay cuộc họp mà mới chỉ phát biểu các quan điểm, cá nhân mình bên ngoài cuộc họp, trong chị em với nhau. Cũng chính vì đặc điểm về giới nên quá trình luân chuyển công tác đối với chị em cũng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là luân chuyển tới vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn... Vì vậy, cũng hạn chế về kinh nghiệm và thiếu tiêu chuẩn, điều kiện để đề bạt giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Thứ hai, với thiên chức làm mẹ, làm vợ trong gia đình, chị em thường mất nhiều thời gian để quan tâm, lo lắng, chăm sóc cho gia đình hơn nam giới, khi công việc gia đình bớt nặng, khi con cái lớn tự chăm sóc bản thân thì người phụ nữ cũng đã 35-40 tuổi. Thời gian này mới có thể dành sức lực và tâm huyết cho sự nghiệp, do đó, việc quy hoạch, bố trí vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý cũng thường chậm hơn so với nam giới. Đây là một thiệt thòi đối với chị em phụ nữ, vì vậy, phải có các chính sách xã hội góp phần giảm nhẹ công việc gia đình cho chị em phụ nữ để họ có điều kiện và yên tâm công tác. Bằng cách phát triển các dịch vụ xã hội như bệnh viện, các trường học thân thiện giúp chăm sóc, nuôi dạy con... giúp các chị em giảm bớt sự tiêu tốn thời gian và sức lực không cần thiết.
Thứ ba, cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với cán bộ nữ trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Cần tạo điều kiện cho chị em được học tại chỗ như từ xa, tại chức, học tập trực tuyến qua mạng... Thực hiện tốt chính sách luân chuyển cán bộ nữ và giải quyết hợp lý về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ làm công tác quản lý và nghiên cứu khoa học... Đối với các tổ chức công đoàn, nữ công thường xuyên mở các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng tổ chức gia đình cho phụ nữ nhằm hướng đến xây dựng một gia đình cân bằng trách nhiệm giữa nam giới và nữ giới cùng chăm sóc con cái và các thành viên khác trong gia đình để giải phóng phụ nữ, tạo điều kiện cho họ đem hết khả năng, tài năng để cống hiến cho sự nghiệp của mình, để được tín nhiệm đứng vào vị trí lãnh đạo, quản lý một cách xứng đáng, được đồng nghiệp ủng hộ.
Thứ tư, tăng cường đội ngũ cán bộ nữ là một yêu cầu tất yếu trong các chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới. Vì vậy, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó coi trọng đổi mới công tác cán bộ nữ. Đồng thời, chính phụ nữ phải có ý thức vươn lên, có trách nhiệm với sự xác lập vị trí của mình trong gia đình, xã hội và cơ quan. Chị em cần chủ động hơn nữa trong nhận thức về giới, có kế hoạch học tập trau dồi trình độ, năng lực công tác, bản lĩnh chính trị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được phân công, tận tụy với công việc để chứng minh, khẳng định được năng lực, vị trí và vai trò của mình trong công tác. Bên cạnh đó, chị em phải biết rõ những nhược điểm của chính mình như tính tự ti, an phận,... và tìm cách khắc phục, biết hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và công tác. Biết tranh thủ thời cơ khi bố trí, quy hoạch vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, đơn vị của mình.
Vì vậy, tăng cường cán bộ nữ trong giai đoạn hiện nay không chỉ là cơ cấu cán bộ nữ nào đó vào trong bộ máy lãnh đạo, quản lý, mà chính là khơi dậy và phát huy tiềm năng của phụ nữ. Do đó, phải tiếp tục đổi mới nhận thức của xã hội về phụ nữ với tư cách là một lực lượng sản xuất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phụ nữ luôn phải được bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm và được có cơ hội ngang nhau khi tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phải coi việc tăng cường và phát triển cán bộ nữ hiện nay là nội dung trọng tâm của hệ thống chính trị. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách về cán bộ nữ trong giai đoạn hiện nay. Quy hoạch cán bộ nữ và thực hiện quy hoạch là những nhiệm vụ phải làm của các ngành, các cấp, tránh trường hợp quy hoạch cho có rồi không thực hiện.
Đỗ Văn Nhân
TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum