Thị ủy Nghĩa Lộ chăm lo công tác cán bộ
Trao giải tại Hội thi bí thư chi bộ giỏi của Đảng bộ Nghĩa Lộ năm 2014.

Thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ

Công tác tuyển dụng cán bộ được Thị ủy triển khai thông qua thi tuyển và xét tuyển, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định, lựa chọn những người có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu công việc. Cán bộ được bố trí phù hợp với trình độ đào tạo, năng lực, có điều kiện phát huy tài năng, trí tuệ, nhất là cá các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Đến nay, 100% cán bộ lãnh đạo quản lý khối đảng, đoàn thể và chính quyền ở thị xã có trình độ chuyên môn đại học và trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; phấn đấu 2015 có 100% cán bộ chủ chốt xã, phường có trình độ đại học chuyên môn.

Trong công tác quy hoạch, Thị ủy quan tâm nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, cơ bản đáp ứng yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trình độ năng lực công tác. Trong BCH Đảng bộ thị xã khoá XII, nhiệm kỳ 2010-2015, tỷ lệ cán bộ trẻ chiếm 11,4%, cán bộ nữ chiếm 37,1%, cán bộ dân tộc thiểu số chiếm 40%. Quy hoạch BCH Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, cán bộ trẻ chiếm 15,6%, cán bộ nữ chiếm 36,5%, cán bộ dân tộc thiểu số chiếm 44,4%.

Thị ủy đã coi trọng bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp thị và cấp xã, phường là người dân tộc thiểu số, gắn đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch. Năm 2013, 12 cán bộ là người dân tộc thiểu số được cử đi học Đại học Luật, Đại học Tài chính… 

Công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng bộ trong những năm qua đã đạt được kết quả bước đầu, khắc phục tình trạng hẫng hụt, bị động, khép kín. Cụ thể, năm 2014 đã bổ sung 7 ủy viên BCH Đảng bộ thị xã khóa XII  nhiệm kỳ 2010-2015, luân chuyển 3 đồng chí là thị ủy viên về làm bí thư đảng ủy xã, phường.

Có thể khẳng định rằng, Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ đã thực hiện tốt công tác qui hoạch cán bộ và luân chuyển cán bộ theo đúng năng lực, trình độ và giải quyết công việc thực tế, phát huy sức mạnh và nâng cao sức chiến đấu của đảng bộ, từ đó thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Hồng Nga, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy Nghĩa Lộ cho biết: là một thị xã miền núi với nhiều dân tộc thiểu số, Thị ủy Nghĩa lộ đã quan tâm công tác cán bộ nhất là tập trung vào đào tạo nguồn cán bộ là cơ sở người dân tộc thiểu số. Hiện nay, trong tổng số 561 cán bộ, công chức, viên chức ở thị xã có 156 người độ tuổi dưới 30 - trên 50 tuổi là người dân tộc thiểu số, chiếm trên 27,8%. Trong đó, số cán bộ có trình độ đại học: 45,8%, cao đẳng: 39,5%.

Những cán bộ gần dân

Ấn tượng của chúng tôi khi gặp đồng chí Hoàng Thị Phượng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, kiêm Trưởng khối Dân vận xã Nghĩa An là một phụ nữ trẻ, cởi mở, luôn thể hiện sự tự tin trong trang phục dân tộc. Đồng chí Hoàng thị Phượng chia sẻ: được tập thể BCH Đảng bộ xã tin tưởng, nhân dân quý mến, tín nhiệm, tôi luôn suy nghĩ phải hoàn thành tốt những yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Xã Nghĩa An có trên 85% đồng bào dân tộc Thái, người dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp. Đồng chí Phượng xác định để giúp bà con phát triển sản xuất, việc đầu tiên là phải chú trọng vận động thuyết phục bà con, quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Đảng ủy xã Nghĩa An tổ chức quán triệt các chỉ thị, nghị quyết tới cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Từ hiểu đến làm theo, mọi việc từ khó sẽ trở thành dễ. Với cương vị Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, đồng chí cùng BCH Đảng bộ xã đã xây dựng nhiều nghị quyết phù hợp như: Nghị quyết về công tác vệ sinh môi trường, nghị quyết thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; bổ sung quy chế làm việc, xây dựng kế hoạch hoạt động trong năm; lãnh đạo và chỉ đạo các chi bộ trực thuộc xây dựng nghị quyết phù hợp với tình hình từng tổ chức đảng.

Ngoài ra, với vai trò là Trưởng khối Dân vận xã, đồng chí Phượng đã tham mưu cho cấp uỷ xây dựng quy chế hoạt động của Khối, chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động trong năm phù hợp với điều kiện và nhiệm vụ công tác, duy trì tốt việc phân công các thành viên trong ban phụ trách từng lĩnh vực công tác và  thôn, bản. Đồng chí đã xây dựng 4 mô hình dân vận khéo, phát huy hiệu quả trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển làng nghề, nghề phụ tăng thêm thu nhập, tiểu biểu: Mô hình vận động nhân dân áp dụng kỹ thuật mới phân viên nén dúi sâu trong thâm canh lúa nước,mô hình trồng 15ha sắn cao sản năng suất cao,mô hình trồng rừng tập thể, mô hình duy trì, phát triển làng nghề, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc gắn với du lịch tại xã Nghĩa An.

Nói về đồng chí Hoàng Thị Phượng, đồng chí Điêu Thị Xiêng, Chủ tịch hội Phụ nữ xã cho biết: Chị Phượng là người cán bộ miệng nói tay làm, việc mới, việc khó làm chị gương mẫu làm trước. Với mô hình duy trì, phát triển làng nghề, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc gắn với du lịch tại xã Nghĩa An, chị đã đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng phòng nghỉ với công trình công trình vệ sinh hiện đại, nội thất đầy đủ, máy vi tính nối mạng. Bởi vậy, nhà chị Phượng đã trở thành một điểm ăn, nghỉ uy tín của các tour du lịch. Từ năm 2010 đến nay, mỗi  năm gia đình chị đón 30 đoàn với 140 khách, chủ yếu là khách nước ngoài. 

Đến xã Nghĩa Lợi, chúng tôi được giới thiệu về tấm gương chị Lò Thị Hồng Chung. Từ một cán bộ hội phụ nữ xã ham học hỏi, nỗ lực trong công tác, chị Lò Thị Hồng Chung được cấp trên tín nhiệm, giao nhiều công tác quan trọng ở xã như: đại biểu Hội đồng nhân dân, Hội Phó hội Phụ nữ, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc… được cán bộ, đảng viên thôn Chao Hạ 1 tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ. Chị chia sẻ: "Tôi nhận thức được  chỉ có tri thức mới giúp con người ta nhận thức, xác định con đường đúng đắn nhất. Chính vì vậy tôi hết sức cố gắng trong việc học tập". Chị Chung đã tìm hiểu các tài liệu về cây, con giống, tìm hiểu nhiều mô hình tăng năng suất, sản lượng chăn nuôi, trồng trọt. Với những nỗ lực của mình, chị Lò Thị Hồng Chung đã trở thành một đảng viên làm kinh tế gia đình giỏi, là tấm gương để bà con trong thôn, xã học tập, làm theo. Chị Lò Thị Xoan ở bản Chao Hạ cho biết: "Trước gia đình tôi cấy trồng  chỉ đủ ăn. Từ khi học theo chị Chung làm cây rau vụ ba, nuôi lợn, cá thì cuộc sống thay đổi nhiều, bớt nghèo hơn,có nguồn thu ổn định để nuôi các cháu ăn học... mỗi năm gia đình thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất