Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức các cơ quan chuyên môn của Kiên Giang
Bế giảng lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên.

Chủ trương, chính sách

Thực hiện các chủ trương của Đảng về công tác cán bộ, nhất là Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Kết luận số 37-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ đến năm 2020. Đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch số 69-KH/TU, ngày 27-12-2012 về đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch cán bộ các cấp, giai đoạn 2015-2020, Kế hoạch số 88-KH/TU, ngày 4-7-2013 về thực hiện Quy định số 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Bên cạnh đó UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định số 249/QĐ-UBND ngày 7-2-2012 về thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, CC tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2011-2016. Cũng Trong giai đoạn này, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành 9 quyết định phê duyệt các đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CC cho từng đối tượng và thu hút nguồn nhân lực.

Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ CC các cấp, trong đó có đội ngũ CC các CQCM cấp tỉnh: Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan cấp tỉnh, phấn đấu 100% có trình độ đạt chuẩn theo quy định, trong đó 15% có trình độ trên chuẩn, 75% có trình độ đúng chuyên ngành trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng cán bộ nâng cao kỹ năng tác nghiệp, am hiểu pháp luật, kiến thức quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quốc phòng an ninh, giỏi về công tác vận động quần chúng, nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ và bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao kiến thức, nghiệp vụ theo quy định.

Kết quả

Công tác bồi dưỡng CC, viên chức của tỉnh Kiên Giang nói chung, CC các CQCM của UBND tỉnh nói riêng trong những năm qua có sự quan tâm chỉ đạo tích cực của các cấp, các ngành. Số học viên sau bồi dưỡng ứng dụng nội dung học tập vào thực thi nhiệm vụ được cải thiện rõ rệt; năng lực thực tiễn được nâng lên hơn trước, đây là một trong những thành công của công tác bồi dưỡng CC các CQCM thuộc UBND tỉnh Kiên Giang.

Theo thống kê từ năm 2011 đến 2016 đã tổ chức bồi dưỡng cho 658 lượt CC (chiếm 53,25% so với tổng số CC). Trong đó: quản lý nhà nước 307; cập nhật kiến thức lãnh đạo, quản lý (đối trượng 3, 4) là 215 CC; trình độ ngoại ngữ 45 CC, tin học 61 CC; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành công tác đảng, chính quyền và đoàn thể 30 lượt CC.

Hiện nay, trong CC các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh, có tỷ lệ nữ chiếm 32,25% CC có tuổi đời dưới 30 tuổi, chiếm 16,61%, từ 30 đến 50 tuổi, chiếm 67,01% và từ 50 đến 60 tuổi, chiếm 16,38%. Đa số CC đều đạt chuẩn và giữ ngạch chuyên viên trở lên, trong đó chuyên viên cao cấp chiếm 2,35%, chuyên viên chính chiếm 21,31%. Phần lớn CC có trình độ từ đại học trở lên, chiếm trên 74,87%. Đây là cơ sở quan trọng để phát huy vai trò của đội ngũ CC các CQCM thuộc UBND tỉnh, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng.

Qua khảo sát ý kiến 299 CC của 8/20 cơ quan chuyên môn, cho thấy: Nhu cầu bồi dưỡng kiến thức, phương pháp, kỹ năng của đội ngũ CC hiện nay rất cao, thể hiện nhu cầu đều trên 97%, đáng chú ý nhất là sự đánh giá nhu cầu cần thiết bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ của CC là 97,25%. Các ý kiến đều cho rằng nội dung các chương trình bồi dưỡng là khá phù hợp với nhu cầu phục vụ công tác, tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến đánh giá là nội dung: ít phù hợp, chiếm tỷ lệ 16,8% và chưa phù hợp là 2,2%. Về tài liệu, giáo trình bồi dưỡng tương đối bám sát thực tế, tuy nhiên vẫn còn 21,8% cho rằng tài liệu còn chậm cập nhật mới, mức độ vận dụng kiến thức, kỹ năng còn trung bình và ít. Đối tượng giảng dạy các lớp bồi dưỡng chương trình đào tạo, bồi dưỡng CC các CQCM thuộc UBND tỉnh được đánh giá cao là: Giảng viên trường chính trị, đại học, cao đẳng và chuyên gia Trung ương. Tỷ lệ CC trong các CQCM thuộc UBND tỉnh Kiên Giang có phẩm chất đạo đức tốt có tỷ lệ khá cao (trên 90%), tuy nhiên về năng lực chuyên môn và kỹ năng công tác tốt được đánh giá còn ở mức độ từ 70%-80%... Đây là cơ sở để tham khảo góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng CCCM của tỉnh Kiên Giang.

Bên cạnh những kết quả dạt được, phương pháp xác định nhu cầu bồi dưỡng đội ngũ CC ở một số cơ quan của tỉnh Kiên Giang chưa đúng quy trình, thiếu khoa học. Vẫn còn một số CC năng lực chuyên môn và kỹ năng còn hạn chế. Nội dung bồi dưỡng chậm cập nhật mới. Sự phối hợp giữa các cơ quan tham mưu, nhà trường, cơ quan cử cán bộ đi học chưa được quan tâm đúng mức. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng CC các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh mới chủ yếu tập trung vào bồi dưỡng để chuẩn hóa chức danh. Việc đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng CC các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh chưa được quan tâm đúng mức, chưa xây dựng được hệ thống đánh giá chất lượng chính xác và hiệu quả cao. Nguyên nhân là do một số cấp ủy đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị còn ít quan tâm công tác bồi dưỡng CC. Việc đánh giá mức độ thực hiện công việc còn nhiều hạn chế, kết quả đánh giá không gắn liền với xác định những thiếu hụt trong kiến thức, kỹ năng của CC để xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng. Công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, quy trình đào tạo, bồi dưỡng có lúc chưa kịp thời, đồng bộ. Sơ kết, tổng kết đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng của ngành, lĩnh vực để tổng hợp báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy có biện pháp chỉ đạo có lúc chưa kịp thời. Một số văn bản của Trung ương hướng dẫn chưa đồng bộ. Chưa có chế độ, chính sách hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng riêng chức danh CC các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh. Ngoài ra, do đặc thù công việc nên vị trí công chức cử đi đào tạo ít có người thay thế.

Giải pháp

Thứ nhất, về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ. Sắp xếp tổ chức bộ máy hiệu quả, tiến hành tinh giản biên chế, thực hiện việc bố trí đúng theo đề án vị trí việc làm trong cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng đội ngũ CC hành chính cấp tỉnh chuyên nghiệp, đủ năng lực phẩm chất hoàn thành nhiệm vụ; ưu tiên bố trí vị trí CC phụ trách tham mưu về công tác đào tạo, bồi dưỡng có kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức và năng lực tiêu biểu. Thực hiện các chế độ chính sách để khuyến khích và có phương án phân công thay thế vị trí CC được cử tham gia các khóa bồi dưỡng.

Thứ hai, thực hiện tốt các quy trình công tác bồi dưỡng CC, xác định nhu cầu bồi dưỡng CC các CQCM thuộc UBND tỉnh Kiên Giang phù hợp với nhu cầu thực tế, đúng đối tượng. Xây dựng khung chương trình bồi dưỡng có thể dựa trên các nguyên tắc sau: Gắn liền với những kiến thức, kỹ năng mà công việc yêu cầu; xây dựng chương trình đào tạo theo quy định tiêu chuẩn chức danh và khung năng lực mà CC các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh cần phải đạt được; thẩm định những nội dung cơ bản của chương trình đào tạo, đảm bảo mục tiêu của chương trình đào tạo phải đạt được. Tiếp tục đổi mới, bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo trình, tài liệu bồi dưỡng CC cho sát với chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng, tránh sự trùng lặp kiến thức gây nhàm chán và lãng phí thời gian.

Thứ ba, đổi mới phương giảng dạy phù hợp với đối tượng là CC các CQCM, gắn lý luận với thực tiễn, học với hành. Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là một trong những nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên của mọi nhà trường, bên cạnh đó cần có sự phối hợp với các ngành chức năng lựa chọn giảng viên kiêm chức là những cán bộ lãnh đạo đầu ngành trong tỉnh, các nhà khoa học, cán bộ quản lý có trình độ, có kinh nghiệm thực tiễn tham gia công tác bồi dưỡng CC.

Ngoài ra, phải tiến hành đồng bộ giữa cải cách hành chính và thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng. Bởi đổi mới, nâng cao chất lượng CC là một trong những nội dung trọng tâm của cải cách nền hành chính nhà nước, chú trọng bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, nhất là những ngành trọng điểm như: du lịch, kinh tế biển, nông nghiệp... trang bị thêm các chuyên đề về kỹ năng lãnh đạo, quản lý; ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính ở các cơ quan cấp tỉnh; kỹ năng nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể. Các nội dung cải cách cũng góp phần quan trọng, hỗ trợ cho việc thực hiện hoạt động bồi dưỡng CC hiệu quả hơn. Bồi dưỡng CC cũng cần phải tiến hành đồng bộ trong việc thực hiện từng nhiệm vụ, đặc biệt là gắn với các khâu trong công tác cán bộ. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất