Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới dài trên 230km giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Lạng Sơn có 1 thành phố, 10 huyện trong đó có 5 huyện biên giới; toàn tỉnh có 207 xã, trong đó có 111 xã vùng cao, biên giới, đặc biệt khó khăn. Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy, chính quyền ở Lạng Sơn chú trọng quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó có lớp cán bộ trẻ.
Đồng chí Nông Ngọc Chiến (đứng), Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lạng Sơn trao đổi một số nội dung về công tác tổ chức xây dựng đảng với Đoàn cán bộ, phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng.
Năm 2013, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 67-NQ/TU về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đến năm 2020 và những năm tiếp theo, trong đó tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số bảo đảm số lượng, cơ cấu phù hợp, đáp ứng công tác tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trước mắt và lâu dài. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã có Đề án đào tạo, đào tạo lại cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2006-2015 và ban hành Kế hoạch số 05-KH/TU ngày 2-5-2016 về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016-2020.
Căn cứ chỉ tiêu biên chế được giao, hằng năm các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng và tổ chức tuyển dụng công chức, bổ sung kịp thời số công chức còn thiếu để phục vụ yêu cầu công tác. Riêng trong năm 2015, cả tỉnh đã tuyển dụng được 107 công chức cấp xã, trong đó xét tuyển đặc cách 10 trường hợp là sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi và 2 trường hợp cử tuyển. Hội đồng tuyển dụng công chức, viên chức của tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về thi tuyển, trong đó có tính điểm ưu tiên cho các thí sinh người dân tộc thiểu số, tuổi trẻ có trình độ chuyên môn cao, phù hợp với nhu cầu của tỉnh.
Việc bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức nhất là đối với đội ngũ cán bộ trẻ được các cơ quan, đơn vị quan tâm như: Sắp xếp vào vị trí việc làm phù hợp với trình độ chuyên môn; tạo điều kiện đưa đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học… Tỷ lệ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi trong các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện ngày càng cao. Hằng năm, trong công tác quy hoạch cán bộ, các cấp ủy, chính quyền đã mạnh dạn đưa vào quy hoạch những cán bộ, công chức trẻ có năng lực và triển vọng phát triển.
Thực hiện Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020, UBND tỉnh đã chọn 24 trí thức trẻ tham gia Đề án trên tại các xã của huyện Bình Gia và Đình Lập. Tại đây, các công chức trẻ được tuyển chọn đã được bố trí vào các chức danh công chức cấp xã như văn phòng - thống kê, địa chính - nông nghiệp - xây dựng, tài chính - kế toán, văn hóa - xã hội. Nhìn chung, các công chức trẻ đã phát huy được trí tuệ, sức trẻ, tiếp cận nhanh với công việc, bước đầu áp dụng những kiến thức đã được đào tạo vào công việc thực tiễn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tạo nguồn, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức trẻ ở Lạng Sơn cũng còn những hạn chế, khó khăn: Một số cấp ủy địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa thật sự coi trọng công tác cán bộ trẻ. Cơ chế, chính sách nhất là chế độ tiền lương đối với cán bộ trẻ còn bất cập, chưa tạo được động lực thu hút nguồn cán bộ trẻ có trình độ cao, xuất sắc vào làm việc lâu dài trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp. Số biên chế và chức danh lãnh đạo của từng ngành, từng cấp có hạn, ảnh hưởng đến việc tuyển chọn, bố trí cán bộ trẻ làm nguồn thay thế. Một số cán bộ, công chức trẻ tuy được đào tạo cơ bản nhưng còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng lãnh đạo nên giải quyết công việc thường lúng túng, thiếu quyết đoán, hiệu quả chưa cao… Trong thời gian tới, để công tác tạo nguồn, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức trẻ có hiệu quả thiết thực, tỉnh Lạng Sơn chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu rộng mục đích, yêu cầu, ý nghĩa công tác cán bộ trẻ của tỉnh trong các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên. Trước hết, cấp ủy, người đứng đầu nhận thức đúng và đổi mới quan điểm về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên để lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt. Khắc phục tư tưởng xem nhẹ lớp cán bộ trẻ, tạo điều kiện hỗ trợ, chia sẻ về kinh nghiệm công tác, môi trường làm việc thân thiện giúp cán bộ trẻ phát triển và trưởng thành.
Hai là, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 67-NQ/TU về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đến năm 2020 và những năm tiếp theo và Kế hoạch số 05-KH/TU ngày 2-5-2016 về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016-2020. Theo đó, từng cơ quan, đơn vị cụ thể hóa bằng các kế hoạch, chương trình hành động theo lộ trình, bám sát với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị mình.
Ba là, làm tốt công tác dự báo nhu cầu sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp gắn với công tác quy hoạch cán bộ, làm cơ sở cho việc tính toán xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng bố trí, sử dụng cán bộ trẻ. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ nói chung, giới thiệu và đưa vào quy hoạch những cán bộ trẻ có trình độ, năng lực, đạo đức tốt, có triển vọng phát triển ở các ngành, các cấp. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo định kỳ hằng năm, trong đó chú trọng bồi dưỡng kiến thức về lãnh đạo, quản lý, kỹ năng xử lý tình huống, cập nhật kiến thức chuyên môn.
Bốn là, lựa chọn một số cán bộ trẻ trong quy hoạch các chức danh chủ chốt để thực hiện việc luân chuyển nhằm đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân sự kế cận khi đủ điều kiện. Tạo môi trường công tác để cán bộ trẻ học tập, trưởng thành. Thực hiện thí điểm chế độ tập sự cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng. Tăng cường kiểm tra công tác cán bộ trẻ của các cơ quan, đơn vị, kịp thời chỉ đạo khắc phục những hạn chế, khó khăn để xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ đáp ứng yêu cầu đề ra.
Mai Anh