Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 89 - QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị có văn bản quy định một cách hệ thống, bài bản về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với các cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương (ảnh bên) đã trả lời phỏng vấn làm rõ hơn nội hàm, mục đích, ý nghĩa các Quy định của Bộ Chính trị.
Phóng viên: Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị có văn bản quy định một cách bài bản, hệ thống về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Việc ban hành các quy định này có ý nghĩa như thế nào trong việc chuẩn hóa công tác cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, phòng chống quan liêu, tham nhũng hiện nay, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình: Từ trước tới nay, nhiều nghị quyết của Đảng luôn khẳng định chủ trương Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, trong đó xác định một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng là phải làm tốt khâu đánh giá cán bộ để làm cơ sở quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ chính xác và hiệu quả. Thực tế cho thấy, đánh giá cán bộ có vai trò hết sức quan trọng trong công tác cán bộ nhưng vẫn là khâu khó, khâu yếu và thực hiện chưa hiệu quả. Việc xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn chức danh cán bộ đến trước thời điểm ban hành quy định tuy có được thực hiện nhưng vẫn chưa đồng bộ, liên thông, tổng thể trong hệ thống chính trị nên việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập và có một số trường hợp thiếu chính xác.
Do đó, việc lần này Bộ Chính trị ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cán bộ cao cấp thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có ý nghĩa rất quan trọng. Quy định đã xác định rõ, cụ thể tiêu chuẩn chung cần phải có đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý của cả hệ thống chính trị, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành, kiên định với đường lối của Đảng, biết đặt lợi ích của đất nước, tập thể lên trên lợi ích cá nhân; tiêu chuẩn về đạo đức lối sống, phong cách, ý thức tổ chức kỷ luật của người cán bộ lãnh đạo với đạo đức trong sáng, tác phong giản dị, không tham nhũng, lãng phí, không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ để trục lợi...; tiêu chuẩn về trình độ bao gồm cả chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước, ngoại ngữ, tin học phù hợp; tiêu chuẩn về năng lực thực tiễn, trong đó trọng tâm là năng lực cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào lĩnh vực công tác được phân công; đồng thời phải có uy tín trong tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và đối với quần chúng nhân dân, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn thể hiện bằng sản phẩm cụ thể.
Việc thực hiện có hiệu quả quy định này là nhiệm vụ hết sức quan trọng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu trong công tác cán bộ, liên thông giữa các cấp từ Trung ương đến cơ sở, đánh giá đúng đắn, khách quan, chính xác đối với cán bộ để có cơ sở sử dụng, bố trí cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ; từng bước chuẩn hóa, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị, đồng thời khẳng định quyết tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Phóng viên: Quy định nêu rõ các tiêu chí về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, trình độ năng lực, uy tín, sức khỏe, độ tuổi và kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ “tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc, là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt, không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi,...; tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi... ”. Đồng chí có thể làm rõ hơn các tiêu chuẩn này?
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình: Cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, được nhân dân bầu, Đảng, Nhà nước giao các vị trí hết sức quan trọng với chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn cao. Do đó, đòi hỏi những cán bộ cao cấp phải là những người trước hết phải có đạo đức trong sáng, biết đặt lợi ích của nhân dân, quốc gia - dân tộc, tập thể lên trên lợi ích cá nhân, sử dụng quyền lực được giao vào những mục đích, mục tiêu chung của xã hội, đất nước, để mang lại sự phát triển của đất nước, cuộc sống công bằng, dân chủ, văn minh cho nhân dân. Thông qua tiêu chuẩn này, Đảng tiếp tục khẳng định mục tiêu, lý tưởng của Đảng là vì lợi ích của quần chúng nhân dân, cán bộ cao cấp của Đảng được trao quyền lực là để tận tâm, tận lực làm việc phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, chứ không được dùng để thu vén lợi ích cá nhân.
Việc ban hành công khai các tiêu chuẩn này vừa thể hiện quyết tâm của Đảng ta, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đấu tranh không khoan nhượng với tình trạng suy thoái đạo đức, tham nhũng, lợi ích nhóm trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý; nhưng cũng đồng thời là công cụ để đảng viên, nhân dân giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ đảng trong việc sử dụng quyền lực được giao; là một trong những cách thức để thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những bước cụ thể và yêu cầu đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện để đảm bảo các tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý đi vào thực tế và đạt mục tiêu, kết quả như mong muốn?
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình: Để tổ chức triển khai các quy định của Bộ Chính trị có kết quả, thời gian tới cần thực hiện một số nội dung công việc như sau:
Một là, trên cơ sở các quy định này, Bộ Chính trị đã xác định và giao trách nhiệm để các cấp ủy, tổ chức đảng phải căn cứ vào nội dung khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý để xây dựng, cụ thể hóa và sớm ban hành bộ tiêu chuẩn chức danh và bộ tiêu chí đánh giá cán bộ quản lý của cấp mình quản lý theo hướng rõ, sát hợp, “lượng hóa” phù hợp nhất và tổ chức thực hiện việc đánh giá cán bộ một cách thực chất, chính xác, ưu tiên thực hiện có kết quả ngay trong đợt đánh giá cán bộ cuối năm 2017, 2018 tới; cũng như khi đánh giá cán bộ để xem xét giới thiệu, lựa chọn, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp mình trong thời gian tới.
Hai là, theo quy định này, năm 2019, Trung ương, Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng sẽ tiến hành đánh giá cán bộ tổng thể cho cả nhiệm kỳ 2015-2020. Đây cũng là lần đầu tiên thực hiện đánh giá cán bộ tổng thể cả nhiệm kỳ theo các tiêu chí, do đó đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng phải nghiên cứu, quán triệt kỹ lưỡng, thấu đáo và tiến hành nghiêm túc, hiệu quả.
Ba là, các cấp ủy, tổ chức đảng sẽ căn cứ quy định này để tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa các tiêu chuẩn đối với cấp ủy viên các cấp trong Đảng, sử dụng kết quả đánh giá cán bộ thông qua bộ tiêu chí như một công cụ hữu hiệu để đánh giá đúng cán bộ, chuẩn bị cho việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự tại Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; cũng như nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các đại hội nhiệm kỳ tiếp theo.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí.
Quỳnh Hoa
TTXVN