Một trong những điểm mới và nổi bật trong công tác cán bộ được Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2016 vừa qua là công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, góp phần từng bước khắc phục tình trạng mà hầu hết các cấp ủy đảng cho rằng việc nhận xét, đánh giá cán bộ là khâu yếu nhưng chậm được khắc phục.
Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12-8-2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam khóa XXI về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ, trong đó đánh giá cán bộ là khâu yếu và chậm được khắc phục. Nguyên nhân tình trạng trên có nhiều, nhưng nguyên nhân chính vẫn do một bộ phận cán bộ, đảng viên tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình còn yếu; nể nang, né tránh, ngại va chạm,...
Để khắc phục tình trạng trên, Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Quảng Nam khóa XXI đề ra nhiều giải pháp, đó là: Tập trung đổi mới nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nhận xét, đánh giá cán bộ theo hướng: Cấp trên đánh giá cấp dưới, người đứng đầu đánh giá người thuộc quyền quản lý; cấp trên trực tiếp đánh giá cấp dưới; bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quyết định, chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo thẩm quyền. Trên tinh thần đó, cùng với Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW về kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên năm 2016, ngày 22-11-2016 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 573-CV/TU để phân công tránh nhiệm cho các tổ chức chịu trách nhiệm đề xuất nhận xét, đánh giá đối với các đối tượng theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý của Trung ương và tỉnh đã quy định. Qua đó, việc nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý sát thực hơn. Cụ thể: Đảng đoàn HĐND tỉnh có trách nhiệm đề xuất nội dung nhận xét, đánh giá các ban của HĐND tỉnh; các chức danh: Phó chủ tịch HĐND tỉnh (không là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy); Trưởng các ban của HĐND tỉnh. Ban Cán sự đảng UBND tỉnh có trách nhiệm đề xuất nội dung nhận xét, đánh giá các sở, ban, ngành thuộc quyền quản lý và các chức danh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh (không là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy); giám đốc và tương đương các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh. Ban Dân vận Tỉnh ủy có trách nhiệm đề xuất nội dung nhận xét, đánh giá các cơ quan và người đứng đầu các cơ quan: Tỉnh đoàn; Hội Liên hiệp Phụ nữ; Hội Nông dân; Hội Cựu Chiến binh; Liên đoàn Lao động. Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan liên quan có trách nhiệm đề xuất nội dung nhận xét, đánh giá các cơ quan và người đứng đầu Văn phòng Tỉnh ủy, Trường Chính trị, Báo Quảng Nam. Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp nhận xét, đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đối với các cơ quan và người đứng đầu cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy và Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Ngoài ra, đối với cán bộ cấp huyện thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thực hiện theo tinh thần Công văn số 488-CV/TU ngày 10-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Công văn số 783-CV/BTCTU ngày 9-11-2016 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy liên quan đến nhận xét, đánh giá tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý năm 2016.
Thực hiện đồng bộ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, nhất là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; công tác nhận xét, đánh giá cán bộ năm 2016 thực hiện theo hướng cấp trên đánh giá cấp dưới; các tổ chức và người đứng đầu cấp trên trực tiếp có đề xuất nhận xét, đánh giá để tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận xét, đánh giá cán bộ thuộc quyền quản lý được các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo mục đích, yêu cầu, được đông đảo cán bộ, đảng viên đồng tình, ủng hộ. Năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã gợi ý kiểm điểm đối với 21 tập thể và 42 cá nhân trước khi nhận xét, đánh giá cán bộ; đồng thời trực tiếp nhận xét, đánh giá 131 trường hợp cán bộ là tỉnh ủy viên, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, thường trực cấp ủy các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, trong đó có 13 đồng chí được Ban Thường vụ Tỉnh ủy bỏ phiếu nhận xét, xếp loại thấp hơn mức do cơ quan, đơn vị đề nghị.
Với tinh thần đổi mới trong công tác nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy thường xuyên tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, từ việc rút kinh nghiệm cho đến việc chỉ đạo rà soát lại kết kết quả đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên năm 2016 để điều chỉnh kết quả đánh giá, phân loại chất lượng đối với các đồng chí đã được đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên cao hơn so với mức đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức của cấp có thẩm quyền theo đúng quy định. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên, trong đó có ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong công tác đánh giá, phân loại đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Qua cách làm trên, ngoài các văn bản chỉ đạo xuyên suốt của cấp có thẩm quyền, việc thường xuyên theo dõi, hậu kiểm ý kiến chỉ đạo của cấp trên là điều hết sức quan trọng, thể hiện nguyên tắc cơ bản được nêu tại Điều 9, Điều lệ Đảng: Nguyên tắc tập trung dân chủ, một trong những nội dung cơ bản của nguyên tắc đó là cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức. Sự nghiêm minh trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên đã góp phần từng bước khắc phục tình trạng nhận xét, đánh giá cán bộ được cho là khâu yếu nhất hiện nay, làm tiền đề để thực hiện tốt việc nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên trong những năm tiếp theo.
Lê Văn Dũng
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam