Hải Dương nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã giai đoạn 2016-2020
Lớp bồi dưỡng cho cán bộ công chức cấp xã.

Từ thực trạng

Hải Dương là một tỉnh đồng bằng sông Hồng, với nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, tự nhiên, xã hội, Hải Dương đang chuyển mình mạnh mẽ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu sớm trở thành tỉnh công nghiệp. Toàn tỉnh có 265 đơn vị xã, phường, thị trấn (trong đó có 227 xã, 25 phường và 13 thị trấn).

Đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) hiện có 2.702 người với 11 chức danh, trong đó có 402 cán bộ được bố trí kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách cấp xã. Đội ngũ công chức cấp xã có tổng số 2.389 người với 07 chức danh theo quy định tại nghị định 92/2009/NĐ-CP (Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy tính đến 15-6-2016).

Đội ngũ cán bộ cấp xã, hầu hết trưởng thành ở cơ sở, đã trải qua nhiều cương vị công tác ở địa phương; có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống tốt; có năng lực, kinh nghiệm công tác; cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị (trong đó có 47,5% có trình độ chuyên môn đại học; 82,1% có trình độ lý luận trung cấp trở lên). Đa số cán bộ cấp xã phát huy được tính tiền phong gương mẫu, nhiệt tình trách nhiệm với công việc và nỗ lực hoàn thành chức trách. Cán bộ được phân công kiêm nhiệm thêm các chức danh, hầu hết đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tỷ lệ công chức cấp xã đã qua đào tạo về chuyên môn khá cao (97,5% có trình độ từ trung cấp trở lên, trong đó có 48,5% có trình độ đại học). Đa số công chức cấp xã có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống tốt; có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí công tác, nắm được nghiệp vụ, có tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân tốt, có ý thức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, của quá trình cải cách hành chính hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở Hải Dương còn một số hạn chế.

Số lượng cán bộ, công chức cấp xã có xu hướng ngày càng tăng, tạo nên tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Thừa về số lượng, nhưng thiếu cán bộ, công chức có năng lực, hiệu quả làm việc cao. Một bộ phận công chức cấp xã chưa được bố trí, sử dụng có hiệu quả (các chức danh tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội... bố trí 2 người dẫn đến lãng phí nhân lực). Có công chức phải giải quyết khối lượng công việc lớn, nhưng cũng có công chức không sử dụng hết thời gian làm việc. Một số công chức trẻ mới được tuyển dụng chưa sâu sát thực tế, gần gũi nhân dân, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của địa phương.

Đội ngũ cán bộ, công chức nhiều người trưởng thành từ thực tiễn nhưng chưa được đào tạo cơ bản; một số có tư tưởng bảo thủ, trì trệ; tác phong, lề lối làm việc chậm đổi mới. Một số cán bộ, công chức tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ chưa cao, thái độ phục vụ nhân dân chưa tốt; trình độ, năng lực còn hạn chế, ngại học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Một bộ phận cán bộ, công chức có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; thiếu gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; không trung thực, thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình; buông lỏng quản lý dẫn dến xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, tài chính tại địa phương. Một số cán bộ, công chức xã còn nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho tổ chức và công dân.

Đến giải pháp

Để nâng cao năng lực lãnh đạo và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành Đề án số 01-ĐA/TU về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2016-2020.

Đề án đã xác định mục tiêu chung đối với công tác kiện toàn bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là: Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị cấp xã; đảm bảo tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; bố trí, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, khu dân cư có số lượng và cơ cấu hợp lý, có phẩm chất tốt, có trình độ, năng lực đáp ứng được yêu cầu công tác; gương mẫu, công tâm, thạo việc, tận tụy với dân.

Để đạt được mục tiêu tổng quát trên, Tỉnh ủy Hải Dương đã đưa ra những mục tiêu cụ thể, gồm:

Một là, đến hết năm 2021, mỗi xã, phường, thị trấn tinh giản ít nhất 10% tổng biên chế cán bộ, công chức được giao.

Hai là, phấn đấu đến hết năm 2018, mỗi huyện, thị xã, thành phố có từ 2-3 đơn vị cấp xã bố trí bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Phấn đấu sau Đại hội cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025 có từ 30%-50% đơn vị cấp xã bí thư kiêm chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.

Ba là, thực hiện việc bố trí kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu dân cư; một người đảm nhiệm từ 2-3 chức danh. Đến hết năm 2018, giảm ít nhất 40% số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu dân cư.

Bốn là, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ 2015-2020, 100% cán bộ chủ chốt (bí thư, phó bí thư thường trực, ủy viên ban thường vụ đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND) cấp xã có trình độ chuyên môn đại học và có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên; 100% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn trung cấp trở lên và được bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước; 100% cán bộ chuyên trách và không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, thôn, khu dân cư được bồi dưỡng về nghiệp vụ ít nhất hai lần.

Để đạt được những mục tiêu trong kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã giai đoạn 2016- 2020 cần tập trung vào một số nhóm giải pháp cơ bản sau:

Một là, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền cấp xã. Để thực hiện nhiệm vụ này, đòi hỏi phải thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 về tổ chức bộ máy của HĐND, UBND cấp xã, gắn với yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của từng địa phương. Bố trí, sử dụng có hiệu quả công chức cấp xã, trước mắt đối với các chức danh được bố trí 2 người nhưng khối lượng công việc ít thì cần phân công kiêm nhiệm thêm công việc phù hợp khác để đảm bảo thời gian và hiệu suất làm việc cao hơn. Từng bước cơ cấu lại việc sử dụng đội ngũ cán bộ và công chức cấp xã để đến năm 2021, mỗi xã, phường, thị trấn giảm ít nhất 10% biên chế cán bộ, công chức được giao.

Tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện chủ trương thí điểm mô hình bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND cấp xã; tiếp tục mở rộng việc thực hiện chủ trương này ở một số xã, phường, thị trấn có đủ điều kiện. (nhiệm kỳ 2011-2016, Hải Dương đã thực hiện thí điểm mô hình bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã ở 7 xã, phường, thị trấn; đến nhiệm kỳ 2016-2021, hiện chỉ còn 2 xã thực hiện thí điểm chủ trương này).

Hai là, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã gắn với tinh giản biên chế. Việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã thực hiện theo quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 03/2014/QĐ-UBND ngày 15-1-2014 của UBND tỉnh Hải Dương. Trên cơ sở đó, bố trí, sắp xếp kiêm nhiệm một số chức danh nhằm tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đối với cán bộ cấp xã: Bố trí chức danh bí thư đảng ủy kiêm nhiệm chủ tịch HĐND; trường hợp bí thư đảng ủy không phải là đại biểu HĐND hoặc đã kiêm chủ tịch UBND thì bố trí phó bí thư thường trực đảng ủy kiêm nhiệm. Nhân sự trưởng các ban của HĐND cần bố trí các cán bộ là cấp trưởng mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội cấp xã, có kinh nghiệm hoặc chuyên môn phù hợp.

Đối với công chức cấp xã: Phân công công chức văn phòng HĐND-UBND kiêm nhiệm công tác nội vụ. Phân công 1 công chức văn hóa - thông tin kiêm trưởng đài truyền thanh. Những nơi bố trí 2 công chức tài chính - kế toán: giáo 1 công chức tài chính - kế toán kiêm thêm công việc của công chức văn phòng HĐND - UBND. Từng bước cơ cấu lại đội ngũ công chức xã, theo hướng đến năm 2021, cơ bản các xã, phường, thị trấn chỉ bố trí 01 công chức tài chính - kế toán. Công chức nông nghiệp và xây dựng nông thôn, bố trí kiêm trưởng ban thú y và cán bộ khuyến nông. Lựa chọn công chức xã có đủ điều kiện bố trí kiêm bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu dân cư nhằm mục đích đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ chủ chốt cấp xã.

Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Giai đoạn 2016-2020, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được thực hiện tập trung ở một số nhiệm vụ: 1) tiếp tục tổ chức thực hiện tốt việc tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 5-12-2011 của chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn; Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30-10-2012 của Bộ Nội vụ; Quyết định số 27/2013/QĐ-UBND ngày 28/3/2013 của UBND tỉnh Hải Dương Ban hành quy chế tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn; Quyết định 08/2014/QĐ-UBND sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 27/2013/QĐ-UBND. Ưu tiên xét tuyển sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi các trường công lập vào công chức xã, phường, thị trấn. 2) Xây dựng quy định về tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh cán bộ chủ chốt ở xã, phường, thị trấn làm cơ sở để lựa chọn, bố trí cán bộ. Chú trọng làm tốt công tác đánh giá, rà soát, quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, nhất là đối với các chức danh chủ chốt xã, phường, thị trấn. 3) Tăng cường luân chuyển cán bộ từ cấp huyện về giữ chức vụ chủ chốt ở cấp xã và ngược lại; luân chuyển, bố trí cán bộ, công chức từ vị trí công tác này sang vị trí công tác khác phù hợp nhằm củng cố đội ngũ cán bộ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ. 4) Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và trong nhiệm kỳ phù hợp với từng đối tượng cán bộ cấp xã, thôn, khu dân cư. Chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng phù hợp với từng chức danh; chú ý bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và kinh nghiệm giải quyết những tình huống phát sinh ở cơ sở. 5) Làm tốt công tác quản lý cán bộ; tăng cường kiểm tra, thanh tra, kịp thời xử lý, thay thế cán bộ có biểu hiện sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, yếu kém về năng lực nhằm không ngừng nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức. 6) thực hiện tốt chế độ, chính sách (chế độ tiền lương, phụ cấp chức vụ, công vụ, phụ cấp kiêm nhiệm, bảo hiểm xã hội,...) đối với cán bộ, công chức cấp xã theo quy định hiện hành của nhà nước.

Hải Dương đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ từ một tỉnh nông nghiệp trở thành tỉnh công nghiệp, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có chất lượng cao, được sắp xếp, bố trí hợp lý, sử dụng hiệu quả sẽ góp phần xây dựng bộ máy chính quyền chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu của nền hành chính hiện đại.

ThS. Lê Thị Liên
Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học - Thông tin - Tư liệu
Trường Chính trị tỉnh Hải Dương


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất